Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về Hydorgen ASEAN 2022 ngày 5/8, Chủ tịch MAHE, Giáo sư, Tiến sĩ Wan Ramli Wan Daud, cho biết có nhiều cơ hội cho các công ty trong nước và quốc tế tham gia sản xuất pin nhiên liệu hydro ở Malaysia trong vòng vài năm tới thông qua hai dự án chính, đó là: Dự án ứng dụng tấm pin nhiên liệu hydro tại các khu vực đô thị liên quan đến việc tiếp nhiên liệu hydro xanh từ năng lượng Mặt Trời cho ô tô và xe buýt. Dự án thứ hai bao gồm việc ứng dụng pin nhiên liệu hydro tại các tháp viễn thông và điện trung tâm dữ liệu.
Ông nói: “Để ứng dụng khả năng chuyển đổi của hydro, chúng tôi cũng cần sản xuất động cơ điện nam châm vĩnh cửu và Malaysia có ngành công nghiệp đất hiếm có thể được sử dụng để sản xuất các nguyên tố cần thiết cho việc sản xuất động cơ”. Ông cho biết những thách thức lớn mà ngành công nghiệp phải đối mặt hiện nay là những hạn chế trong chuỗi cung ứng cho pin nhiên liệu hydro, nam châm vĩnh cửu, vật liệu và linh kiện điện phân cũng như nguồn nhân lực và công nhân lành nghề.
Theo Tầm nhìn 2050 của Hội đồng Hydrogen, nền kinh tế hydro toàn cầu ước tính sẽ tạo ra khoảng 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 2050 cùng với việc tạo ra 30 triệu việc làm. Theo đó, nhìn vào quy mô của ứng dụng hydro toàn cầu, khoảng 10 exajoules (EJ) hydro được sản xuất đã được tiêu thụ trong phân khúc nguyên liệu hóa học vào năm 2020.
“Tiến tới năm 2050, ngoài nguyên liệu là hóa chất, chúng ta sẽ thấy sự phát triển lớn mạnh của việc ứng dụng hydro trong các phân khúc thị trường khác, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải, ước tính là 22 EJ, năng lượng công nghiệp và hệ thống sưởi ấm được lắp đạt trong các tòa nhà (27 EJ) cũng như lĩnh vực sản xuất điện (9 EJ)”, ông Ramli cho biết thêm.
Hydro là nguồn năng lượng sạch, gần như không phát thải khí ô nhiễm mà chỉ sinh ra hơi nước. Từ nước qua quá trình điện phân có thể thu được hydro. Vì vậy, hydro là nguồn năng lượng gần như vô tận và có thể tái sinh.