“Made in USA”- chiến lược giúp Tổng thống Biden xây dựng nước Mỹ tốt đẹp hơn?

Thu Hoài |

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký một sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường mua sắm liên bang đối với hàng hóa do nước này sản xuất (Made in USA).

Được xem là cần thiết nhằm xây dựng lại một nước Mỹ tốt hơn, song mặt khác bước đi cũng dự báo sẽ khiến quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và thậm chí là cả với một số đồng minh thân thiết “dậy sóng”.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden khẳng định, đây là một bước đi quan trọng hướng tới xây dựng lại xương sống của nước Mỹ. Đây là một phần trong kế hoạch kinh tế rộng lớn hơn mà Tổng thống Joe Biden đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp Mỹ và chấm dứt sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài. Theo Tổng thống Joe Biden, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của Mỹ, vì vậy nhiệm vụ cấp bách đặt ra là Mỹ tự sản xuất thiết bị bảo hộ và các nguồn cung cấp thiết yếu.

“Đại dịch đã cho thấy, chúng ta không bao giờ có thể để mình bị rơi vào tình thế phải dựa vào một nước bên ngoài không cùng lợi ích để bảo vệ người dân trong trường hợp khẩn cấp quốc gia. Chúng ta cần tự chế tạo thiết bị bảo hệ, các sản phẩm và nguồn cung thiết yếu. Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh để đảm bảo họ cũng có các chuỗi cung ứng linh hoạt”, ông Biden nói.

Đây cũng là chủ đề hiếm hoi mà ông chủ mới của Nhà Trắng có chung quan điểm với người tiền nhiệm. Trên thực tế, chính sách “Mua hàng hóa sản xuất tại Mỹ” đã có từ năm 1933, nhưng những ngoại lệ đã dẫn đến tình trạng một số sản phẩm dù được đánh tem “sản xuất tại Mỹ”, nhưng phần lớn thành phần lại nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này đã khiến các công ty vừa và nhỏ bất bình.

Sắc lệnh hành pháp mới lặp lại các biện pháp mà chính người tiền nhiệm Donald Trump đã thực hiện để thúc đẩy Nhà nước liên bang mua nhiều sản phẩm của Mỹ hơn. Theo ông Joe Biden, sau 4 năm áp dụng chính sách thương mại theo chủ nghĩa bảo hộ của ông Donald Trump, chưa phải là lúc để tự do hóa toàn diện.

Tuy nhiên các công ty Mỹ đã cảnh báo những quy tắc quá ngặt nghèo có thể đẩy chi phí lên cao, gây khó khăn cho việc mua các bộ phận được sản xuất bên ngoài. Trong khi đó, những đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ như Canada hay các nước châu Âu luôn cảm thấy chiến lược “Mua hàng hóa Mỹ” đã ngăn cản các công ty của họ tiếp cận một số đấu thầu nhất định từ chính quyền Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Marc Garneau, một khi nhận thấy chính sách “Mua hàng hóa Mỹ” gây ảnh hưởng tới thương mại của đất nước, Canada sẽ bày tỏ quan điểm của mình. Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland nhấn mạnh, chính phủ nước này sẽ làm việc vì một mối quan hệ thương mại song phương cân bằng, đôi bên cùng có lợi.

Trước những lo ngại của các đồng minh, ông Joe Biden cho biết, Mỹ cam kết làm việc với các đối tác thương mại của mình để hiện đại hóa những quy tắc thương mại quốc tế, bao gồm cả những quy tắc liên quan đến mua sắm công để tiền của người nộp thuế kích thích đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và góp phần vào chuỗi cung ứng linh hoạt./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại