Bi kịch
Căn nhà cấp bốn cũ kỹ của em Hoàng Thị Hải Yến ở khối 3A, thị trấn Thanh Chương, hiện là học sinh Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (huyện Thanh Chương, Nghệ An) được chia làm 3 gian nhỏ. Một gian thờ mẹ qua đời tháng trước, gian còn lại thờ bố vừa lo xong hậu sự. 18 tuổi, Yến không còn giữ được sự vô tư của tuổi mới lớn bởi nỗi đau liên tiếp xảy đến với mình.
Hơn 10 năm qua, bố Yến, ông Hoàng Văn Mai (78 tuổi) nằm một chỗ sau lần bị tai biến mạch máu não. Mẹ của em, bà Đậu Thị Bình cũng ốm yếu thường xuyên do bệnh viêm khớp nặng, xơ gan. Ba năm trước, căn bệnh tim được phát hiện muộn cộng với viêm khớp nặng, bà Bình gần như không thể đi lại được. Từ cuối năm lớp 9, ngoài giờ lên lớp, cùng với sự hỗ trợ của cậu mợ, Yến tự tay chăm sóc, tắm rửa cho bố mẹ.
Nữ sinh Yến bên bàn thờ bố mẹ
Hè năm 2022, Yến vừa học xong lớp 11, nhận thấy bệnh tình ngày càng nghiêm trọng, mẹ Yến mới gọi em lại, nói ra sự thật đã giữ kín suốt 17 năm. “Mẹ nắm tay em khóc rồi nói sự thật em không phải là con đẻ của bố mẹ, mà được nhận về nuôi khi hơn 3 tháng tuổi… Mẹ nói yêu thương em hơn tất cả trên đời này, nhưng giờ bố mẹ chắc không còn sống được mấy nữa. Sau này, nếu có điều kiện, em có thể tìm về nguồn cội của mình”, Yến nước mắt lăn dài.
Ông Tưởng Đăng Hào, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương cho biết: “Em Hoàng Thị Hải Yến là trường hợp đặc biệt. Gia đình em nhiều năm qua là hộ khó khăn, bố mẹ đau ốm, mất sức lao động. Em lại mới liên tiếp mất đi cả hai người thân. Cú sốc về tinh thần ở tuổi 18 khiến em khó trụ vững nếu không có sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Những ngày qua, địa phương đã làm việc với nhà trường, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể với Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ thị trấn và các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để cháu Yến yên tâm dự thi, đạt kết quả cao nhất”.
Lúc ấy, cô gái nhỏ mới chợt nhận ra tại sao bố mẹ nhiều tuổi như vậy mới có mình? Tại sao chỉ có mỗi mình là con trong suốt ngần ấy năm? “Em sốc lắm, hoang mang, suy sụp vô cùng. Em không thể nào tin nổi mình là đứa trẻ bị bố mẹ đẻ bỏ rơi, và em không phải con ruột của bố Mai, mẹ Bình. Phải mất đến 5 - 6 tháng em mới chấp nhận được sự thật ấy”, Yến tâm sự.
Từ lúc biết mình là đứa trẻ bị bỏ rơi, được bố mẹ nhận về nuôi khi mới hơn 3 tháng tuổi, cô gái nhỏ trở nên trầm tính, ít nói và sống khép mình hơn. Nhưng rồi, em nhận ra mình đã ích kỷ trước tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ dành cho mình. Bây giờ, Yến chỉ có bố mẹ, những người dù không sinh ra em nhưng đã nuôi dưỡng em trưởng thành, cho em một mái ấm gia đình trọn vẹn. Hiểu được tình thương của bố mẹ, Yến dồn hết sức lực để chăm sóc, báo hiếu bố mẹ nuôi những ngày cuối đời. “Mẹ đau, suốt đêm không ngủ được, em ngồi trò chuyện với mẹ, xoa cho mẹ bớt đau, cứ như thế cho đến sáng. Sáng hôm sau, vệ sinh, đút cháo cho bố mẹ xong, nhờ cậu mợ trông nom em mới đi học”, Yến kể.
Ngày 14/5, mẹ rời xa Yến mãi mãi. Mất mẹ, em gầy rạc đi, mắt trũng sâu, thâm quầng. Nỗi đau quá lớn nhưng em vẫn phải mạnh mẽ, nén đau thương để chăm sóc người bố bệnh tật. Nhưng số phận nghiệt ngã khi chỉ một tháng sau, ngày 24/6, bố cũng bỏ em mà đi theo mẹ. Từ ngày ấy, Yến trở thành đứa trẻ mồ côi.
Nén nỗi đau dự thi tốt nghiệp THPT
Gói ghém nỗi đau, Yến ôn tập để tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2023
Mất cả bố lẫn mẹ khi chỉ còn cách thời điểm thi Tốt nghiệp THPT chưa đầy một tuần, Yến mất đi “điểm tựa” vững chắc nhất. Sợ Yến buông xuôi, cậu mợ, thầy cô, bạn bè cùng lớp đến với em, động viên em, trước hết là tham dự kỳ thi quan trọng này. Gói ghém nỗi đau, Yến tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi để ôn thi.
Yến ngồi vào bàn ôn thi với đôi mắt sưng húp. Nhưng thi rồi, mình có thể tiếp tục học lên nữa không? Câu hỏi cứ xuất hiện liên tục trong đầu Yến. “Có những lúc em muốn buông xuôi nhưng nghĩ đến sự kỳ vọng của bố mẹ, em xốc lại tinh thần để cầm bút lên. Khi mẹ còn sống, mẹ bảo, dù có khó khăn đến đâu cũng không được bỏ học, chỉ có học, sau này con mới có một tương lai tốt hơn, bố mẹ mới có thể an lòng mà nhắm mắt”, Yến tâm sự.
Hoàn cảnh khó khăn, vất vả, không có nhiều thời gian nhưng với cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, Hoàng Thị Hải Yến đã hoàn thành chương trình lớp 12 với điểm tổng kết khá cao. Với em, học thật giỏi, thật ngoan và chăm sóc bố mẹ thật chu đáo là cách thiết thực nhất để báo đáp yêu thương bố mẹ dành cho mình. “Dù cuộc sống vất vả, nhưng bố mẹ luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho em, để em được học hành đầy đủ. Dù không phải là con ruột, nhưng em thấy biết ơn vì mình đã được làm con của bố mẹ”, nữ sinh òa khóc.
Biết mình chỉ là con nuôi, nhưng Yến luôn tự hào khi trong suốt những năm tháng qua được làm con của bố mẹ, luôn được sống trong tình yêu thương vô bờ bến, sự quan tâm, chăm sóc. Chia sẻ về những dự định tương lai, Yến cho biết: “Em ước mơ là trở thành một bác sỹ da liễu, tuy nhiên ngành học này rất tốn kém. Trong khả năng của mình, em sợ không thể tự lo được. Trước mắt em sẽ cố gắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt nhất”.
Thầy Nguyễn Văn Thuần - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, em Hoàng Thị Hải Yến là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, nhà trường, các thầy cô giáo, học sinh trong lớp đều luôn quan tâm, chia sẻ và đồng hành với em. Các dịp lễ tết, các bạn học đều đến nhà cùng em dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện động viên em và bố mẹ đang bị ốm.
“Nhà trường xác định quan trọng nhất lúc này là chia sẻ, động viên để em Yến ổn định tâm lý, yên tâm dự thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, ban giám hiệu đã giao cho giáo viên, học sinh trong lớp và đội tình nguyện thường xuyên liên lạc, hỗ trợ em trước và trong những ngày diễn ra kỳ thi. Đồng thời tư vấn, định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp. Chúng tôi cũng mong muốn có thêm những cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ để em Yến có nguồn lực trong học tập, ổn định cuộc sống”, thầy Thuần cho hay.