Nhà máy Ô tô Hyundai Thành công xây dựng từ năm 2007, đến tháng 3/2011 tại Ninh Bình và chính thức đi vào hoạt động. Ảnh: HTV
Lãi ròng gần 3.600 tỷ đồng trong năm 2022
Ngày 19/03/2021, Tập đoàn Thành Công và Tập đoàn ô tô Hyundai đã chính thức thành lập liên doanh phân phối xe du lịch mang thương hiệu Hyundai tại thị trường Việt Nam với tên gọi Công ty cổ phần liên doanh ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTV).
Theo TC Group, hoạt động này thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của Tập đoàn ô tô Hyundai vào thị trường Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy kế hoạch phát triển bài bản, có trọng điểm và đóng góp những bước tiến quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam của Tập đoàn Thành Công.
Trong năm 2022, TC Group cho biết doanh nghiệp này đã đạt mức doanh số bán hàng xe Hyundai cả năm 2022 đạt 81.582 xe.
Là một trong những ông lớn trên thị trường ô tô tại Việt Nam, những năm qua, kết quả kinh doanh của HTV khá ấn tượng và là “niềm mơ ước” của không ít hãng xe mới gia nhập thị trường.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Vietdata cập nhật mới đây, năm 2021, HTV ghi nhận mốc doanh thu thuần khoảng 30.000 tỷ đồng , sang 2022 tăng gần 50% lên mức gần 45.000 tỷ đồng .
Về mặt lợi nhuận sau thuế (lãi ròng), doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái TC Group cũng còn chứng kiến sự tăng trưởng có phần vượt bậc hơn.
Cụ thể năm 2021, HTV đạt khoảng 2.000 tỷ lãi ròng , đến 2022, mức lãi ròng của HTV tăng đáng kể gần 80% lên mức gần 3.600 tỷ đồng .
Một số mẫu xe do HTV sản xuất, lắp giáp, phân phối tại Việt Nam. Ảnh:HTV
Theo nhận định của các nhà đầu tư, việc có một lượng tiền tươi tương đối “rủng rỉnh” chỉ tính riêng từ mảng hoạt động cốt lõi là ô tô đã giúp TC Group tích lũy được lượng nguồn lực dồi dào cho những tham vọng mở rộng hệ sinh thái của mình sang một lĩnh vực khá “hao tiền” là Ngân hàng.
Kế hoạch thâu tóm PG Bank thông qua M&A của TC Group
Thời gian qua, thị trường tài chính ngân hàng đã chứng kiến liên tiếp những động thái cho thấy tham vọng của Tập đoàn Thành Công trong việc thâu tóm nhà băng PG Bank thông qua các nghiệp vụ mua bán sáp nhập (M&A).
Sau Đại hội Cổ đông bất thường vừa diễn ra, một trong những ghế Phó Chủ tịch HĐQT tại PG Bank đã được tiếp quản bởi ông Đào Phong Trúc Đại - cá nhân vốn từ lâu đã được xem là “người Thành Công”.
Cụ thể, ông Đào Phong Trúc Đại (sinh năm 1975) cũng là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng, Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng (thành viên Tập đoàn Thành Công).
Trước đó, ngày 15/2/2022, ông Đào Phong Trúc Đại được bầu vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Ngân hàng Eximbank nhưng đến ngày 24/10/2022, ông Đào Phong Trúc Đại bất ngờ nộp đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của Ngân hàng Eximbank với lý do cá nhân.
Bên cạnh việc “người Thành Công” chính thức trở thành Phó Chủ tịch HĐQT tại PG Bank, một diễn biến khác cũng theo đúng “kịch bản” thâu tóm của TC Group với PG Bank đã được thị trường dự đoán trước đó là việc PG Bank sẽ “dời đại bản doanh” về một tòa nhà của Thành Công Group.
Cụ thể, tại Đại hội vừa diễn ra, các cổ đông của PG Bank cũng thông qua việc đổi tên thương mại và chuyển trụ sở của PG Bank từ tòa nhà Mipec (phố Tây Sơn) về Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long (Hà Nội).
Toà nhà HEAC do Công ty cổ phần Thiết bị điện Hàm Long làm chủ đầu tư. Trong đó, Công ty cổ phần Thiết bị điện Hàm Long được thành lập ngày 27/4/2006; và người đại diện pháp luật là bà Lê Hồng Anh sinh năm 1975.
Bà Lê Hồng Anh cũng là đại diện Công ty TNHH Dịch vụ ô tô Thành Công; Công ty TNHH CDA; và Công ty TNHH TCG Land (đơn vị thành viên của Tập đoàn Thành Công).
Ngoài ra, bà Lê Hồng Anh (sinh năm 1975) cũng đồng thời là Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của CTCP Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TCG Land. Bà còn là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Tập đoàn Thành Công.
Trong một diễn biến khác trước đó được cho là có liên quan đến chiến lược thâu tóm thông qua nghiệp vụ M&A của TC Group tại PG Bank, vào ngày 7/4, Petrolimex đã thực hiện đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn điều lệ với giá trung bình là 21.400 đồng/cổ phiếu cho 4 nhà đầu tư (3 tổ chức và 1 cá nhân).
Đáng chú ý, 2/3 doanh nghiệp tham gia mua lại số cổ phần tại PG Bank do Petrolimex bán ra đều ít nhiều có liên quan đến Tập đoàn Thành Công.
Cụ thể, ngày 13/4, Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát thông báo đã mua 40.623.954 cổ phiếu PGB để nâng sở hữu từ 0% lên 13,54% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức mua vào 40.079.228 cổ phiếu PGB để nâng sở hữu từ 0% lên 13,36% vốn điều lệ; và ngày 14/4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh mua vào 39.296.018 cổ phiếu PGB để nâng sở hữu từ 0% lên 13,1% vốn điều lệ.
Về công ty Cường Phát, doanh nghiệp có ông Nguyễn Văn Mạnh (SN 1981) là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Ông Mạnh cũng đồng thời là cổ đông sáng lập của PL Iro, một thành viên ít biết trong hệ sinh thái doanh nghiệp đồ sộ của gia đình Chủ tịch Thành Công Group Nguyễn Anh Tuấn. Theo đó, PL Iro được vợ chồng ông Nguyễn Toàn Thắng, em trai ông Tuấn, sáng lập và sở hữu vốn.
Khá trùng hợp, ngay sau khi đợt chào bán cổ phần của Petrolimex, ngày 20/4/2023, Cường Phát đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng lên 882 tỉ đồng - xấp xỉ số tiền doanh nghiệp này chi ra để trúng đấu giá 40,6 triệu cổ phiếu PGB.
Với công ty Anh Đức, cập nhật đến giữa năm 2022, Chủ tịch của Anh Đức là ông Vũ Văn Nhuân. Ông này cũng là một nhân sự của Thành Công Group.
Theo đó, ông Nhuân (SN 1973) từng được biết đến trong vai trò Giám đốc một công ty con của CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng (Thành Công Việt Hưng).
Trong khi đó, Thành Công Việt Hưng là một mắt xích của Thành Công Group, được sáng lập và sở hữu vốn bởi chính những thành viên nổi bật nhất của tập đoàn này, như CTCP Tập đoàn Thành Công (60%), CTCP Hyundai Thành Công Việt Nam (25%), Công ty TNHH TCG Land (15%).