1. Cuộc đời đầy thăng trầm của kiếm sĩ huyền thoại Miyamoto Musashi
Samurai là cánh tay phải của các lãnh chúa xưa ở Nhật. Ảnh Internet.
Con đường của một samurai là con đường chông gai, khắc nghiệt mà không phải ai cũng có thể đi trên đó, chính vì thế samurai được xem là những kiếm khách phi thường với những phẩm chất vượt trội hơn người.
Con đường của kiếm sĩ huyền thoại Miyamoto Musashi có lẽ còn gian nan hơn thế rất nhiều vì ông sinh ra vào thời đại loạn lạc của các cuộc nội chiến liên miên vào thế kỷ 17 trong thời kỳ Azuchi-Momoyama (1568-1603).
Tuổi thơ bất hạnh
Có lẽ không phải Miyamoto Musashi đã chọn con đường đi trở thành Samurai huyền thoại mà chính hoàn cảnh đã đẩy ông bước đi trên con đường này.
Sinh ra trong một gia đình samurai, thuở nhỏ ông sống với mẹ là chủ yếu. Còn cha ông, một chiến binh nổi tiếng tên là Shinmen Munisai, thường xuyên về nhà thăm gia đình và chỉ dạy cho ông những kiến thức đầu tiên kiếm thuật và các khía cạnh khác của samurai.
Bất hạnh ập đến gia đình ông khi mới chỉ lên 10 tuổi, mẹ và cha đều lần lượt qua đời, ông bị bỏ rơi và người làng xa lánh xem ông như đứa con của quỷ vì sự phá phách và bản tính hoang dã, ương ngạch của mình.
Trận chiến đầu tiên năm 13 tuổi
Ông bị đưa vào tu viện và học đạo Phật từ các thầy tăng nơi đây như một cách giáo dục đặc biệt, tuy nhiên khi mới 13 tuổi, ông đã có thể đánh bại một samurai trưởng thành có tên Arima Kibie của phái Shinto Ryu.
Ông đánh bại đối thủ chỉ với cây gậy gỗ thay kiếm, khiến đối thủ phải gục dưới sàn nhà và chết vì hộc máu. Điều đó cho thấy tư chất vĩ đại để có thể tạo nên vị kiếm khách bất bại sau này.
Trận chiến thứ hai năm 16 tuổi
Trận chiến thứ hai của Musashi là trận chiến với một võ sĩ nổi tiếng Akiyama của tỉnh Tajima. Và lần này ông cũng dành chiến thắng.
Năm 16 tuổi, Musashi rời bỏ tu viện với một người bạn tên Honiden Matahachi và trở thành những kiếm khách tự do lưu lạc tới Tokyo, ông và bạn mình đã tham gia đội quân của Toyotomi rồi tham dự trận đánh đẫm máu Sekigakarai (1600) giữa Ashikaga Clan và Ieyasu Tokugawa.
Không may, phe của ông thất trận và bị truy sát, bị săn đuổi Musashi trở thành tội phạm, phải thay đổi họ tên và bước đi trên con đường chỉ có giao tranh đẫm máu, từ một kẻ lạnh lùng, hoang dã ông đã hoàn thiện dần kỹ năng để trở thành kiếm sĩ nổi danh.
Ông kể lại rằng mình đã giao chiến 60 trận suốt cả cuộc đời và chưa từng thất bại, trong đó ông đều sử dụng 2 thanh kiếm một lúc (song kiếm). Một là thanh trường kiếm, một bên là thanh kiếm tre gọn nhẹ.
Ông sử dụng chúng điêu luyện và phối hợp nhuần nhuyễn, có nhu có cương, vô cùng lợi hại. Có câu chuyện kể rằng, một ngày nọ, 4 kiếm sĩ tới một quán rượu.
Họ nhận thấy 1 kiếm sĩ khác nhìn rách rưới nhưng 2 thanh kiếm trên bàn thì tuyệt đẹp và sắc bén, nổi lòng tham, họ khiêu khích vị kiếm khách rách rưới kia đấu kiếm nhằm chiếm đoạt 2 thanh kiếm này.
Nhưng vị kiếm khách vẫn im lặng dù cho bị khiêu khích thế nào đi nữa, ông ta chỉ cầm đũa lên gắp liên tiếp 4... con ruồi đang bay!
Thấy vậy, biết đây không phải là người tầm thường, họ liền nhanh chóng thoát khỏi quán, còn Musashi vẫn lặng lẽ ngồi uống rượu tiếp.
2. Trận đối đầu sinh tử với Sasaki Kojiro thời tiền Edo
Trận chiến nổi tiếng giữa 2 Samurai huyền thoại. Ảnh Internet.
Trong suốt cuộc đời mình, dù đánh bại bao nhiêu kiếm sĩ lừng danh thiên hạ thì có lẽ trận đánh với Sasaki Kojiro chính là trận đấu nổi bật và đáng nhớ nhất cuộc đời Musashi.
Sasaki Kojiro có biệt danh Ganryū (Ngạn Liễu), với thanh kiếm mang tên "cây sào phơi". Đây thật sự là đối thủ xứng tầm nhất của Musashi vì sở hữu những tuyệt chiêu nguy hiểm.
Sasaki Kojiro có thể chém đôi cánh chim nhạn đang bay hay che dọc những cành dương liễu trên đảo Ganryūshima. Vũ khí của Sasaki cũng rất độc đáo, không giống những Samurai thông thường ông sử dụng "No - dachi" (Một loại trường kiếm).
Trận chiến diễn ra vào sáng sớm trên đảo Ganryu (tỉnh Bizen) vào ngày 13 tháng 4 năm 1612, Sasaki Kojiro đã phải chờ Musashi hơn 1 tiếng đồng hồ và người ta cho rằng Musashi đã bỏ chạy vì sợ!
Tất nhiên, Musashi không phải là kẻ hèn nhát, ông đã xuất hiện trên một con thuyền do một người dân chèo tới, đây chính là chiến thuật tâm lý của ông. Điều này sẽ khiến đối thủ bị rối loạn tâm lý.
Trong thời gian trên thuyền, Musashi đẽo một thanh kiếm gỗ nhằm sử dụng trong trận đánh sắp tới. Trận chiến sau đó diễn ra vô cùng ác liệt giữa 2 võ sĩ đỉnh cao, chỉ một lỗi lầm sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Musashi đã chiến thắng sau khi đâm vào xương sườn, xuyên qua lá phổi đối thủ. Thế nhưng, dù chiến thắng Musashi lại không lấy gì làm vui vẻ, ông lên thuyền và ngoái lại với vẻ tiếc nuối và đau thương vì mất đi một đối thủ xứng tầm.
Buồn chán vì sự cô độc không đối thủ, hiểu được đạo lý "trên cao gió lạnh", Musashi đã thoái ẩn. Thời gian này ông đã tập trung hoàn thiện triết lý kiếm đạo, nhân sinh, suy ngẫm về võ thuật cũng như triết học.
Tác phẩm nối tiếng Ngũ Luận Thư mà ông hoàn thành năm 1645 chính là "binh pháp" võ học được sử dụng tới tận ngày nay và đi vào mọi lĩnh vực như một tư tưởng triết học tinh túy nhất.
Dù cho vẻ ngoài ít được ông chau chuốt, làn da đen xạm, đầy sẹo, ăn mặc rách rưới, thế nhưng Musashi lại là một bậc thầy nghệ thuật, ông yêu thích hội họa thủy mặc, chạm khắc gỗ.
Thật dễ hiểu khi Musashi lại được xem là người có ảnh hưởng lớn nhất tới lịch sử samurai, tư tưởng của ông được thừa kế và vẫn còn nguyên giá trị theo thời gian.
Nguồn: Historyoffighting, Musashi-miyamoto.com