Theo cảnh báo của Bộ Công an, thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu vay vốn tăng cao của nhiều cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ, các đối tượng phạm tội đã mạo danh các ngân hàng, công ty tài chính cho vay tiền trực tuyến với lãi suất rất thấp nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.
Hàng loạt chiêu trò vô cùng tinh vi
Theo Bộ Công an, thủ đoạn này là một chuỗi các hoạt động lừa đảo; biểu hiện rõ nhất là các đối tượng để cho người muốn vay tiền phải tự làm hồ sơ vay tiền trực tuyến, sau đó yêu cầu người vay phải chuyển một khoản tiền nhỏ (khoảng từ 500.000đ đến 5.000.000đ) phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay…Đặc biệt, các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn mạo danh, dẫn dụ người vay tiền sập bẫy lừa đảo trên như:
- Kẻ gian làm trang web giả, mạo danh một số ngân hàng lớn và công ty tài chính rồi mời chào cho vay tín chấp với lãi suất cực thấp chỉ 1%/tháng; thủ tục đơn giản, không cần gặp trực tiếp, nợ xấu vẫn vay được. Tìm kiếm cụm từ "vay tín chấp online" trên mạng, cảnh sát phát hiện hàng loạt ngân hàng bị mạo danh, như Agribank, BIDV, Techcombank, Vietinbank, TPBank...
- Các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng nghìn tài khoản facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/ tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền...
- Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, như: họ tên, số điện thoại, ảnh chụp CMND/CCCD, ảnh chụp chân dung… phục vụ làm hồ sơ vay.
Kẻ gian mạo danh thương hiệu các ngân hàng để lừa đảo. Ảnh: Bộ Công an
Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt các lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay (như khai sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên số căn cước công dân…). Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, bị hại không những bị mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác, ví dụ như: đăng kí SIM không chính chủ, đăng kí mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến…
Bộ Công an khuyến cáo người dân cảnh giác cao độ
Bộ Công an khuyến cáo người dân có nhu cầu vay tiền hãy liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục.
Trước khi vay tiền, khách hàng phải kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến đường dây nóng, chăm sóc khách hàng của các công ty, kiểm tra kỹ các đường link trang web trước khi truy cập. Đặc biệt, người dân không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác định chính xác được website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên.
Nhà chức trách lưu ý, người dân không được cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai và không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà người lạ cung cấp. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo hãy trình báo công an nơi gần nhất.