Mạnh tay rót tiền, đây là nhà đầu tư FDI số 1 tại Việt Nam

Pha Lê |

Trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư của quốc gia này đổ vào Việt Nam là hơn 2,08 tỷ USD, chiếm 48,5% tổng vốn FDI, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2023.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/2/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Có 405 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), tăng 55,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Vốn đầu tư đăng ký mới 2 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh so với cùng kỳ do tăng số lượng dự án mới và có dự án có quy mô vốn đầu tư lớn (hơn 400 triệu USD và hơn 600 triệu USD).

Về vốn điều chỉnh, có 159 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 442,1 triệu USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ. Góp vốn, mua cổ phần, có 367 lượt GVMCP của nhà ĐTNN, giảm 16,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt hơn 255,4 triệu USD.

Mạnh tay rót tiền, đây là nhà đầu tư FDI số 1 tại Việt Nam- Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 16/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ. Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 125,2 triệu USD và gần 76,4 triệu USD...

Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 39,2%) và điều chỉnh vốn (chiếm 62,3%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số lượt giao dịch GVMCP cao nhất (43,9%).

Đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,08 tỷ USD, chiếm 48,5% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2023. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với gần 525,7 triệu USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp gần 5,1 lần so với cùng kỳ. Các quốc gia khác phải kể đến Nhật Bản, Trung Quốc…

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 32,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,8%) và GVMCP (chiếm 28,9%).

Mạnh tay rót tiền, đây là nhà đầu tư FDI số 1 tại Việt Nam- Ảnh 2.

Đồ họa: Pha Lê

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 38 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 914,4 triệu USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 24,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư của Hà Nội tăng mạnh do có dự án đầu tư mới lớn với tổng vốn đầu tư hơn 662 triệu USD với mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới ở Hà Nội. Quảng Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 471,1 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh,…

Nếu xét về số dự án, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 35,6%), điều chỉnh vốn (chiếm 18,9%) và GVMCP (chiếm 71,1%).

Tính tới ngày 20/2/2024, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại