Mang tiếng siêu chiến đấu cơ, nhưng chiếc máy bay này của Mỹ chưa từng rời bánh khỏi mặt đất

Tấn Minh |

XF-108 Rapier là chiến đấu cơ siêu thanh được chế tạo với mục đích triệt hạ các oanh tạc cơ của Soviet.

Thập niên 1950 là quãng thời gian chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn trong lĩnh vực hàng không quân sự, đặc biệt với sự xuất hiện của động cơ phản lực thay cho động cơ cánh quạt. Đó cũng là thập niên mà Không quân Mỹ suýt nữa đã có được một trong những mẫu "siêu chiến đấu cơ" tiên tiến bậc nhất từng được tạo ra (tính đến thời điểm đó).

Được biết đến với tên gọi XF-109 Rapier, và thiết kế bởi North American - công ty đã sản xuất mẫu P-51 Mustang trứ danh - mẫu chiến đấu cơ này có đầy đủ trang thiết bị để bay với vận tốc gấp hơn 3 lần vận tốc âm thanh trên những quãng đường dài, nhằm săn lùng và triệt hạ những chiếc oanh tạc cơ Soviet được giao nhiệm vụ thả vũ khí hạt nhân xuống Mỹ và các đồng minh trong Chiến tranh lạnh.

XF-108 được kỳ vọng sẽ là sự bù đắp hoàn hảo cho người anh em to lớn hơn, oanh tạc cơ XB-70 Valkyrie - một chiếc máy bay cũng có khả năng đạt vận tốc Mach 3. Dù tốc độ điên rồ của Valkyrie cũng đã quá "khủng", dư sức qua mặt các hệ thống phòng không của Soviet, sẽ chẳng mất mát gì nếu có thêm một chiến đấu cơ cỡ nhỏ hộ tống bên cạnh phòng trường hợp các chiến đấu cơ địch tiến lại quá gần để đánh trả.

Mang tiếng siêu chiến đấu cơ, nhưng chiếc máy bay này của Mỹ chưa từng rời bánh khỏi mặt đất - Ảnh 1.

Oanh tạc cơ XB-70A

North American tìm cách biến chiếc chiến đấu cơ mới nhất của họ trở nên cực kỳ nguy hiểm bằng cách trang bị cho nó một radar Hughes AN/ASG-18 liên kết với một hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng hồng ngoại. Kết hợp lại với nhau, bộ cảm biến này có thể khoá cứng và theo dõi các mục tiêu từ khoảng cách khá xa với độ chính xác ấn tượng.

Vũ khí chính của XF-108 là tên lửa GAR-9, có phạm vi hoạt động hơn 100 dặm và có thể bay với vận tốc gấp hơn 6 lần vận tốc âm thanh trong quá trình truy đuổi mục tiêu. Rapier sẽ mang theo 3 tên lửa như vậy trong một máy phóng xoay vòng lắp bên trong hông của nó.

Để đạt tốc độ siêu thanh, XF-108 sử dụng hai động cơ tuốc-bin phản lực luồng có buồng chất đốt phụ của General Electric, có thể tạo ra lực đẩy hơn 130 kN (kilonewton) mỗi động cơ khi sử dụng buồng đốt phụ. Để so sánh, hai động cơ tuốc-bin phản lực cánh quạt GE F414 của F/A-18 Super Hornet chỉ có thể tạo ra lực đẩy hơn 97 kN mỗi động cơ khi sử dụng buồng đốt.

Mang tiếng siêu chiến đấu cơ, nhưng chiếc máy bay này của Mỹ chưa từng rời bánh khỏi mặt đất - Ảnh 2.

Chiến đấu cơ XF-108

Tuy nhiên, Rapier chưa kịp trổ tài đã lỗi thời với sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa hành trình dẫn đường - trong đó tên lửa hành trình dẫn đường có thể được phóng từ những chiến hạm nổi trên mặt nước và các tàu ngầm nổi ngoài khơi Hoa Kỳ.

Thay vì gửi đi một loạt oanh tạc cơ mà về lý thuyết có thể dễ dàng bị bắn hạ nếu đối phương phản ứng đủ nhanh, Soviet có thể đưa vũ khí hạt nhân đến Mỹ với ICBM vốn khó bị tiêu diệt hơn nhiều.

Đáng buồn thay, Rapier đã không bao giờ có cơ hội cất cánh.

Vào cuối năm 1959, tức gần hết thập kỷ, chương trình phát triển "siêu chiến đấu cơ" này đã hoàn toàn bị xếp xó khi mới chỉ tiến đến giai đoạn lên bản thảo. Chỉ trong vài tháng, XF-108 đã bị xoá sổ. Người "chị" to lớn của nó là XB-70 cũng gặp số phận tương tự trong thập kỷ tiếp theo, và phải chấp nhận "về hưu" sau một vụ tai nạn thảm khốc thu hút nhiều sự chú ý của dư luận trong quá trình bay thử nghiệm.

Mang tiếng siêu chiến đấu cơ, nhưng chiếc máy bay này của Mỹ chưa từng rời bánh khỏi mặt đất - Ảnh 3.

Chiến đấu cơ A-5 Vigilante

Một vài công nghệ và bài học được rút ra từ thiết kế của XF-108 đã được tái sử dụng trong một sản phẩm về sau của North American - A-5/RA-5 Vigilante, chiếc máy bay có thiết kế gần giống với người tiền nhiệm của nó. Tên lửa GAR-9 cũng được phát triển tiếp thành tên lửa AIM-47 Falcon mà sau đó đã hoàn thiện thành AIM-54 Phoenix và được trang bị cho máy bay F-14 Tomcat.

Những chiếc chiến đấu cơ có khả năng bay với vận tốc Mach 3 từ lâu đã đi vào sử sách như một niềm hi vọng không cần thiết của quá khứ, nhưng với những tiến bộ trong công nghệ đẩy, rất có khả năng những chiến đấu cơ tương lai được quân đội Mỹ sử dụng sẽ cất cánh với vận tốc khủng khiếp đó.


Tham khảo: BusinessInsider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại