Mang danh "triệu phú công nghệ", rút cục Vương Phạm kinh doanh gì?

Bảo Bảo |

Xuyên suốt cuộc trò chuyện kéo dài 2 tiếng rưỡi, Vương Phạm nhắc đi nhắc lại 2 quan điểm kinh doanh của mình. Một là khi khách hàng không hài lòng, hãy để họ trả lại miễn phí, thậm chí freeship, "hết lòng" với khách hàng thì họ sẽ "hết tiền" với mình. Hai là không bao giờ vay tiền trong kinh doanh.

Trở về Việt Nam trò chuyện với các sinh viên tại Cao đẳng FPT Polytechnic và một số ít phóng viên, Vương Phạm bên cạnh gu thời trang và cách nói chuyện chân chất, còn luôn miệng cảm ơn những người ghi dấu ấn trên chặng đường sự nghiệp của bản thân, từ vị khách "Full-time Seller" anh gặp khi làm bồi bàn, đến những khách hàng trên từng cột mốc kinh doanh của Fastboy Marketing.

Về công việc kinh doanh, Vương cho biết anh đã dừng việc bán hàng online qua Amazon chừng 10 năm. Hiện anh tập trung vào phát triển công ty Fastboy Marketing với phần mềm Go Check In, đồng thời kinh doanh bất động sản theo kiểu mua đất nông nghiệp rồi phát triển cơ sở hạ tầng.

Chuyển đổi số 15.000 tiệm nail, bao gồm 200/800 tiệm của "ông hoàng ngành nail" Charlie Tôn Quý

Mang danh triệu phú công nghệ, rút cục Vương Phạm kinh doanh gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Ultra Violet.

6 năm trước, nhìn nhận mảng Marketing, Vương thấy khó phát triển được cho nhiều khách hàng. Trong khi đó với phần mềm, chỉ cần viết một app thì 1 người dùng cũng giống như hàng triệu người dùng.

Chuyển qua làm phần mềm, khách hàng mục tiêu B2B (khách hàng doanh nghiệp) Vương nhắm tới hoạt động trong lĩnh vực mà người Việt nắm giữ lợi thế trên đất Mỹ - ngành Nail.

"Trước Vương thấy người ta bước vô tiệm nail, xong dịch vụ thì đi ra, chỗ nào cũng vậy. Vương nghĩ: Sao mình không để máy checkin, bằng ipad thôi cũng được, để người ta nhập số điện thoại vô? Một là lưu giữ được thông tin khách hàng, hai là chia được từng người khách ra 3 nhóm: Nhóm VIP – thường xuyên quay lại tiệm, Nhóm khách lâu lâu mới đến 1 lần, và Nhóm khách đến 1 lần đi luôn, có khách 30 - 60, thậm chí 90 ngày chưa quay trở lại", Vương chia sẻ.

Mang danh triệu phú công nghệ, rút cục Vương Phạm kinh doanh gì? - Ảnh 2.

Một sản phẩm của Fastboy Marketing. Ảnhh: Fastboy.

"Với nhóm khách đầu tiên, app sẽ đề xuất họ feedback tiệm nail có làm họ hài lòng hay không. Khi họ đánh giá trên Google thì tiệm đồng thời tăng điểm uy tín, giúp tăng thứ hạng trên Google".

Với lượng data khách hàng thu thập được, khi một khách hàng chưa quay trở lại sau 30 ngày, Go Check In sẽ tự động gửi tin nhắn "Đã 30 ngày, chúng tôi hơi nhớ bạn rồi, bạn có quay trở lại với chúng tôi không?" Mốc 60 ngày, phần mềm lại nhắn tin: "Nhớ bạn nhiều, bạn quay trở lại với chúng tôi không?" Mốc 90 ngày, phần mềm lại nhắc: "Chúng tôi nhớ bạn rất nhiều, bạn quay lại tôi tặng bạn mã giảm giá 20%".

"Vương làm gì cũng đơn giản, không phức tạp. Chính nhờ sự đơn giản đó giúp phần mềm thành công", Vương nhìn nhận.

Go Chech In, theo Vương Phạm, hiện có 20 triệu người dùng cuối và phục vụ 1.500 tiệm nail, trong đó có 200 tiệm nail của "ông hoàng ngành Nail Charlie Tôn Quý ". "Mặc dù cũng phát triển phần mềm riêng, nhưng hiện chuỗi nail của anh Tôn Quý đang thử nghiệm phần mềm của Vương để coi áp dụng hết cho toàn bộ chuỗi 800 tiệm của ảnh hay không. Giai đoạn này mới đang thử nghiệm chứ chưa chính thức", Vương kể.

Thuở đầu gian nan: Free phí phần mềm không ai thèm xài, phải bonus gói Marketing, SEO, làm website, năn nỉ "anh chị ráng xài giùm em"

Mang danh triệu phú công nghệ, rút cục Vương Phạm kinh doanh gì? - Ảnh 3.

Những ngày đầu của Fastboy Marketing không dễ dàng. Vương cho biết anh rất mất công thuyết phục, thậm chí ban đầu tặng xài thử miễn phí, nhưng chẳng ai thèm dùng.

"Software làm không ai mua hết. Lúc đó, Vương bảo "OK, anh chị xài software này đi, em làm marketing cho anh chị miễn phí hết, làm website, làm SEO, làm tất cả mọi thứ marketing cho anh chị. Thôi, anh chị ráng dùng phần mềm này cho em. Dùng thử đi coi nó có hiệu quả hay không"".

"Dùng một thời gian thì 10 tiệm dùng đầu tiên lên trăm tiệm, trăm tiệm thành ngàn tiệm, người ta đồn thổi rất xa bởi phần mềm tự động hiệu quả, giúp tiệm nail tăng review, thứ hạng, mà mỗi thứ lại tự động, lại thêm khách. Người ta đồn nhau mua nhiều", Vương nhớ lại.

Một kỷ niệm đáng nhớ của Vương là trong thời điểm Covid, khi nước Mỹ thực hiện giãn cách xã hội, tất cả các tiệm đều phải đóng cửa. Sau chừng 1 tháng, khi có thông báo được mở cửa trở lại, có tiệm nail mở, tiệm không. Nhưng ngay cả với các tiệm mở, khách hàng không biết.

Một chị chủ tiệm nail ở bang Ohio rất siêng đề nghị khách hàng check in qua phần mềm của Fastboy Marketing. Đến khi mở cửa, sau chừng 1 tháng lockdown, nhu cầu "mua sắm trả thù" tăng lên, chị chủ tiệm gửi tin nhắn tới 10.000 khách hàng từ data có sẵn trong phần mềm, thông báo mở cửa ngày hôm sau.

"Ngày hôm ấy, có 500 người đến tiệm này để làm nail. Vương thấy câu chuyện quá hay nên cùng anh em marketing bay qua mấy tiểu bang để tới đó ghi hình lại. Sau câu chuyện đó, mọi người mới nhận ra rằng, có những tiệm lớn quằn quại vì mở cửa không ai biết, tại đâu giữ thông tin khách hàng để thông báo, mở hay đóng khách hàng cũng không hay".

"Trong khi tiệm này thông báo, người nọ đồn người kia, dắt tới làm quá chừng. Cái mạnh nhất là dùng dữ liệu và công nghệ kết hợp với nhau để quảng cáo rất hiệu quả mà ít người để ý đến", Vương kể.

Câu chuyện thành công của tiệm này đã giúp số tiệm đăng ký dùng Go Check In tăng đột biến, đưa Fastboy Marketing lên hạng 834 trong danh sách 5.000 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất nước Mỹ do Tạp chí Inc bình chọn.

Hai triết lý kinh doanh: Chiều khách và Không vay tiền

* Phần mềm tương tự Fastboy Marketing trên đất Mỹ không thiếu, vì sao các tiệm nail ở Mỹ lại xài phần mềm của anh? Anh có lợi thế nào không khi hầu hết các tiệm nail ở Mỹ là của người Việt?

Mang danh triệu phú công nghệ, rút cục Vương Phạm kinh doanh gì? - Ảnh 4.

Người Việt kinh doanh khó tính, khó chiều, đòi hỏi rất cao. Không công ty Mỹ nào nhảy vô làm được, còn công ty Việt có vào thì vài tháng lại buông.

Vương chiều được nên làm được đến bây giờ. Người Mỹ không chiều nổi người Việt. Đặc tính của người Việt và Trung Quốc là rất trân quý khách hàng. Mình làm "hết mình" với khách hàng thì khách hàng "hết tiền" với mình (cười). Mình cứ cố gắng hết sức chiều khách thôi.

Từ thời bán hàng qua Amazon, cứ khách không hài lòng là tôi để họ trả hàng miễn phí, thậm chí freeship luôn. Sau kinh doanh software cũng vậy, khách xài đến 90 ngày mà không hài lòng, tôi vẫn rút tiền ra trả lại.

Làm được như vậy thực lòng rất khó, nhưng khi uy tín của bạn tăng lên thì công ty sẽ ngày càng phát triển.

* Anh từng khuyên các bạn trẻ không nên khởi nghiệp bằng vốn vay từ ngân hàng. Công ty anh thì sao? Anh có phải vay ngân hàng không?

Mang danh triệu phú công nghệ, rút cục Vương Phạm kinh doanh gì? - Ảnh 5.

Vay tiền để mua đất thì có. Còn công ty của Vương đều dùng tiền mặt, chứ không đi vay.

Người Mỹ thực ra dùng hình thức vay tiền để đưa người ta vô bẫy nợ. Họ tính hay lắm, họ cho bạn vay tiền mua nhà, mua xe chẳng hạn. Nhưng đến 1 ngày nào đó họ lấy lại của bạn nhanh lắm, cho dù bạn mua món này giá 100 ngàn USD, bạn đã trả hết 99 ngàn USD, thiếu 1 ngàn USD vẫn là thiếu. 

Đến một lúc khó khăn, bạn không trả được 1 ngàn USD, họ có thể lấy luôn tài sản đó của bạn.Vương là người làm ăn chắc chắn quen rồi. Chính bản thân Vương cũng là người nhát, khi nhát mình không dám làm liều. Cái gì rủi ro thì Vương không dám làm.

* Vì sao anh đặt tên công ty là Fastboy?

Xưa xây dựng công ty này, Vương mới có hai mươi mấy tuổi, còn "boy" lắm. Lúc đó, Vương chỉ nghĩ đặt tên gì cho mấy anh chị đi làm nail dễ nhớ.

Fastboy ý thứ nhất là nói bản thân Vương, Vương làm gì nhanh, lẹ lắm, ra quyết định rất nhanh.

Boy, một ý nữa, là Vương để ý mấy cô, mấy chị làm nail hay gọi con, cháu là "boy", như kiểu "thằng boy của chị", "boy nhà chị"… Mình thấy "boy" là từ rất thân thương, khi nhắc đến chữ ấy, mọi người sẽ có sự kết nối nhất định. Từ "boy" bên này nghe đã thấy dễ thương rồi, như kiểu "thằng boy nhà mình".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại