Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Quảng Ngãi, nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh vừa chỉ đạo giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các cơ quan có liên quan rà soát nội dung báo chí phản ánh và các trường hợp bệnh nhân tử vong khác vì COVID-19 để chủ động nắm tình hình xử lý, chấn chỉnh kịp thời theo quy định, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 15/3/2022.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trên phải khẩn trương rà soát quy định hướng dẫn mai táng người chết nhiễm bệnh COVID-19 phù hợp tình hình thực tế tại địa phương và hướng dẫn của cấp tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh trước ngày 17/3/2022.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với cơ quan công an tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ mai táng trên địa bàn trong việc nâng giá chi phí mai táng bất hợp lý, trái quy định đối với các trường hợp tử vong do COVID-19 (tránh tình trạng lợi dụng người chết vì COVID-19 để tăng giá dịch vụ mai táng bất hợp lý); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trước đó, dư luận bức xúc về việc “chặt chém” này. Anh B.M.L (trú huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, cha anh qua đời vì COVID-19 tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Quảng Ngãi (cơ sở 2). Gia đình anh được giới thiệu một cơ sở lo tang lễ trọn gói cho cha với giá 28 triệu đồng.
“Quãng đường từ bệnh viện đến nghĩa trang chỉ có 7 km, thêm cái quan tài loại thường mà tới 28 triệu đồng, trong khi huyệt mộ gia đình đã chuẩn bị sẵn. Vì cha tôi chết do dịch bệnh nên gia đình không thể mang về tự mai táng, không còn lựa chọn nào khác nên đành phải chấp nhận”, anh L bức xúc.
Tương tự, khoảng giữa tháng 2/2022, bà T.T.T (trú huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cũng bị chém với giá 35 triệu đồng cho việc vận chuyển, an táng chồng chết do COVID-19 tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Quảng Ngãi.
Được biết, mỗi gia đình có người thân tử vong vì COVID-19 bị dịch vụ mai táng “hét” một mức giá khác nhau nhưng thấp nhất cũng 20 triệu đồng. Ở những địa bàn xa như thị xã Đức Phổ hay các huyện miền núi, mức giá này cao gấp đôi, từ 40 - 50 triệu đồng.
Những trường hợp hỏa thiêu ở TP Đà Nẵng, chi phí lên tới 60-70 triệu đồng. Tiền sẽ được yêu cầu chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của chủ cơ sở mai táng mà không có bất cứ một loại hóa đơn, chứng từ nào.
Theo ông Phúc, khi bệnh nhân mắc COVID-19 qua đời, bệnh viện sẽ xử lý đúng quy định phòng dịch, lưu giữ thi thể trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Trong thời gian này, người nhà của bệnh nhân tự liên hệ với dịch vụ mai táng để đưa thi thể về chôn cất.
Trong khi đó, theo khẳng định của ông Lê Báy - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi: Theo quy định hiện hành, gia đình có người thân mất vì COVID-19 không phải tốn chi phí mai táng.
Chi phí mua quan tài, vận chuyển đến nơi chôn cất, hỏa thiêu sẽ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch. Cũng theo ông Báy, quy định của Bộ Y tế nêu rõ, quy trình xử lý người tử vong vì COVID-19 phải khép kín.
Như vậy, việc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi để người nhà tự thỏa thuận với cơ sở tang lễ làm việc này là sai quy định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Phúc - Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, bệnh viện không liên quan đến các dịch vụ mai táng cho người mất vì COVID-19.