Mất điện, mất nước, giao thông hỗn loạn: Người dân Trung Quốc lao đao trước tình trạng thiếu điện trầm trọng

Khánh Ly |

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đang bắt đầu len lỏi vào từng nhà dân, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội dẫn đến suy thoái kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tình trạng cắt điện trên toàn Trung Quốc do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm giá than tăng mạnh và nhu cầu tăng cao khi mùa đông đến gần. Một số nhà máy đã bắt đầu phải cắt giảm sản xuất, thậm chí dừng hoàn toàn.

Ở các thành phố cực bắc của Trung Quốc, việc thiếu điện tác động đến các hộ gia đình và những người không sử dụng điện công nghiệp khi nhiệt độ vào ban đêm giảm xuống mức gần như đóng băng. Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia đã yêu cầu các công ty than và khí đốt tự nhiên đảm bảo cung cấp đủ năng lượng để giữ ấm cho các ngôi nhà trong mùa đông.

Ba tỉnh ở Đông Bắc Trung Quốc, bao gồm Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, cho biết đã xảy ra tình trạng thiếu điện ở một số khu vực do giá than dùng để phát điện quá cao. Nhiều cư dân địa phương cho biết điều này đã ảnh hưởng đến sinh kế hàng ngày của họ.

Mất điện, mất nước, giao thông hỗn loạn: Người dân Trung Quốc lao đao trước tình trạng thiếu điện trầm trọng - Ảnh 1.

Ánh sáng lờ mờ từ đèn chạy bằng máy phát điện trong một quán tạp hóa ở Thẩm Dương, Trung Quốc. Ảnh: AP

Một người dân ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng nguồn điện của nhà ông gần đây hay bị ngắt quãng, nhưng ông không nhận được bất kỳ thông báo trước nào.

Theo báo cáo trên các phương tiện truyền thông địa phương của tỉnh Cát Lâm, các hạn chế về điện có thể sẽ tiếp tục cho đến tháng 3 năm 2022. Người dân sẽ phải chuẩn bị cho việc cắt nước thường xuyên.

Một người dân khác ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh cho biết rằng ông đã nhận được thông báo về việc cắt điện sắp tới nhưng không biết khi nào tình trạng mất điện sẽ kết thúc.

Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, tại thành phố Liêu Dương, 23 người đã phải nhập viện vì ngộ độc khí sau khi hệ thống thông gió trong một nhà máy đúc kim loại bị ngắt sau khi cúp điện.

Thành phố Hồ Lô Đảo ở Liêu Ninh đã yêu cầu người dân không sử dụng các thiết bị điện tử tiêu tốn nhiều năng lượng như máy nước nóng và lò vi sóng trong thời gian cao điểm.

Tình trạng thiếu điện cũng gây ra hỗn loạn giao thông trên các tuyến đường ở một số thành phố khi các cột đèn giao thông bị tắt. Một người dân thành phố Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang nói với Reuters rằng nhiều trung tâm mua sắm đã đóng cửa sớm hơn. Bảng hiệu quảng cáo trên đường phố cũng phải tắt sớm hơn bình thường.

Người dùng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng thiếu điện ở Đông Bắc Trung Quốc. Một tài khoản có tên "Wandong Bayue" đã kêu gọi các cơ quan liên quan của chính phủ chấn chỉnh việc cung cấp điện cho khu dân cư vì nhiệt độ ở Đông Bắc Trung Quốc đang giảm xuống.

Việc cắt điện để đáp ứng các mục tiêu sử dụng năng lượng đã khiến một số hộ gia đình chìm trong bóng tối và buộc các nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa. Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc ảnh hưởng đến nhà cửa và nhà máy khiến cho lo ngại về nguồn cung toàn cầu gia tăng.

Mất điện, mất nước, giao thông hỗn loạn: Người dân Trung Quốc lao đao trước tình trạng thiếu điện trầm trọng - Ảnh 3.

Người đàn ông dùng điện thoại để soi tô mì khi đi ăn quán trong thời gian mất điện ở Thẩm Dương, thuộc tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: AP

Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc, do nguồn cung than siết chặt và các tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe, đã làm ảnh hưởng đến sản xuất trong các ngành công nghiệp ở một số khu vực và gây ra rủi ro cho các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng.

Các nhà sản xuất phải đối mặt với tình trạng thiếu chip xử lý có sẵn, gián đoạn vận chuyển và các tác động kéo dài khác của việc ngừng hoạt động du lịch và thương mại trên toàn cầu để chống lại đại dịch Covid-19.

Việc tạm dừng sản xuất tại một số nhà máy gây ra lo ngại về khả năng khan hiếm hàng hóa trước Giáng Sinh, bao gồm cả điện thoại thông minh và thiết bị.

Theo tờ The Guardian, hậu quả của tình trạng thiếu điện đã khiến một số nhà phân tích hạ cấp triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021 đối với Trung Quốc, đồng thời cũng cảnh báo về khả năng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu đối với hàng dệt may, đồ chơi và linh kiện máy móc.

Tham khảo Global Times, The Guardian, Bloomberg


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại