Có lẽ không biết về nhân tướng học nhưng do tự hiểu mình nên Marie đã chọn đúng con đường đi cho đời mình.
Marie biết đọc lúc mới 4 tuổi, từ khi vào học phổ thông cô luôn giỏi nhất lớp, học đều các môn và đạt nhiều thành tích xuất sắc. Học hết bậc trung học, Marie đã là một cô gái khá xinh: Mái tóc gọn gàng, sợi tóc nhỏ vàng óng, mắt màu hạt dẻ trong vắt đầy thông minh và nghị lực; mũi của cô cao và thẳng; miệng nhỏ nhắn, nói năng nhỏ nhẹ.
Tuy nhiên, tai của Marie mỏng, cổ hơi nhỏ nên người ta cho rằng hay thiếu thốn tài chính và sức khỏe kém. Là cô gái xinh xắn nhưng Marie luôn e lệ, rụt rè, hay đỏ mặt xấu hổ.
Tại Ba Lan, nơi Marie sinh sống và tại hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Âu thời đó, không phải cô gái nào cũng có thể đi học. Vì thế, Marie đã cố gắng đi làm thêm ròng rã trong 6 năm học trung học phổ thông để có tiền ăn học do nhà nghèo, cha mất việc.
Marie cố gắng học thật tốt, nhiều lúc còn quên cả ăn, cả ngủ. Ít lâu sau, cô đỗ thủ khoa, nhưng do không có tiền, Marie phải tiếp tục đi làm gia sư để có thêm tiền phát triển học thuật. Năm 1886, một cú sốc tình cảm đã xảy đối với Marie. Lúc đó, cô đang làm gia sư cho một gia đình quý tộc.
Vào dịp lễ Noel, con trai cả của gia đình đó đi học xa về nhà chơi. Thế rồi anh chàng đó trong khi khiêu vũ, trượt tuyết, dạo chơi với Marie đã đem lòng yêu cô. Hết dịp nghỉ, chàng trai trở về trường đại học và thường gửi thư từ trao đổi với Marie. Kết quả là anh đã cầu hôn với người con gái nghèo đó nhưng không được gia đình chấp nhận.
Marie rất buồn bã, cô suy nghĩ rất lâu, nghiền ngẫm tương lai, số phận mình… Rồi khi đã tích lũy được một số tiền, vào năm 1891, ở tuổi 24, cô theo chị gái của mình là Bronia đến Paris, nơi cánh cửa khoa học mở ra cho cả phụ nữ để thực hiện mơ ước làm khoa học.
Paris lúc đó được coi là miền đất đầy hứa hẹn về con đường khoa học, nơi nữ giới được chấp thuận học tập và làm việc nếu có đủ tài năng và thủ đô Paris nước Pháp cũng có thể là mảnh đất tạo môi trường cho những ai muốn theo đuổi những ước mơ phi thường.
Do gia đình nghèo lại chẳng có khoản chu cấp nào nên Marie sống rất tằn tiện, vất vả. Cô thường ăn bánh mì đen chẳng có thức ăn, uống thêm trà đường cho ấm bụng.
Không có lò sưởi, nên Marie đành quấn tất cả quần áo, chăn màn, giấy báo vào người cho đỡ lạnh. Có khi cô còn lấy ghế ngồi lật ngược úp lên đống “chăn” tự tạo ấy làm thành vật nén tăng tiếp xúc giữa “chăn” và da thịt để chống cái rét mùa Đông Paris.
Học hết năm thứ 3, Marie đã chứng tỏ năng lực nghiên cứu khoa học của mình và ngày càng cảm thấy con đường mình đã chọn là phù hợp với số phận đã định. Cô làm quen với một nhà khoa lớn của nước Pháp mới 35 tuổi tên là Pierre Curie.
Marie Curie là người phụ nữ duy nhất giành hai giải Nobel.
Đó là một nhà khoa học thiên tài có cùng chí hướng và đam mê nghiên cứu giống cô. Sau một thời gian cộng tác gần gũi, Pierre đã thốt ra những lời thán phục trân trọng, đồng cảm từ sâu thẳm trái tim với Marie rằng: “Nữ giới cũng có thể trở thành nhà khoa học và em là nhà khoa học nữ anh ái mộ nhất”. Rồi không cầm lòng được, ông đã ngỏ lời với Marie.
Lúc đầu, Marie còn lưỡng lự vì tổ quốc Ba Lan cách trở với nước Pháp và gia cảnh của mình… Nhưng sau đó, Marie chấp thuận lời cầu hôn của Pierre và đổi tên mình thành Marie Curie. Sau khi nhập quốc tịch Pháp, Marie Skłodowska - Curie đã sử dụng cả hai họ.
Gia đình mới của hai nhà khoa học chỉ giàu ý chí, tài năng, ý tưởng khoa học, còn vật chất thì vẫn nghèo.
Năm 1892, Marie bắt đầu làm nghiên cứu sinh. Bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Tại sao uranium có thể phóng các tia bức xạ”. Sau này hai vợ chồng tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi và tìm ra một kim loại có tính phóng xạ mạnh gấp hai triệu lần so với uranium và họ đặt tên là nguyên tố Radium.
Dưới sự chỉ đạo của bà, các nghiên cứu đầu tiên trên thế giới đã được tiến hành để điều trị các khối u bằng cách sử dụng các đồng vị phóng xạ. Bà đứng ra thành lập Viện Curie ở Paris và Warsaw - nơi vẫn là trung tâm nghiên cứu y học lớn hiện nay. Trong Thế chiến I, bà đã phát triển các xe X-quang di động để cung cấp dịch vụ X-quang cho các bệnh viện dã chiến.
Để chứng minh cho lý thuyết trên bằng thực tế, hai vợ chồng đã kỳ công, gian khổ nấu nhiều tấn khoáng thạch trong một gian nhà kho chật chội, dột nát làm phòng thí nghiệm, có lúc ông Pierre đã nản chí nhưng Marie cứ theo đuổi bằng được.
Họ đã chắt lọc được 1/10 gam Radium. Với cống hiến này, vinh quang đã đến với Marie. Năm 1903, bà được tặng Giải Nobel về Vật lý. Năm 1906 sau khi người chồng, người cộng tác khoa học gần gũi qua đời, bà vẫn tiếp tục nghiên cứu phân tách được Poloni và Radium nên năm 1911 bà giành được Giải Nobel Hóa học.
Do làm việc nhiều trong điều kiện kham khổ, bị phóng xạ ảnh hưởng. Bà mất bởi bệnh máu trắng năm 1934, thọ 67 tuổi để lại lòng thương tiếc sâu sắc trong giới khoa học.
Năm 1995, tro cốt của bà được đưa vào điện Pantheon của nước Pháp, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được an nghỉ tại đây vì cống hiến vĩ đại của mình.
Nữ bác học Marie Curie từng có danh ngôn đáng suy nghĩ: “Cuộc sống không dễ dàng với bất cứ ai. Chúng ta phải có lòng kiên trì và hơn hết là sự tự tin vào chính mình. Mỗi người phải tin rằng, mình có năng khiếu về một điều gì đó và cần phải đạt được nó”.