Masan High-Tech Materials (mã chứng khoán MSR) là công ty con của Tập đoàn Masan (MSN), đầu mối quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư và khai thác dự án Núi Pháo, đồng thời trực tiếp sở hữu tất cả công ty con thuộc lĩnh vực khoáng sản của Masan.
Masan High-Tech Materials là nhà cung cấp vật liệu vonfram tiên tiến công nghệ cao hàng đầu thế giới được sử dụng trong các ngành công nghiệp then chốt như điện tử, hóa chất, ô tô, hàng không vũ trụ, năng lượng và dược phẩm, với các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc, phục vụ các khách hàng trên toàn thế giới.
Là nhà sản xuất các sản phẩm vonfram cận sâu lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, công ty có hai trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Đức và Việt Nam và hiện đang vận hành mỏ đa kim Núi Pháo và một nhà máy chế biến Vonfram hiện đại tại tỉnh Thái Nguyên. Masan High-Tech Materials cũng là nhà sản xuất Florit và Bismut hàng đầu thế giới.
Doanh nghiệp này vừa công bố đã hoàn tất thành công việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại H.C. Starck Holding (H.C. Starck - HCS) tại Đức cho Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC).
Được biết, HCS là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Masan High-Tech Materials, là nhà sản xuất bột vonfram chất lượng cao hàng đầu thế giới . Công ty sở hữu kinh nghiệm hàng thế kỷ trong lĩnh vực chế biến vonfram cùng với năng lực cải tiến cao và chuyên môn công nghệ. Kinh nghiệm hàng thập kỷ trong việc tái chế và khả năng tiếp cận nguồn dự trữ vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc. Trụ sở chính của công ty đặt tại cơ sở sản xuất lớn nhất ở Goslar, Đức.
Tuy đã bán nhưng MSR và HCS đã ký kết một thỏa thuận bao tiêu APT và oxit vonfram đem lại lợi ích dài hạn cho đôi bên, đồng thời tạo nền tảng vững chắc giúp MHT tối đa hóa số lượng đơn hàng.
Masan sẽ giữ phần sở hữu và lợi nhuận tiềm năng tại Nyobolt, một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh chuyên cung cấp giải pháp pin sạc nhanh sử dụng vonfram và niobium ở cực anode. Nyobolt đang tiến gần đến giai đoạn thương mai hóa sản phẩm với quy mô lớn. Đối với công nghệ tái chế "black mass" do HCS phát triển, Masan giữ đặc quyền hưởng một phần lợi nhuận khi công nghệ này được thương mại hóa trong tương lai.
Hồi đầu tháng 12 này, Masan dự kiến góp thêm 510 tỷ đồng vào công ty con The Sherpa (đơn vị do Masan nắm 100% vốn) để mua cổ phần Nyobolt Limited.
Sau khi hoàn tất giao dịch, Masan Group sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế một lần. Thương vụ này được thông báo lần đầu vào tháng 5/2024. Masan dự kiến ghi nhận khoản lợi nhuận một lần khoảng 40 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ đồng) từ giao dịch.
Số tiền thu được từ giao dịch sẽ được sử dụng để giảm nợ của MSR từ khoảng 670 triệu USD xuống còn khoảng 490 triệu USD.
Tỷ lệ Nợ ròng trên EBITDA của Masan Group dự kiến vào khoảng 3,17x trong cuối năm 2024, phù hợp với mục tiêu duy trì tỷ lệ này dưới 3,5x của Tập đoàn.
"Việc chuyển nhượng HCS là bước đầu tiên trong việc thực hiện chiến lược tái định hướng nhằm tập trung vào các ngành kinh doanh cốt lõi mà chúng tôi có thể tạo ra giá trị vượt trội cho cổ đông.
Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung tối ưu hóa vận hành tại MHT để tận dụng tối đa các yếu tố thuận lợi, bao gồm bảng cân đối tài chính lành mạnh hơn của MHT, giúp giảm gánh nặng lãi vay, và nhu cầu ngày càng tăng đối với các ứng dụng của vonfram nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu", ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group kiêm Chủ tịch của MSR chia sẻ.