Mận cơm, một loại mận khá được ưa chuộng và được trồng rất nhiều tại Sơn La. Loại mận này chỉ bằng hoặc to hơn ngón tay cái một chút nhưng có vị thanh ngọt, mát, không chát kèm theo một chút vị chua nên rất được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện, tại các điểm trồng mận cơm tại xã Chiềng Cọ, Chiềng Ngần,... (TP Sơn La) đang vào trong mùa thu hoạch và rất sai quả. Tuy nhiên, so với mọi năm vào thời điểm này thì giá mận cơm năm nay rẻ đến bất ngờ khi không vượt quá 5.000 đồng/kg, thậm chí người trồng mận phải bán với giá 1.000 đồng/kg để tránh lãng phí.
Mận cơm là loại cây được trồng nhiều ở tỉnh phía Bắc, đây là thứ quả nổi tiếng, mỗi năm chỉ có vài tuần.
Anh Nguyễn Văn Trọng - một hộ dân trồng mận cơm tại xã Chiềng Cọ (Sơn La) - chia sẻ trên Vietnamnet, gia đình anh đã trồng mận hàng chục năm nay, song chưa bao giờ rơi vào tình trạng rớt giá thê thảm như thế này. Với số lượng lên đến 2.000 gốc mận cơm, ước tính mỗi năm gia đình anh thu được khoảng trên dưới 25 tấn mận.
Những năm trước, từ đầu vụ tháng 3, xe của thương lái đã chạy ầm ầm tới tận vườn thu mua. Có thời điểm, giá mận cơm đầu mùa lên đến 70.000-80.000 đồng/kg nhưng số lượng chưa nhiều.
Năm nay, không khí mua bán im ắng hẳn, mận cơm giá rẻ một phần do được mùa, lại bí đầu ra nên giá bán tại vườn thấp kỷ lục.
Anh Trọng cho hay, năm ngoái, hàng đẹp quả to anh bán với 18.000 đồng/kg. Năm nay, giá mận giảm xuống còn 10.000 đồng/kg, hàng xô rẻ nhất chỉ 1.500-2.000 đồng/kg. Hiện anh đổ sỉ mỗi bao từ 50-52kg, giá trung bình là 5.000 đồng/kg.
Ngoài có tên là mận cơm người ta còn gọi là mận thóc bởi quả có nhiều màu như xanh, vàng, đỏ trông rất đẹp mắt.
Mọi năm vào thời điểm này, giá mận cơm tại vườn dao động khoảng 8.000 - 20.000 đồng/kg, tức là gấp 5 - 8 lần so với năm nay. Có thời điểm, giá mận mọi năm lên đến khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Được biết, thời điểm bắt đầu cho ra quả năm nay, loại mận này vẫn giữ được mức giá trên. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây, giá mận bắt đầu rớt thê thảm do không có các thương lái đến mua.
"Năm nay mất mùa quá, tôi xuất ra chỉ với giá 1.000 đồng/kg, thậm chỉ còn vừa bán vừa cho. Nếu không cải thiện được tình hình chắc mình chặt hết để chuyển sang trồng cây khác thôi" - một hộ dân tại xã Chiềng Ngần ngao ngán.
Giá bán lẻ mận cơm ở Hà Nội dao động 8.000 - 10.000 đồng/kg. Ảnh: Vietnamnet
Buôn hoa quả lâu năm, chị Đào (Hà Nội) chưa bao giờ thấy giá mận cơm lại thấp kỷ lục như vậy. Như năm trước, hàng rẻ nhất chị cũng bán được 15.000 đồng/kg, còn hàng tuyển, loại 1 là 30.000 đồng/kg, thậm chí lên tới 35.000 đồng/kg vào đầu vụ.
Nay mận nhỏ, chị bán buôn với giá 4.000 đồng/kg, loại to là 6.000 đồng/kg. Nếu khách mua theo bao thì là 200.000 đồng cho 50kg mận đẹp.
"Do giá mận thấp nên giờ tôi ít bán lẻ mà bán theo combo 2kg, 5kg, 10kg kèm theo muối chấm, nếu khách mua nhiều thì ưu đãi càng tăng" - chị kể trên Dân Trí.
Không chỉ ở Sơn La, mận xứ Lạng cũng rơi vào thảm cảnh tương tự. Ông Lộc Minh Thực (SN 1961), nhà ở thôn Bản Lành, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, Lang Sơn cho biết trên Tiền Phong: Mận xứ Lạng khá to, căng tròn và không quá chua, ăn giòn, dễ róc hạt nhỏ và trở thành đặc sản riêng có ở Lạng Sơn.
Mận các năm trước tiêu thụ mạnh, có lúc lên tới trên 60.000 đồng/kg, nên các hộ dân học tập nhau trồng mận để xóa đói, giảm nghèo.
"Nhà tôi có 700 gốc với diện tích khoảng 3 ha, đem lại thu nhập cao. Năm 2019, gia đình thu về gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, do dịch bệnh COVID-19, ít người mua, tiểu thương các nơi không còn lên đặt mua tại gốc như mọi khi dẫn đến mận cơm ế ẩm.
Đến mùa thu hoạch, các chủ vườn hái quả cho vào các bao tải rồi chở bằng xe đạp ra chợ huyện và thành phố bán. Lúc đầu còn bán được 5.000-7.000 đồng/kg, nay rớt xuống 2.000-3.000đ/kg mà vẫn không có người mua" - Ông Thực buồn bã nói.
Năm thương lái chậm thu mua, mận tại vườn bắt đầu chín đỏ. Ảnh: Vietnamnet
Theo tìm hiểu, giá mận rớt một phần là do chưa kịp thu hoạch quả đã chín rụng. Một phần do loại mận này năm nay rất sai quả nên sản lượng thu hoạch cũng tăng đáng kể. Các hộ trồng mận đều tự phát, chưa có các thương lái hay doanh nghiệp đứng ra thu mua.
Ngoài ra, giá mận cơm lao dốc còn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng tiêu thụ cũng chậm, sức mua yếu dần.