Mạc Hồng Quân đang có mùa bóng ấn tượng trong màu áo Than Quảng Ninh. Thi đấu trong vai trò tiền vệ số 8, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Sparta Prague đã ghi tới 8 bàn từ đầu mùa cho đội bóng đất Mỏ và là nhân tố sáng giá trong đợt tập trung tới của tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt phong độ cao và khẳng định tên tuổi ở Than Quảng Ninh, Hồng Quân đã trải qua những khoảnh khắc rất khó khăn trong sự nghiệp như giai đoạn hoà nhập sau khi về nước hay biến cố ở SEA Games 28.
Trong cuộc trò chuyện với VTC News, chân sút mở đường cho làn sóng Việt kiều ở tuyển Việt Nam khẳng định điểm tựa gia đình đã giúp anh vượt qua bão giông để vững bước sự nghiệp.
- Than Quảng Ninh đang có một mùa giải tốt với vị trí thứ 3 V-League. Cá nhân Mạc Hồng Quân cũng chơi rất tốt khi dẫn đầu danh sách ghi bàn cho đội bóng và trở thành mắt xích không thể thay thế. Anh có hài lòng với phong độ của mình?
Than Quảng Ninh mới đá được 15 trận, nên để đánh giá kết quả cuối cùng thì phải đợi đến hết 26 vòng đấu. Trước mắt, toàn đội sẽ cố hết sức để hoàn thành những chỉ tiêu đề ra, thi đấu thật tốt để mang lại niềm vui cho CĐV cũng như chủ tịch đội bóng.
- Anh có tự đặt cho mình mục tiêu cá nhân hay thành tích cá nhân phải đạt được như số bàn thắng, số kiến tạo,...?
Đối với tôi, ghi bàn hay không không quan trọng. Được thi đấu, cống hiến cho CLB và đóng góp vào thành công chung mới quan trọng hơn. Ai ghi bàn không quan trọng lắm.
- Cách đây 4 năm, Mạc Hồng Quân từng có kỳ SEA Games không thành công cùng U23 Việt Nam. Toàn đội giành huy chương đồng nhưng có trận bán kết đáng quên với U23 Myanmar trước đó (thua 1-2), trận đấu mà anh đã bỏ lỡ nhiều cơ hội ghi bàn và bị không ít CĐV chỉ trích. Đó là khoảng thời gian tương đối khó khăn với Quân?
Gặp tình huống ấy, tôi khá bỡ ngỡ, khá buồn vì đọc những bình luận như thế. Sau này, tôi có nghe một vài người bạn cũng từng trải qua tình huống tương tự có nói là "người ta nói mình trên mạng như vậy, xong cũng đi làm việc khác, có khi không quan tâm đến nữa, trong khi mình suy nghĩ về việc đó cả ngày, cả tháng".
Sau những việc như vậy, tôi cũng hạn chế đọc những bình luận, chỉ trích trên mạng xã hội hay trên báo chí. Nhiều khi, cố gắng làm việc mình cho là đúng, làm tốt nhất có thể để trước mắt hài lòng với bản thân và làm gia đình hài lòng.
- Sức ép từ dư luận là điều khó tránh khỏi đối với các cầu thủ và không phải ai cũng có đủ dũng khí để vượt qua. Anh có lời khuyên gì cho những cầu thủ khi mạng xã hội và khán giả đang ngày càng chi phối đến cuộc sống cũng như phong độ của họ nhiều hơn?
Khi gặp khó khăn, tôi luôn nhớ về lúc bắt đầu. Tôi từ bỏ con đường học vấn hay những niềm đam mê khác để đi theo bóng đá. Hiện tại, bóng đá cho tôi công việc, thu nhập ổn định thì không có lý do gì để từ bỏ. Đam mê là khởi đầu con đường chơi bóng chuyên nghiệp, mình phải cố gắng. Lúc nào cũng có khó khăn nhưng luôn phải suy nghĩ về những cái tốt đẹp sau này; gia đình, bạn bè và những cổ động viên mà tôi coi như bạn bè luôn ở bên cạnh, thúc đẩy, động viên.
- HLV Mai Đức Chung từng kể rằng khi ông đến gặp gia đình anh ở Cộng Hòa Séc thì anh đang ôn thi. Có phải anh đã có một dự định khác nếu không trở về Việt Nam làm cầu thủ?
Ở nước ngoài, cầu thủ trong học viện bóng đá đều phải đi học. Từ lớp 1 đến lớp 7, tôi đều học ở trường chuyên nên nếu không đi theo sự nghiệp bóng đá, tôi có thể quay trở lại con đường học vấn. Thời điểm ký bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên là tôi xác định sẽ theo bóng đá rồi, gần như là không thể theo đuổi cả bóng đá lẫn học hành.
Đến lớp 12 thì ai cũng phải ôn thi thôi. Đó cũng là chuyện bình thường, giống như các bạn trẻ bây giờ ở CLB cũng phải ôn thi tốt nghiệp cấp 3.
- Filip Nguyễn có nhắc đến Mạc Hồng Quân trong một bài tự thuật trên báo Séc, kể rằng anh đá ở đội trẻ Sparta Prague "khủng" lắm. Rất nhiều người ở Séc cũng biết đến anh. Cơ duyên nào đã đưa anh đến một lò đào tạo nổi tiếng như vậy?
Chuyện đó thật ra buồn cười lắm. Khi được bố cho theo học đá bóng ở Séc năm 8 tuổi, tôi xác định chỉ đá bóng cho vui. Khi ấy, tôi khá mập nên đi đá bóng cho có chút vận động thể thao để giảm cân, khỏe người. Cứ đá dần, từ cầu thủ dự bị được đá 1, 2 trận rồi lên U15, tôi được tuyển chọn đi đá giải các tỉnh. Đội tôi về nhì và có rất nhiều người liên hệ, cả người đại diện.
"Tôi là người Việt Nam sống ở nước ngoài, chứ không coi mình là Việt kiều như cách mọi người gọi.", Mạc Hồng Quân
Mọi thứ diễn ra rất nhanh. Tôi cũng hâm mộ Sparta Prague từ bé nên quyết định cũng rất dễ dàng. Sau khi ký hợp đồng chuyên nghiệp, tôi vào tập luyện và được ưu ái giao băng đội trưởng. Lúc đó, tôi cũng nghĩ bình thường thôi, cố gắng ngày nào đó được lên đội 1.
Có nhiều yếu tố khiến việc từ lứa U19 lên đội lớn là điều rất khó đối với các cầu thủ trẻ ở Séc. Ngoài ra còn một vấn đề khác mà Filip từng đề cập là phân biệt chủng tộc. Ở Séc, không phải ai cũng có tư tưởng phân biệt, nhưng vẫn sót lại vài người như vậy.
Tại Sparta Prague có một HLV phụ trách tất cả các khối trẻ. Khi HLV mới về, ông ấy không ưa tôi lắm và gửi đi CLB khác theo dạng cho mượn. Tôi đang là đội trưởng đội trẻ nên không muốn đi các đội khác. Đúng lúc bác Mai Đức Chung sang, có ngỏ lời (về việc chơi bóng ở Việt Nam - PV), thấy hợp lý nên tôi về thử xem thế nào.
Sau giải U22, có đội Thanh Hóa cũng như một vài đội V-League liên hệ. Tôi đã đi đến quyết định rất nhanh vì nghĩ đây là một thử thách mới, còn ở lại Séc sang giải hạng hai hạng ba thì không biết bao giờ mới quay lại được.
- HLV Mai Đức Chung kể rằng khi hỏi anh có muốn về Việt Nam thi đấu không thì nhận được câu trả lời "cháu là người Việt Nam mà". Đó là một câu nói rất ấn tượng đấy.
Tôi sinh ra ở Việt Nam, 8 tuổi mới sang Séc. Bố mẹ luôn giáo dục theo cách hướng về gia đình, không phải theo phong cách châu Âu. Trong đầu, tôi cũng suy nghĩ như bố mẹ dạy, là người Việt Nam sống ở nước ngoài, chứ không coi mình là Việt kiều như cách mọi người gọi.
- Đó có vẻ chính là yếu tố thuận lợi cho cá nhân anh trong việc hòa nhập? Nhiều người nói Mạc Hồng Quân chẳng khác gì cầu thủ bản địa.
Bố mẹ luôn dạy phải hướng về quê hương nên việc hoà nhập có lẽ cũng tốt hơn các bạn khác. Thứ nhất, tôi biết tiếng Việt, quen với ẩm thực Việt Nam. Phong tục đi chùa, đi lễ, thắp hương, cúng bái... tôi cũng biết do bố mẹ, ông bà luôn chú tâm đến việc đấy.
Khó khăn nhất lúc về là kết nối anh em, bạn bè xung quanh cũng như mọi người ở đây để cố gắng hòa nhập nhanh nhất có thể với môi trường Việt Nam, chưa nói đến bóng đá mà ngay từ cuộc sống.
- Có lẽ không nhiều cầu thủ Việt Nam chơi bóng ở nước ngoài có được nền tảng tốt được như anh để hoà nhập trong môi trường mới. Trường hợp của Filip Nguyễn thì sao?
Tôi nghĩ rào cản lớn nhất của Filip Nguyễn là chưa biết tiếng Việt. Filip có nói chuyện với tôi rất nhiều và tôi cũng khuyên cậu ấy cố gắng học tiếng Việt dần dần.
Vị trí thủ môn không cần giao tiếp quá nhiều, nhưng một vài câu cơ bản cũng phải biết để chỉ đạo các cầu thủ tuyến trên. Những giao tiếp đời sống hàng ngày thì dùng tiếng Anh xong sẽ học dần các từ tiếng Việt, tôi nghĩ không có vấn đề gì.
Còn việc Filip về Việt Nam, tôi cũng chưa hỏi vì chưa biết thông tin đấy. Đó là việc của Filip và Liên đoàn bóng đá Việt Nam .
- Thời Mạc Hồng Quân mới về, người ta ít nói đến chuyện cầu thủ Việt kiều đá cho ĐTQG, nhưng bây giờ thì cầu thủ Việt kiều được quan tâm hơn nhiều. Dường như sự chú ý ấy là hơi lớn?
Ở bên Séc, tôi là cầu thủ Việt Nam đầu tiên được thi đấu ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Trước tôi, không có một ai vào đến đội U16 của một CLB lớn như Sparta Prague. Sau này Quân nghĩ thế hệ thứ hai, thứ ba... sẽ có nhiều cầu thủ tài năng hơn và rõ ràng họ muốn về cống hiến là chuyện tốt.
Việc báo chí chú ý nhiều đến họ thì cũng khó nói vì quan trọng là ý thức họ, có muốn về khoác áo đội tuyển Việt Nam hay không và trình độ có đủ cho HLV chọn hay không.
Các bạn nói nhiều đến Việt kiều cũng là áp lực cho cầu thủ. Chuyện đó có nhiều mặt. Mặt tốt là nhiều người biết đến hơn nhưng áp lực cũng rất nhiều.
- Là một trong số ít các cầu thủ từng chơi bóng ở cả châu Âu và Việt Nam, anh có thể làm rõ sự khác biệt giữa hai môi trường bóng đá. Dường như cầu thủ Việt Nam sang châu Âu chơi bóng và cầu thủ Việt kiều về Việt Nam chơi bóng cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định.
So sánh bóng đá Việt Nam và châu Âu rất khập khiễng. bóng đá Việt Nam phát triển tốt trong vài năm trở lại đây, có nhiều lò đào tạo, học viện bóng đá chuyên nghiệp nhưng để so với bóng đá châu Âu thì khó.
Ví dụ, mỗi làng ở châu Âu đều có một đội bóng, mấy cấp độ trẻ ít thì cũng phải U15, U17, U19, dần dần xuống U13. Họ đào tạo cầu thủ từ bé, 6 tuổi đã đi theo các CLB địa phương, lớn hơn là cấp học viện sau rồi đến các CLB nổi tiếng.
Đó là điều mà Quân nghĩ là khác biệt vì trong đào tạo hầu như họ không bỏ sót tài năng bóng đá nào. Ở Việt Nam, tìm kiếm tài năng vẫn là vấn đề rất khó vì nhiều bạn trẻ không có cơ hội đến với bóng đá. Nhiều đội phải vận động gia đình cho con cái đi theo bóng đá. Mạng lưới tìm kiếm tài năng của họ rất khác so với mình.
- Có thâm niên đá cho đội trẻ, phong độ trong màu áo CLB tương đối tốt và khả năng đã được kiểm chứng, nhưng Hồng Quân vẫn lỡ hẹn với các đợt tập trung ĐTQG từ năm 2017. Anh nghĩ thế nào về điều này, dường như màn trình diễn ở Than Quảng Ninh cũng là cách để anh khẳng định với HLV Park Hang Seo về việc mình xứng đáng được đứng trong hàng ngũ tuyển Việt Nam?
Tôi nghĩ là một khi đã thi đấu ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp cầu thủ nào cũng có khát khao cống hiến cho đội tuyển, trừ những cầu thủ đã giải nghệ hoặc từ giã.
Trước hết phải cống hiến cho CLB, còn khao khát khoác áo đội tuyển là đương nhiên và Quân cũng vậy; gia đình, bạn bè cũng động viên tôi rất nhiều. Tôi được đào tạo ở môi trường tốt nên về Việt Nam phải cố gắng để không thua thiệt so với đồng nghiệp, cố gắng quay trở lại ĐTQG để những người luôn đứng sau mình có thể tự hào.
- Hai năm qua mọi người nói rất nhiều đến HLV Park Hang Seo. Anh có tò mò về chuyện làm việc với HLV Park Hang Seo sẽ như thế nào không?
Rõ ràng ai cũng vậy thôi, khi chưa làm việc, chưa biết một điều gì đấy thì sẽ tò mò. Tôi nghĩ, HLV Park hay HLV nào khác, đã dẫn dắt ĐTQG thì phải rất giỏi. HLV Park Hang Seo đã làm những việc chưa từng có đối với bóng đá Việt Nam. Chắc chắn ông ấy phải giỏi mới làm được như vậy.
Tò mò thì cũng có tò mò. Dù là ông Park hay HLV nào khác, nếu tôi chưa làm việc cùng thì đương nhiên tôi tò mò xem cách làm việc của họ như thế nào.
- Anh nhận thấy sự khác biệt nào từ các đồng đội cũ của mình ở ĐTQG hay đội trẻ trong 2 năm qua, ngoài việc họ trưởng thành và dày dạn kinh nghiệm hơn trước?
Đơn cử như Hùng Dũng là trường hợp mà 2 năm vừa rồi có phong độ rất cao. Trước đây không ai để ý nhưng hiện tại, cậu ấy là một trong những tiền vệ xuất sắc bậc nhất V-League. Đấy là trường hợp luôn cố gắng, luôn phấn đấu không bao giờ từ bỏ. Hùng Dũng luôn có ý chí như vậy và là cầu thủ rất chuyên nghiệp. Dũng phát triển tốt dưới thời HLV Park Hang Seo.
- Mùa này phong độ của anh rất tốt. Rất nhiều người tin rằng anh có thể trở lại đội tuyển ở lần tập trung trước, nhưng điều đó không xảy ra. Anh cảm thấy như thế nào?
Tôi thấy mọi người bàn tán về danh sách nhiều quá, tạo thành áp lực cho cả các cầu thủ. Ai được gọi, ai không được gọi là quyết định của HLV. Họ có lý do riêng để gọi cầu thủ này, không gọi cầu thủ kia. Nếu để gọi tất cả cầu thủ có phong độ cao thì có khi mỗi đợt tập trung phải có 50, 60 người.
Mỗi HLV có lựa chọn riêng và ai cũng vậy thôi, phải nỗ lực cống hiến cho CLB và nếu được gọi thì rất vinh dự không chỉ riêng cho Quân mà cho cả CLB, gia đình .
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!