Hồi tuần trước, Bloomberg cho hay Bắc Kinh đang xem xét trì hoãn các mục tiêu trong chương trình Made in China 2025 của họ. Lộ trình bao gồm việc nỗ lực thúc đẩy sản xuất công nghệ quan trọng trong nước chính là mâu thuẫn lớn nhất trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Các báo cáo khác cho thấy Trung Quốc có thể thay đổi hoàn toàn chương trình mà họ đang theo đuổi đồng thời cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với thị trường của họ.
Tuy nhiên, cùng ngày, hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết họ quyết định thúc đẩy nông nghiệp cơ giới hóa và nâng cấp máy móc nông nghiệp đồng thời lưu ý rằng nông dân Trung Quốc vẫn sẽ nhận được trợ cấp dù mua sản phẩm của thương hiệu nước ngoài hay Trung Quốc.
Và Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đưa ra những chính sách nhằm nâng cấp sản xuất với những công nghệ tiên tiến. Cả hai thông điệp đều phù hợp với mục tiêu Made in 2025.
Các báo cáo cho thấy một điều rõ ràng: Trung Quốc sẽ kiềm chế các mục tiêu công nghiệp của mình đồng thời họ sẽ mất rất nhiều thời gian để đạt được những mục tiêu đó.
Theo số liệu, Trung Quốc ngày càng không cần tới các doanh nghiệp bên ngoài. Các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài đã giảm đáng kể thành phần có nguồn gốc nhập khẩu. Phần lớn các cấu kiện đều được sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này cũng đang đúng với các công ty nước ngoài.
Chẳng hạn như ABB, một công ty lớn của Thụy Sĩ trong lĩnh vực sản xuất máy biến áp, robot và thiết bị điện. Gần 90% các bộ phận mà công ty này sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng phần lớn sản phẩm họ bán ra cũng ở chính quốc gia này.
Made in 2025 lần đầu được nhắc tới vào mùa hè năm 2015, chỉ ra lý do và phương thức Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo trong công nghệ cũng như thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong lĩnh công nghệ cao hoặc sản xuất thông minh.
Kế hoạch này đã xác định 10 lĩnh vực then chốt và đặt ra mục tiêu để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa với cấu kiện và vật liệu.
Cộng đồng quốc tế đã lo ngại với kế hoạch này và coi đây là cách mà Bắc Kinh đang áp dụng để thay thế việc nhập khẩu. Quy mô tài chính của nó khiến người ta rùng mình với hàng trăm tỷ USD được các ngân hàng nhà nước và các nguồn vốn khác của chính phủ hỗ trợ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không nắm trong tay tất cả mọi thứ để thể hiện điều đó. Chi phí nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc vẫn thấp hơn so với Mỹ và Nhật nếu so với tỷ lệ phần trăm GDP dù đang có những cải thiện. Tốc độ nghiên cứu và phát triển, cách thức cho thấy hiệu quả của việc đầu tư tiền của, gần như không tăng trong hai năm qua.
Tại một diễn đàn kinh doanh gần đây, một quan chức cấp cao của Ủy ban các vấn đề tài chính và kinh tế của Quốc hội Trung Quốc cho biết nước này có khả năng bỏ lỡ các mục tiêu chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển trong kế hoạch 5 năm kết thúc vào năm 2020. Theo đó, Trung Quốc dự kiến chi tiêu ít hơn 100 tỷ so với ngân sách.
Trong khi đó, việc trò chuyện với các CEO của các doanh nghiệp sản xuất máy móc Đức cho thấy năng lực sản xuất của Trung Quốc đã đạt đến cấp độ hai hoặc ba nhưng không tiệm cận với mức cao nhất.
Các công ty hóa chất ở miền nam Trung Quốc cho biết mọi doanh nhân địa phương đều muốn tạo ra những hợp chất ưu việt nhất nhưng các công thức thường không ổn định, dẫn tới việc thất bại.
Năm 2017, sản xuất công nghệ cao chỉ chiếm dưới 13% tổng giá trị gia tăng công nghiệp. Hơn nửa trong số các tiêu chuẩn công nghệ của Trung Quốc dành cho sản xuất thông minh không được quốc tế chấp nhận.
Điều này có thể cản trở các doanh nghiệp nước ngoài nhưng cũng gây cản trở không nhỏ cho các công ty Trung Quốc trong cuộc chơi toàn cầu.
Nhìn vào lĩnh vực xe điện hoặc thiết bị dùng năng lượng mới, ngành công nghiệp Trung Quốc khó có thể dẫn đầu trong cuộc đua tiến về phía trước. Sản xuất trong nước được cho chiếm 80% thị phần lĩnh vực này vào năm 2025.
Tuy nhiên, với hàng triệu sản phẩm mà Trung Quốc đã tung ra, nó vẫn chưa hề có chỗ đứng trên quy mô toàn cầu. Thậm chí, chúng còn chưa phải số một trong thị trường nội địa.
Thay vào đó, trợ cấp dẫn đến các dòng xe điện chất lượng thấp. Nhiều phương tiện được mệnh danh là "tử thần của Tesla" đã thất bại thảm hại. Cuối cùng, Trung Quốc đã phải cho phép Tesla mở nhà máy sản xuất ô tô trên chính đất nước họ.
Bất chấp những căng thẳng thương mại và nhiều rào cản, đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng. Trong 11 tháng đầu năm, nó đã tăng 1,1% lên 120 tỷ USD và số doanh nghiệp nước ngoài được phê duyệt đầu tư đã tăng 78%. Số lượng các quỹ đổ tiền vào lĩnh vực công nghệ cao cũng tăng 30%.
Rõ ràng, các nhà đầu tư nước ngoài không quá quan ngại với Made in China 2025. Sau tất cả, các nước khác cũng có những chính sách công nghiệp. Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ, Canada và Mexico đã cũng có những quy định riêng về cục bộ.
Ấn Độ cũng có mức thuế nhập khẩu cao trong khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ đang nhắm mục tiêu vào tất cả các ngành công nghiệp mà Trung Quốc liệt kê trong tham vọng Made in 2025.
Sự cởi mở của Trung Quốc với đầu tư nước ngoài đã mang lại nhiều lợi ích cho họ, thu hút được những gã khổng lồ như BMW AG, DowDuPont Inc. và Apple Inc. cùng lợi nhuận chúng mang lại.
Quốc gia này có cơ hội leo lên những bậc thang công nghệ tốt hơn bằng cách đưa doanh nghiệp của mình cạnh tranh khắc nghiệt với những đối thủ tầm cỡ thế giới hơn là tìm cách đóng cửa và hô hào. Điều này mới khiến Made in China 2025 có chút đáng sợ.