Mặc quần áo màu gì, làm từ loại vải nào thì ít bị muỗi đốt nhất?

Thanh Long |

Ngay lúc này, da của bạn đang phát sáng dưới ánh mắt của loài muỗi, chẳng khác nào một quán ăn lắp biển quảng cáo bằng neon.

Đó là sự thật: Không phải cá mập, rắn hay thậm chí chính con người, muỗi mới là loài động vật gây chết người nhiều nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết loài côn trùng nhỏ bé này đang gây ra 725,000 ca tử vong mỗi năm, do các bệnh lây lan qua muỗi như sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh Zika hoặc sốt vàng da...

Ngay cả các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang giữa loài người cũng chỉ gây ra khoảng 475.000 ca tử vong mỗi năm. Trong khi rắn độc cắn giết chết 50.000 người, và cá mập chỉ làm chết 10 người trong cùng khoảng thời gian đó.

Không có gì phải nghi ngờ, cuộc chiến với loài muỗi chính là mặt trận y tế khốc liệt nhất mà con người phải đối mặt. Và khi đó, nghiên cứu thứ vũ khí mà kẻ thù đang sử dụng chính là chiếc chìa khóa để thiết lập hàng rào phòng thủ, nhằm vô hiệu hóa khả năng gây bệnh của muỗi.

Mặc quần áo màu gì, làm từ loại vải nào thì ít bị muỗi đốt nhất?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các nghiên cứu trước đây cho thấy muỗi có rất nhiều cách để phát hiện ra con người. Mặc dù có thị giác không quá phát triển, những sinh vật nhỏ bé này có khả năng nhìn thấy bạn từ khoảng cách 3-5 mét từ hệ thống mắt kép với hàng ngàn thấu kính trên đầu của chúng.

Sử dụng khứu giác vô cùng nhạy bén, muỗi thậm chí còn có thể phát hiện ra bạn từ khoảng cách 60 mét, gấp 1.000 lần chiều dài cơ thể chúng, nhờ nồng độ CO2 mà bạn thở ra. Để dễ dàng hình dung, nó cũng giống như bạn có thể ngửi thấy mùi thức ăn ở một nhà hàng cách 1,7 km so với vị trí đứng của mình.

Không khó để hình dung một người đang tập thể dục trong công viên, đang thở ra nhiều CO2 hơn, có thể thu hút muỗi ở trong cả công viên săn đuổi họ.

Ngoài ra, các nhà khoa học cho biết những người có nhóm máu O sở hữu mùi mồ hôi đặc trưng mà muỗi rất thích. Thậm chí, một nghiên cứu trên tạp chí Science còn tiết lộ muỗi có khả năng giới thiệu những người có máu ngon cho nhau, bằng cách để lại một phân tử mùi đánh dấu trên những người mà chúng từng đốt.

Tất cả những lý do đó giải thích chuyện tại sao một số người hay bị muỗi đốt hơn những người khác, dù cho họ đang ngồi cạnh nhau, trong văn phòng, ở nhà hay trên vỉa hè quán trà đá.

[Video] Đây là những lý do tại sao muỗi chỉ đốt bạn mà không đốt người khác

Nhưng đó chưa phải là tất cả các giác quan tinh tế mà muỗi sử dụng để tìm thấy bạn. Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã cho 80 con muỗi cái thuộc giống Aedes aegypti, hay còn gọi là muỗi vằn hoặc muỗi hổ Châu Á, vào trong những chiếc hộp chứa vật chủ giả mô phỏng con người.

Các tính chất của vật chủ giả được kiểm soát bao gồm nồng độ CO2, mùi mồ hôi cơ thể và đặc biệt là một tấm đệm phát nhiệt, mô phỏng lại nhiệt độ làn da được cung cấp từ máu người. Kết quả cho thấy khi các yếu tố nồng độ CO2 và mùi cơ thể được bật lên riêng lẻ, những con muỗi không thể hiện sự hứng thú của chúng với vật chủ giả.

Nhưng khi tấm đệm nhiệt được bật lên, ở nhiệt độ 34 độ C, mô phỏng da người và có thể phát ra tia hồng ngoại, những con muỗi vằn đã bay về phía vật chủ, đậu trên đó và đưa vòi của chúng qua lồng. Sức hút của vật chủ giả đã tăng lên gấp đôi so với khi tấm đệm được giảm xuống nhiệt độ thấp hơn, ở 29 độ C và không còn phát tia hồng ngoại.

"Thí nghiệm này cho thấy các tín hiệu CO2 và mùi cơ thể riêng lẻ không thể kích thích muỗi tìm kiếm con mồi. Nhưng khi kết hợp chúng với tín hiệu hồng ngoại, sự khác biệt đã xảy ra", Craig Montell, tác giả nghiên cứu đến từ Đại học California cho biết.

Mặc quần áo màu gì, làm từ loại vải nào thì ít bị muỗi đốt nhất?- Ảnh 2.

Mặc quần áo màu gì, làm từ loại vải nào thì ít bị muỗi đốt nhất?- Ảnh 3.

Muỗi hổ Châu Á sử dụng các radar trên râu của chúng để phát hiện tia hồng ngoại từ da người.

Trong quá trình tìm hiểu Montell cũng xác nhận khả năng cảm biến hồng ngoại của muỗi vằn nằm ở râu của chúng, nơi tập trung rất nhiều protein TRPA1 nhạy cảm với nhiệt độ. Khi nhóm nghiên cứu biến đổi gen muỗi để loại bỏ protein này, những con muỗi không còn khả năng phát hiện tia hồng ngoại và thể hiện sự nhạy cảm với vật chủ giả phát nhiệt nữa.

Vì vậy, nghiên cứu mới cho thấy muỗi đã phát triển những cảm biến trên râu như những chiếc ăng-ten để tìm thấy da của chúng ta từ xa, như cách những "drone" không người lái trên chiến trường nhìn thấy binh sĩ di chuyển trong bóng tối.

Mặc dù bạn không nhìn được ánh sáng hồng ngoại phát ra từ da mình vào ban đêm, nếu bạn mặc quần áo cộc và nằm trên giường để đi ngủ, cơ thể bạn thực ra đang phát sáng dưới radar của muỗi, chẳng khác nào một quán ăn lắp biển quảng cáo bằng neon.

Mặc quần áo màu gì, làm từ loại vải nào thì ít bị muỗi đốt nhất?- Ảnh 4.

Đo mức độ phát tia hồng ngoại từ da người với các loại quần áo khác nhau.

Để chống lại hiệu ứng đó, các nhà khoa học đã thử nghiệm một số loại vải và quần áo khác nhau để làm phân tán tín hiệu hồng ngoại với muỗi. Và họ phát hiện các loại quần áo rộng, được làm từ vải polyester có khả năng chống muỗi cao hơn quần áo bó làm từ vải cotton.

Vì vậy, nếu bạn ngủ mà không muốn mắc màn, lời khuyên là hãy chọn một bộ quần áo ngủ dài tay, rộng rãi và làm bằng vải polyester.

Ngoài ra, các phát hiện mới trong nghiên cứu này cũng phù hợp với một số thí nghiệm trước đây, cho thấy muỗi thường bị thu hút bởi các loại quần áo màu đỏ và cam, phát ra các dải ánh sáng gần với tín hiệu hồng ngoại.

Ngược lại, quần áo màu xanh nhạt, bao gồm cả xanh lục và xanh lam, có thể giúp chống muỗi tốt hơn. Quân đội Mỹ đã sử dụng kiến thức này để quyết định đổi màu trang phục của binh sĩ trong môi trường nhiệt đới từ xanh đậm sang xanh nhạt.

Mặc quần áo màu gì, làm từ loại vải nào thì ít bị muỗi đốt nhất?- Ảnh 5.

Đừng mặc quần áo màu đỏ và cam, hãy mặc màu xanh nếu bạn muốn chống muỗi.

Tóm lại, bài học rút ra ở đây là gì? Nếu bạn không thể thay đổi nhóm máu O của mình, không thể nín thở để giảm nồng độ CO2, mặc quần áo rộng hơn, bằng vải polyester và màu xanh nhạt sẽ giúp bạn chống muỗi hiệu quả.

Đó sẽ là ý tưởng tuyệt vời để lên "outfit" cho một buổi tập ở phòng gym hoặc chạy bộ ngoài công viên, nhất là khi bạn đang toát mồ hôi và có khả năng nằm dưới radar tầm soát hồng ngoại của loài muỗi.

Nguồn: Tham khảo Sciencealert, Nature, Science

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại