Đoàn công tác của TAND tối cao do phó chánh án Bùi Ngọc Hòa dẫn đầu và đại diện một số cơ quan tư pháp tỉnh Bắc Ninh vừa về tận nhà ông Trần Văn Thêm thăm hỏi, động viên đồng thời làm rõ một số tình tiết của vụ án giết người xảy ra cách đây 46 năm mà ông Thêm có dấu hiệu bị oan sai.
Không được giải oan vì hồ sơ thất lạc
46 năm trước, ông Thêm và người em họ cùng quê là ông Nguyễn Khắc Văn thường đi xe đạp thồ từ huyện Yên Phụ (Bắc Ninh) đến huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) để bán thuốc lào và mua quả trám đen.
Đêm 23-7-1970, hai anh em ghé vào ngủ tại một lều cắt tóc lụp xụp cạnh Cầu Diện (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú cũ) thì bị cướp tấn công.
Bị hai anh em đánh lại, tên cướp lao xuống sông biến mất. Khi dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến thấy trên tay ông Thêm vẫn cầm chiếc cọc thồ dính máu. Ông Văn bị tử vong trên đường đi cấp cứu.
Dù bị cướp đánh gây vết thương nặng trên đầu nhưng ông Thêm vẫn bị cáo buộc giết em họ để cướp của.
Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Thêm tử hình về tội giết người. Một năm sau, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông và y án sơ thẩm.
Cuối năm 1975, ông Thêm được giám thị trại giam Đức Phú gọi ra khỏi phòng biệt giam để đi thực nghiệm hiện trường.
Khi ra đến hiện trường, ông mới biết là có nghi phạm khác bị bắt và khai nhận hành vi giết chết ông Văn cũng như đánh ông bị thương.
Sau đó, ông Thêm được đưa về trại giam của Bộ Công an ở Hà Nội. Hai ngày sau, ông được một cán bộ giải thích là do có vết thương ở đầu nên ông được cấp giấy miễn lao động nặng và được đưa ra bến xe Gia Lâm để bắt xe khách về nhà ăn tết với gia đình.
"Suốt 43 năm, tôi phải sống trong một nỗi oan sai khổ nhục, phải chịu tiếng xấu với hai bên nội ngoại và bà con làng xã. Suốt đời tôi mang tiếng là tên tử tù giết em họ để cướp của" - ông Thêm cho biết.
Được trở về nhà nhưng bà con lối xóm và kể cả anh em họ hàng vẫn xem ông là "tên giết người". Gia đình bị hại từ mặt ông đến nay vì cho rằng "ông dùng tiền mua chuộc cán bộ để được ra tù sớm".
Ông Thêm từng nhờ con cháu đưa ra Hà Nội để kêu oan.
Tất cả các cơ quan như TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ... khi thấy ông đến kêu oan đều hỏi: "Ông bị oan thì có giấy tờ gì chứng minh không?".
Tuy nhiên, trong tay ông Thêm không có bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến vụ án, kể cả cáo trạng hay bản án hai phiên tòa kết tội ông. Vụ việc của ông bị tắc lại.
Vụ án có nhiều mâu thuẫn
Kể từ khi bị các cơ quan yêu cầu phải có hồ sơ vụ án, ông Thêm và người cháu ruột là ông Trần Văn Năm miệt mài đi tìm, trích lục các giấy tờ, chứng cứ của việc ông từng bị đi tù, từng bị kết án tử hình để làm căn cứ giải oan cho ông.
Đến TAND tỉnh Vĩnh Phú xin sao lục bản án không được, ông Năm tìm đến tận nhà thẩm phán Tạ Thị Minh Tâm - là chủ tọa phiên tòa sơ thẩm kết án oan ông, để nhờ xác nhận về việc xét xử vụ án.
Lần đầu tiên bà Tâm từ chối. Lần thứ hai khi ông Năm quay lại, bà Tâm mới xác nhận việc từng là chủ tọa phiên tòa kết án tử hình đối với ông Thêm.
Ông Năm và ông Thêm vội mang tờ xác nhận đó về Hà Nội kêu oan. Nhưng tờ xác nhận đó vẫn chưa đủ.
Phải lần mò rất lâu, ông Thêm mới tìm được hai công an là người trực tiếp điều tra vụ án từ năm 1974.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cù Văn Tiện (nguyên phó trưởng ban chỉ huy cảnh sát hình sự Sở Công an tỉnh Vĩnh Phú) cho biết từ năm 1974, ông được phân công thụ lý vụ án ông Trần Văn Thêm.
Quá trình điều tra và căn cứ vào vết thương để lại trên đầu ông Thêm có nhiều nghi vấn chứng minh ông Thêm không phải là thủ phạm, ông Tiện xin quyết định khai quật lấy hộp sọ của nạn nhân Văn đưa về Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc và các dấu vết để lại trên hộp sọ nạn nhân cho thấy vụ án có nhiều mâu thuẫn.
Cùng lúc đó, tin tức từ ban giám thị trại giam phố Lu (Lào Cai) báo về cho biết đối tượng tập trung cải tạo tại trại là Phan Thanh Nhàn (lúc đó 17 tuổi, quê Vĩnh Phú) khai nhận mình là hung thủ gây ra vụ giết người tại Cầu Diện.
Chính ông Tiện cùng hai cán bộ phòng cảnh sát hình sự lên trại giam phố Lu lấy lời khai, đồng thời xin lệnh trích xuất của Bộ Công an để đưa đối tượng Nhàn về Công an tỉnh Vĩnh Phú để mở rộng vụ án.
"Qua lời khai của đối tượng Nhàn và đối chiếu với hiện trường xảy ra vụ án, cơ quan điều tra xác định chính Nhàn là hung thủ giết chết Nguyễn Khắc Văn và làm ông Thêm bị thương.
Tôi đề xuất với các cơ quan tòa án, viện kiểm sát và công an là ông Thêm bị oan, cần phải trả tự do cho ông ấy."
"Ngày 29-12-1975, ông Thêm được trả tự do. Điều tôi bất ngờ là đến nay ông Thêm vẫn chưa có quyết định công nhận oan sai" - ông Tiện nói.
Trong tuần này sẽ xem xét vụ án
Có xác nhận của các nhân chứng, ông Thêm cùng người thân và một số luật sư làm đơn gửi các cơ quan tố tụng đề nghị minh oan và bồi thường cho ông.
Năm 2006, chánh án TAND tỉnh Phú Thọ có công văn cho biết: "Vụ án xảy ra năm 1970 trong thời kỳ chiến tranh phải đi sơ tán nhiều nơi, do vậy hồ sơ các vụ án thời kỳ này đã bị thất lạc.
TAND tỉnh Phú Thọ không còn quản lý hồ sơ".
Năm 2007, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội cũng trả lời ông Thêm: "Nếu ông bị xét xử oan sai thì phải có tài liệu chứng minh để được kháng nghị và xét xử theo trình tự giám đốc thẩm".
Tháng 3-2014, Viện KSND tối cao có công văn gửi ông Thêm cho biết Viện KSND tối cao đã trực tiếp đi xác minh ở một số nơi nhưng không tìm thấy tài liệu liên quan đến vụ án, do đó không có căn cứ để xác định ông bị xét xử oan.
Mãi đến năm 2014, luật sư Nguyễn Văn Hòa (đại diện theo ủy quyền và là người trợ giúp pháp lý miễn phí cho ông Thêm) đã trích lục được hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm kết án ông Thêm tại Công an tỉnh Bắc Ninh.
Kể từ đó, ông Hòa tăng cường gửi đơn kiến nghị đi các nơi và TAND tối cao vào cuộc giải quyết. Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó chánh án TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết trong tuần này, TAND tối cao sẽ họp và đưa ra quyết định về vụ việc của ông Thêm.
Thông tin thêm về Phan Thanh Nhàn - người được cho là hung thủ của vụ án, ông Hòa cho biết năm 1974, khi đang bị bắt giữ để điều tra về hành vi giết người, Nhàn đã trốn khỏi trại giam.
Sau đó Nhàn lại tiếp tục gây ra một vụ cướp tài sản khác và bị bắn chết, cho nên vụ án giết người cướp của tại Cầu Diện năm 1970 vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Phải sớm minh oan cho ông Thêm
Theo luật sư Nguyễn Văn Hòa, vụ án có nhiều sai sót từ khâu điều tra, dựng lại hiện trường dẫn đến việc xét xử sai. Việc minh oan cho ông Thêm lẽ ra phải được tiến hành từ khi hung thủ của vụ án đầu thú chứ không phải kéo dài đến tận bây giờ.
Vấn đề nữa đặt ra là việc các cơ quan là tòa án, viện kiểm sát trả lời hồ sơ bị thất lạc thì việc giải quyết oan sai cho ông Thêm như thế nào? Làm mất hồ sơ thì có vi phạm pháp luật không? Ai chịu trách nhiệm? Những vấn đề này cần phải làm rõ.
"Tuy nhiên, việc cần làm sớm hơn là phải minh oan cho ông Thêm để ông chấm dứt thân phận tử tù suốt 43 năm qua" - luật sư Hòa nói.