Trong 20 năm qua, ngành công nghiệp chip bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới. Giai đoạn 2001 - 2021, ngành công nghiệp chip bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Ngành chip bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030, theo Gartner - công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới.
Theo SCMP, ngành công nghiệp chip bán dẫn của Trung Quốc đang tiếp tục có những bước tiến đáng kể trong việc cải tiến các công cụ quang khắc trong nước, nhưng các nhà phân tích cho rằng nước này vẫn chưa có những bước tiến lớn để bắt kịp công ty ASML của Hà Lan.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), đơn vị giám sát ngành công nghiệp chip của Trung Quốc, đầu tháng này đã công bố danh sách các công cụ mới với mục đích thúc đẩy các nhà sản xuất chip trong nước sử dụng chúng.
Trong khi danh sách này bao gồm một loạt các công cụ được sử dụng trong nhiều bộ phận khác nhau của quy trình sản xuất - từ sản xuất mạch tích hợp đến khai thác mỏ và luyện kim - thì hai máy quét thạch bản nói riêng đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế như một dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ mới nhất đang đạt được ở đất nước này.
Một trong những máy quét mang nguồn sáng krypton-fluoride (KrF) có bước sóng 248 nanomet và độ chính xác phủ dưới 25nm, có khả năng tạo ra độ phân giải sản xuất là 110nm trên các tấm wafer 12 inch, theo tài liệu của MIIT. Hệ thống còn lại sử dụng nguồn sáng argon fluoride (ArF) tiên tiến hơn có bước sóng 193nm và độ chính xác phủ dưới 8nm, hỗ trợ độ phân giải sản xuất là 65nm trên các tấm wafer 12 inch.
Mới đây, Trung Quốc đã xác lập 2 kỷ lục đáng kinh ngạc trong lĩnh vực chip bán dẫn. Đó là, sản xuất hàng loạt chip điều chỉnh chất lượng hình ảnh RRAM 28nm đầu tiên trên thế giới và chip vi xử lý bán dẫn bit lượng tử 16 bit đầu tiên.
Theo TrendForce, công ty Xianxin Technology (Trung Quốc) đã hợp tác với các viện nghiên cứu trong nước để phát triển thành công chip điều chỉnh chất lượng hình ảnh RRAM 28nm. Chip này hiện đã được sản xuất hàng loạt và ứng dụng trong các dòng TV Mini LED cao cấp, giải quyết triệt để những thách thức về chi phí cao và tốc độ đọc chậm của thiết bị bộ nhớ. Đáng chú ý, chip tích hợp IP RRAM trực tiếp trên quy trình 28nm giúp giảm chi phí, kích thước nhỏ gọn và hiệu quả vượt trội.
Song song đó, nhóm nghiên cứu từ Đại học Bách khoa Hồng Kông (HKPU) đã phát triển chip vi xử lý bán dẫn bit lượng tử 16 bit đầu tiên, mở ra khả năng mô phỏng chính xác các quang phổ phân tử phức tạp. Được tích hợp trên một chip duy nhất, hệ thống này còn bao gồm cả mô-đun điều khiển, phần mềm, và thuật toán lượng tử lập trình, hướng tới ứng dụng trong các bài toán tính toán phức tạp như tối ưu hóa phản ứng phân tử hay mô phỏng cấu trúc protein.