Quyền lực của Quốc vương
Quốc vương Bhumibol Adulyadej bắt đầu trị vì Thái Lan từ năm 1946 và người kế vị của ông sẽ là một phép thử khó khăn với Thái Lan, khi mà Chính phủ nước này hiện do quân đội điều hành và Thái tử Vajiralongkorn thì không có được sự nể vì như vua cha.
Mặc dù Thái Lan theo chế độ quân chủ lập hiến, tức là Quốc vương Bhumibol Adulyadej không có vai trò chính trị chính thức, nhưng ông vẫn được coi là nhân vật tạo nên sự liên tục, là biểu tượng cho sự đoàn kết đối với nhân dân của một đất nước chưa yên ổn kể từ cuộc lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006.
Nhà vua qua đời khi Thái Lan vẫn đang trong nỗ lực tìm phương hướng khôi phục chính phủ dân sự sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014.
"Quốc vương là trái tim của đất nước chúng tôi. Không có trái tim, chúng tôi sao có thể sống nổi", Donnapha Kladbupha, một người dân Thái Lan chia sẻ với Reuters.
Rất khó để xác định quan điểm thực sự về tương lai của Hoàng gia bởi luật lese-majeste (phạm thượng - PV) của Thái Lan cấm chỉ trích, đe dọa quốc vương, nữ hoàng và những nhân vật sẽ kế vị ngôi vương.
Hội đồng Quân sự Thái Lan đã tận dụng triệt để luật này để bảo vệ Hoàng gia tránh khỏi chỉ trích và dập tắt những đồn đoán về sự phù hợp của Thái tử Vajiralongkorn ở vị trí Quốc vương. Năm ngoái, hai người Thái đã phải nhận án tù 25 và 30 năm vì đăng bình luận về quốc vương lên Facebook.
Người kế vị ngôi vương
Thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, con trai duy nhất của Quốc vương, đã được chỉ định là người kế vị duy nhất của Quốc vương Bhumibol từ năm 1972.
Thái tử vốn đã đảm nhiệm hầu hết các nghi lễ của quốc vương. Quan chức có liên quan cũng đã chuẩn bị cho lễ đăng cơ của ông được một thời gian.
Trong vài tháng trở lại đây, Thái tử cùng gia đình - hai cô con gái từ hai cuộc hôn nhân đầu và một con trai từ cuộc hôn nhân thứ ba - ngày càng xuất hiện nhiều trên truyền hình và tạp chí.
Tin tức buổi tối trên các kênh truyền hình quốc gia đưa tin nhiều về Thái tử hơn trước. Đầu năm nay, chính quyền thành phố Bangkok đã cho dựng hai bức chân dung khung vàng, một bức là Thái tử thời còn nhỏ ở bên Quốc vương Bhumibol, một bức là Thái tử đã trưởng thành đứng cạnh vua cha.
"Bây giờ có nhiều chân dung Thái tử hơn vài năm trước", nguồn tin từ cung điện Thái Lan của Reuters cho hay, "Đây không phải là một chuyện tình cờ mà là một bước đi nhằm ngăn chặn sự bất ổn trong tương lai".
Tuy nhiên, Thái tử Vajiralongkorn không được sùng kính như cha.
Theo tài liệu năm 2014 của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Thái Lan, Thái tử Vajiralongkorn "trong nhiều thập kỷ đã mang danh là người bộp chộp, trăng hoa và chuyên ra những quyết sách tồi, trái ngược với Quốc vương Bhumibol, người duy trì một tầm ảnh hưởng nhất định đối với Thái Lan".
Người dân Thái khóc thương khi nghe tin Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà.
Quyền điều hành Thái Lan
Trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 8 vừa qua, Thái Lan đã bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp do quân đội hậu thuẫn, mở đường cho bầu cử. Theo hiến pháp mới, Thượng viện gồm 250 thành viên sẽ do quân đội chỉ định, trong đó 6 ghế sẽ dành cho người đứng đầu các lực lượng vũ trang cùng cảnh sát.
Quân đội sẽ cần ít nhất 125 nghị sĩ từ Hạ viện để cùng các Thượng nghị sĩ được chỉ định bỏ phiếu bầu ra Thủ tướng.
Theo giới quan sát, hiến pháp sẽ cho phép quân đội duy trì quyền lực trong giai đoạn chuyển giao sau tổng tuyển cử, đồng thời giúp lực lượng này nắm quyền kiểm soát Thượng viện, từ đó có quyền phủ quyết với các đề xuất từ phía nghị sĩ.
Chính quyền quân sự Thái Lan khẳng định không quan tâm tới việc duy trì quyền lực sau năm 2017 và nhiều lần khẳng định sẽ tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên sau đảo chính vào năm tới.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng thúc giục chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đưa đất nước về lại dưới quyền điều hành của một Chính phủ dân sự càng sớm càng tốt.
Chính phủ Thái Lan cho biết Thái Lan sẽ để tang Quốc vương Bhumibol Adulyadej trong một năm. Toàn bộ các cơ quan công quyền và cơ sở giáo dục đều sẽ treo cờ rủ trong vòng 30 ngày kể từ 14/10/2016.
Hiện chưa có thông tin chi tiết về tang lễ.