Mạo danh ngân hàng dọa người dùng đóng phí quảng cáo

Ngọc Ánh |

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - người sáng lập Dự án Chống Lừa Đảo cũng nhận được tin nhắn mạo danh ngân hàng để lừa đảo

Thời gian gần đây, nhiều người chia sẻ màn hình những đoạn tin nhắn (SMS) mạo danh ngân hàng thông báo về việc đóng phí quảng cáo trên Tiktok khiến người dùng Tiktok giật mình.

Nội dung tin nhắn như sau: "Tai khoan cua ban da dang ky chuong trinh quang cao tren TikTok, moi thang thu phi 3,250,000 (hoặc 2,250,000) VND. Vui long vao https://msb[.]vn-cvs[.]xyz de kiem tra hoac huy" – tức "Tài khoản của bạn đã đăng ký chương trình quảng cáo trên TikTok, mỗi tháng mất phí 3.250.000 (hoặc 2.250.000) VNĐ. Vui lòng vào https://msb[.]vn-cvs[.]xyz để kiểm tra hoặc hủy" – website đã được PV thêm ký tự [ ].

Đáng chú ý, tên người gửi là MSB – trùng tên một ngân hàng nhưng khác địa chỉ website. Đặc biệt, một người còn chia sẻ đoạn tin nhắn cho thấy tin nhắn trên lọt vào đoạn hội thoại chung với ngân hàng khi thông báo SMS mã OTP.

Chưa thấy người dùng nào lên tiếng về việc đã bị mất tiền, có người còn nói sau khi chụp màn hình điện thoại đã nhanh tay xóa tin nhắn luôn.

Tuy nhiên, nhiều người dùng đang tỏ ra khá lo lắng bởi họ thường xuyên thanh toán hóa đơn điện nước, điện thoại, internet... thông qua tài khoản ngân hàng hay tài khoản ví điện tử.

Mạo danh ngân hàng dọa người dùng đóng phí quảng cáo - Ảnh 1.

Nhiều người chia sẻ tin nhắn lừa đảo trên mạng xã hội

Theo Ngô Minh Hiếu, nếu người dùng bấm vào vào đường link thì có khả năng sẽ bị mất thông tin tài khoản ngân hàng và mất tiền trong tài khoản.

"Nếu người nhận tin nhắn đang là khách hàng của MSB thì tin nhắn giả này sẽ lọt vào đoạn hội thoại chung. Bởi lẽ, kẻ xấu đã dùng thiết bị công nghệ cao phá sóng, mạo danh ngân hàng nhắn tin cho nạn nhân. Thủ đoạn của đối tượng là đánh vào tâm lý rằng nạn nhân vừa bị mất tiền trong tài khoản qua dịch vụ TikTok, làm nạn nhân hốt hoảng rồi bấm vào link độc hại" – Hiếu PC phân tích.

Hiếu PC khuyến cáo người dùng nên bình tĩnh. Bởi, kẻ lừa đảo sẽ tạo ra tình huống có cảm giác cấp bách khiến nạn nhân răm rắp làm theo theo hướng dẫn của chúng mà không nhận ra mình đang bị lừa.

"Một nguyên tắc cơ bản là người dùng không click vào bất kỳ đường link lạ hay vội chuyển tiền ngay, nên chậm lại để kiểm chứng để tránh bị mất tiền oan!" – Hiếu PC nói.

Kẻ gian ở gần nạn nhân

Sau khi nhận tin nhắn lừa đảo, Hiếu PC đã báo cáo và link lừa đảo ngân này hiện đã "chết". Trước đó, một số link lừa đảo như: vietcombank[.]vn-ms[.]top, msb[.]vn-cvs[.]top cũng đã bị nhóm Chống Lừa Đảo của Hiếu PC cho "bay màu".

Trước đây, thủ đoạn lừa đảo mạo danh ngân hàng nhắn tin đã từng xảy ra và có nạn nhân đã mất tiền. Kẻ gian đã dùng trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) làm giả trạm thu phát sóng di động của các nhà mạng, giả mạo đầu số tin nhắn của cơ quan, tổ chức.

Trạm BTS giả là thiết bị bị cấm tại Việt Nam nhưng vẫn được kẻ gian đặt hàng online từ nước ngoài. Phạm vi phủ sóng thiết bị này thường 2 km nên kẻ lừa đảo và các nạn nhân ở khá gần nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại