Riêng tại Việt Nam, mạng xã hội thiết thân đến mức theo một số thống kê, nước ta nằm trong số những quốc gia mà tốc độ mạng xã hội phát triển nhanh nhất thế giới, chỉ sau Arập, Ấn Độ, Indonesia, Ghana và Nam Phi.
Một thị trường tiềm năng như vậy mà lại để nhường toàn bộ “lãnh địa” cho những ông lớn quốc tế như Facebook, Instagram, YouTube thay nhau phân chia miếng bánh thì thực là một tổn thất to lớn. Bởi vậy, suốt những năm qua, thị trường trong nước liên tục phát triển những mạng xã hội “cây nhà lá vườn”, mạng nào cũng ra mắt trong rình rang và kết thúc trong chóng vánh, thậm chí với những tuyên bố không nể nang ai, như ông chủ Hahalolo từng tuyên bố sẽ đạt hơn 2 tỷ người dùng và vượt qua Facebook, để rồi cũng chỉ trở thành một trò cười như chính tên gọi của mình, cho đến khi mạng xã hội Lotus của VCCorp ra đời, với rất nhiều kỳ vọng.
Nguyên tắc mạng xã hội Lotus là ưu tiên nội dung, coi nội dung là chìa khóa phát triển.
Tôi nhớ khoảng đầu năm nay, Larry Singer, nhà đồng sáng lập và giám đốc thông tin của Wikipedia bất ngờ đăng tải một bài viết dài mà ông gọi là một tuyên ngôn về tự do số. Larry Singer, trong vai một “người lính” giải phóng thông tin, cho rằng đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về việc phi tập trung hóa mạng xã hội.
Nhưng tại sao phải làm như thế? Bởi internet, cứ tưởng là nơi rất tự do, thực chất lại là nơi quyền lực chỉ tập trung vào một vài cá nhân. Là người đã xây dựng một trong những trang web đã thay đổi dòng chảy của thông tin và hoạt động tra cứu, Larry Singer, hơn ai hết, hiểu rõ về việc chúng ta đang bị những Big Tech (các đại tập đoàn về công nghệ) cầm tù ra sao.
Nếu ví internet là một mảnh đất thì đó là một mảnh đất gần như đã bị các đế quốc như Google, Facebook, Amazon, Apple chiếm đoạt. Có lẽ bạn khó lòng thoát khỏi chúng, và bạn bị kiểm soát - đáng tiếc thay, một cách tình nguyện - bởi luật chơi của chúng. Mặc dù nghe có vẻ như một tuyên bố triết học nhưng phi tập trung hóa mạng xã hội liên quan tới sự tự do và tự chủ của con người.
Bởi vậy, ngay từ khi mạng xã hội Lotus đưa ra thông tin họ sẽ có chức năng token giúp người dùng kiếm lợi nhuận từ chính các nội dung của mình, điều đó thực sự gây hào hứng. Bởi một trong những yếu tố khiến Facebook hay Instagram là một nền tảng “độc tài”, theo Larry Singer, nằm ở chỗ “dù họ đã tạo ra những nền tảng tuyệt vời nhưng họ không tự tạo ra nội dung hay kết nối - những yếu tố khiến doanh nghiệp của họ phình lên.
Đó là việc của những người tham gia. Theo nghĩa đen thì họ đang khai thác những người dùng của mình”. Từ “khai thác” mà Singer dùng trong tiếng Anh có nghĩa mạnh hơn, thường được dùng trong hoàn cảnh các cường quốc lợi dụng và khai khẩn cạn kiệt nguồn lực của những kẻ yếu thế.
Tất nhiên, qua Facebook, bạn cũng có thể kiếm tiền một cách gián tiếp, bằng cách chạy quảng cáo sản phẩm của mình, song kiếm tiền một cách trực tiếp thì không. Bạn không được san sẻ bất cứ lợi nhuận nào cho việc đăng hình ảnh hay nhắn tin hằng ngày với bạn bè, trong khi, những dữ liệu của bạn lại là nguồn thu khổng lồ cho Facebook.
Đó là chưa kể, với Lotus, người ta không thể lấy ra những trường hợp thất bại của các mạng xã hội “made in Vietnam” khác để cảnh tỉnh. Bởi, Lotus đã ra đời vì thực sự trăn trở tới một nhu cầu của người dùng, ít nhất là theo cách mà nó được truyền thông, chứ không hẳn chỉ là “để cạnh tranh với Facebook”, như kiểu Zing Me và Hahalolo, hay trước đó nữa, “để thay thế Yahoo!360”, như Yume.vn và Tamtay.vn,
Đó là bước quan trọng nhất để làm nên chuyện, bởi xét cho cùng, Steve Jobs đã thành công với chiếc iPod không phải vì ông muốn vượt qua Walkman mà vì ông tâm huyết với viễn cảnh bất cứ ai cũng có thể dễ dàng mang theo âm nhạc bên mình, đi tới bất cứ đâu và Jack Ma đã xây dựng thành công đế chế Alibaba, bởi mục đích của ông ban đầu là giúp mọi người mua bán dễ dàng chứ không phải vì ông muốn đánh bại Amazon hay bất cứ đối thủ sừng sỏ nào khác.
Facebook cũng vậy, người ta trở thành tín đồ của Facebook không phải vì mục tiêu của Facebook là đánh bại MySpace (đây từng là mạng xã hội lớn nhất thời tiền Facebook) mà vì Facebook đã nhìn thấy cơn khát được kết nối cháy bỏng của bất cứ con người nào trong xã hội. Tất cả những thương hiệu lớn nhất đều khởi nguồn từ một tầm nhìn (có vẻ như) nhân văn.
Đã đến lúc giải phóng mạng xã hội khỏi những ông trùm công nghệ.
Vậy thì Lotus cũng vậy, họ tuyên bố không cạnh tranh trực tiếp với Facebook mà chỉ muốn cạnh tranh về mặt thời gian sử dụng, và quan trọng hơn, Lotus ra đời để nuôi dưỡng người đọc bằng những nội dung sạch, đây là nơi nội dung lên ngôi. “Nội dung” - đó là sứ mệnh của Lotus.
Nhưng tất nhiên, nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm.
Chuyện những ngày đầu khi Lotus mới hoạt động, đăng nhập vào đây, bạn chỉ thấy toàn là những nội dung nhảm nhí về... “gái”, chúng ta bỏ qua và không xét đến. Đại diện của Lotus đã lên tiếng về lỗi kỹ thuật trên và thực tế, ở thời điểm bài viết này ra đời, khi bạn đăng ký tài khoản trên Lotus, bạn sẽ thấy đập vào mắt mình hầu hết là nội dung từ các trang báo và tạp chí điện tử trong nước.
Có điều, đây là việc mà chúng ta không cần thiết phải tạo thêm một tài khoản mạng, dâng dữ liệu cá nhân cho thêm một doanh nghiệp khác thì mới trải nghiệm được. Chỉ cần vào Google News, bạn cũng làm được điều tương tự, thậm chí Google News còn có năng lực lọc ra những thông tin bạn quan tâm với độ chính xác cao.
Và dường như có một độ vênh giữa đối tượng người dùng của Lotus và phương pháp khuyến khích tạo nội dung của họ. Mời toàn hoa hậu, người đẹp, ngôi sao giải trí, những KOL có sức ảnh hưởng trên Facebook về xây dựng kho nội dung, rõ ràng, Lotus hướng tới đối tượng khán giả đại chúng. Nhưng 50 format mà Lotus tự hào rằng có thể xuất bản đa dạng thể loại nội dung, từ video giải trí, blog, hình ảnh, tạp chí, âm nhạc,... dường như lại hướng tới những đối tượng đặc thù hơn.
Song, những người chơi nhạc có cần Lotus khi họ đã có Soundcloud và YouTube? Còn những người viết hay đam mê nhiếp ảnh, họ đã có Wordpress, Tumblr, Medium, thậm chí nếu không chuyên sâu thì chỉ cần Facebook, Instagram là đủ? Vậy thì chúng ta nên dùng Lotus khi nào và tại sao lại phải thay đổi hành vi tiêu dùng của mình vì một sản phẩm không có gì khác biệt? Lotus coi thế mạnh của mình là nội dung nhưng mạng xã hội nào cũng xoay quanh nội dung, không riêng gì Lotus.
Lotus đã ra đời vào thời điểm niềm tin người dùng dành cho Facebook suy giảm nhưng đó là niềm tin của người Mỹ chứ không phải niềm tin của các nước đang phát triển, như Việt Nam. Theo một nghiên cứu độc lập của Bhaskar Chakravorti, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Fletcher về kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa, một tổ chức nhận được sự tài trợ của Microsoft và Quỹ Gates, 80% người Việt trong độ tuổi từ 18-29 thu thập tin tức từ Facebook.
Hậu sự kiện Facebook “bạc bẽo với 60 triệu người dùng Việt Nam” khi xử lí dữ liệu sai về bản đồ đất nước, người Việt Nam vẫn trung thành dùng Facebook. Và Lotus không có lợi thế nào kể cả khi hình ảnh Facebook đã xấu đi.
Quá sớm để nói Lotus liệu sẽ thành công, hay lại cũng như Hahalolo, Gapo, Zing Me, chỉ “một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. Lotus đã có một nước đi đúng, không so đo với Facebook mà tập trung nói về giá trị cốt lõi của mình. Nhưng một chiến lược truyền thông bài bản chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Khi bạn nói quá hay, người ta sẽ kỳ vọng rất nhiều và đó là con dao hai lưỡi.
Chỉ vừa năm ngoái thôi, Vero, một mạng xã hội được phát triển bởi tỉ phú Ayman Hariri, con trai cựu thủ tướng đã bị ám sát của Lebanon, rơi vào một cuộc khủng hoảng truyền thông khi những điều họ tuyên ngôn và thực tế khác nhau như trăng và sao.
Họ nói những điều chạm tới tâm can người dùng mạng xã hội, nào là: “Cảm giác sai lệch về sự kết nối khiến con người ta càng cô đơn hơn bao giờ hết” và hứa hẹn sẽ không nhấn chìm người dùng bằng quảng cáo, sẽ tăng cường bảo mật và “chỉ thu thập dữ liệu mà chúng tôi cho là cần thiết để đem tới cho người dùng một trải nghiệm tốt hơn”.
Để rồi sau đó, những scandal liên tiếp xảy ra, đỉnh điểm là khi người dùng phát hiện họ không có cách nào xóa tài khoản của mình, tất cả khiến Vero - mạng xã hội từng được tải xuống nhiều nhất tại 18 quốc gia, được gọi là “kẻ hủy diệt Facebook” - lại đối diện làn sóng tẩy chay từ phía dư luận.
Vậy đấy, ai cũng thích nghe những lời đường mật, truyền thông quảng cáo ra đời là nhờ thế. Nhưng lời đường mật sẽ chẳng có tác dụng gì nếu khi nếm, người ta biết đấy không phải mật ong.