Sau các thương vụ đầu tư thần tốc trong năm 2019, ngay những ngày đầu tiên của năm 2020, Shark Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐQT Intracom - bất ngờ công bố đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ giải trí trên biển tại Phú Quốc, với thương hiệu Seaworld.
Seaworld là một thương hiệu của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Namaste. Đây cũng là thương hiệu đầu tiên tại Phú Quốc được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí trên biển.
Hiện nay, Seaworld đang sở hữu Công viên san hô diện tích 1ha, với gần 200 loài san hô cứng, mềm các loại, hơn 100 loài cá biển tự nhiên, các sinh vật biển quý và 9000m2 khu bảo vệ phục hồi.
Chia sẻ về thương vụ này, Shark Việt cho biết: "Phú Quốc có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, những năm gần đây, việc đầu tư và phát triển nóng các ngành bất động sản, lưu trú nghỉ dưỡng nhưng chưa đầu tư tương ứng cho các ngành phụ trợ và dịch vụ du lịch vui chơi giải trí khiến các sản phẩm chưa đủ đặc sắc để thu hút khách du lịch".
Vì vậy, khi người đại diện của Seaworld thuyết trình về công viên san hô và dịch vụ "Seawalker - đi bộ dưới đáy biển", trao đổi về vấn đề hợp tác, ông đã dành thời gian ra tận Phú Quốc tìm hiểu về sản phẩm dịch vụ và xem xét kỹ lưỡng về chiến lược phát triển.
Vì sao Shark Việt hứng thú với Seaworld?
Sau ký kết, Intracom và Seaworld thống nhất chọn Seawalker làm lõi phát triển.
Đây là loại hình thể thao trải nghiệm đặc sắc trong công viên san hô dành cho người chơi từ trên 6 tuổi, sức khỏe tốt, tự mình trải nghiệm cảm giác đi bộ dưới đáy biển ở độ sâu từ 4m - 5m so với mặt biển, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của muôn loài san hô và sinh vật biển, từ đó truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường tới khách hàng.
Theo phân tích của Shark Việt, riêng với thị trường Phú Quốc, dịch vụ Seawalker hiện chỉ có Seaworld độc quyền cung cấp.
Do vậy, hiện Seaworld vẫn chưa có đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Bên cạnh đó, dù là dịch vụ mới nhưng Seawalker cũng nhận được nhiều sự hợp tác tích cực, hưởng ứng từ phía các đối tác và khách hàng. Đây cũng là một sự chọn lựa mới thay thế cho những sản phẩm đã cũ và không còn hấp dẫn được khách hàng cả trong nước lẫn nước ngoài.
Vì vậy, ông quyết định sẽ đầu tư để Seaworld có thể đi nhanh hơn, tạo ra dịch vụ tốt hơn để thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, Shark Việt cho biết: "Việc bắt tay giữa Intracom và Seaworld không chỉ mang giá trị kinh doanh đơn thuần mà còn kiến tạo cho du khách một trải nghiệm khó quên, giúp du khách cảm nhận và hiểu biết nhiều hơn về một thế giới cần được bảo vệ".
"Đồng thời, tạo nhiều phúc lợi cho cộng đồng địa phương và cơ hội cho tầng lớp lao động phổ thông - ngư dân làm du lịch; tái tạo hệ sinh thái biển qua đó bảo vệ và làm giàu tài nguyên biển. Chúng tôi kỳ vọng tâm huyết của cả đội ngũ sẽ đạt được kết quả khả quan cả trong vấn đề phát triển kinh tế lẫn bảo vệ môi trường".
Shark Việt là "gương mặt thân quen" trong giới đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp với những thương vụ đầu tư khủng cho startup. Trong Shark Tank Việt Nam mùa 3, trên cương vị cá mập đầu tư chính, Shark Việt đã trở thành nhà đầu tư cam kết rót tiền nhiều nhất, với 212 tỷ đồng, tương đương 9 triệu USD.
Tổng số tiền cam kết đầu tư của các cá mập mùa 3 theo tính toán của CafeBiz.
Trong số 8 thương vụ Shark Việt cam kết xuống tiền mùa 3, đã có 2 thương vụ thực rót là Luxstay (1 triệu USD) và Triip (500.000 USD). Trong đó, Triip là thương vụ có thời gian DD (Due Diligence - Thẩm định doanh nghiệp) ngắn nhất Shark Tank Việt Nam 3 mùa, vẻn vẹn trong 30 ngày.