Ma túy 'xác sống' gây tử vong kỷ lục trong Lục quân Mỹ

Thu Hằng |

Fentanyl là loại thuốc phiện tổng hợp dễ gây chết người, đã tấn công Lục quân Mỹ nặng nề nhất trong số các quân chủng.

Ma túy xác sống gây tử vong kỷ lục trong Lục quân Mỹ - Ảnh 1.

Các binh sĩ thuộc Sư đoàn Dù 82 chuẩn bị lên máy bay tại căn cứ Fort Liberty, North Carolina vào ngày 4/1/2020. Ảnh: AP

Cha mẹ của trung sĩ Ronald Conley muốn biết con trai họ nằm chết trên sàn phòng tắm bao nhiêu ngày do ngộ độc fentanyl mà quân đội không hề hay biết. Anh trai của Kue Vue thì đặt câu hỏi, làm thế nào mà cậu trung sĩ nghiêm túc lại sa vào ma túy. Còn cha mẹ của Ari McGuire thắc mắc tại sao con họ không được đưa đi điều trị ngay lập tức khi anh có các triệu chứng nghiện trong một buổi tập luyện.

Không gia đình nào mong đợi họ sẽ nhận được những câu trả lời đầy đủ về việc con em họ đã chết vì fentanyl như thế nào.

Báo động nạn fentanyl trong quân đội

Fentanyl là loại thuốc phiện tổng hợp gây chết người, còn được gọi là "ma túy xác sống", đã tấn công Lục quân Mỹ nặng nề nhất trong số các quân chủng và gây ra số ca tử vong do quá liều kỷ lục vào năm 2021 - theo tờ Washington Post.

Nạn lạm dụng ma túy báo động trong quân đội đã khiến các nhà lập pháp phải lên tiếng. Hồi cuối tháng 5, họ đã đưa ra dự luật buộc Lầu Năm Góc công khai dữ liệu về tình trạng sử dụng ma túy quá liều mỗi năm, cũng như cải thiện việc điều trị cho các thành viên bị nghiện. Dự luật được đưa ra khi các chuyên gia cho rằng quân đội đã thực hiện kém việc theo dõi sử dụng thuốc quá liều, vốn đã gia tăng trong các quân nhân tại ngũ trong hai năm qua. Các biện pháp phòng ngừa, bao gồm xét nghiệm nước tiểu và phục hồi chức năng, thì không đạt được hiệu quả.

Thượng nghị sĩ Edward J. Markey và 5 nhà lập pháp khác, tác giả của dự luật trên, cũng chỉ ra rằng số ca tử vong do dùng ma túy quá liều ngày càng tăng tại căn cứ Fort Liberty, bang North Carolina và các căn cứ khác của Lục quân. Ông cảnh báo rằng “hàng trăm quân nhân đã thiệt mạng vì dùng ma túy quá liều và hàng ngàn người khác suýt tử vong".

Ma túy xác sống gây tử vong kỷ lục trong Lục quân Mỹ - Ảnh 2.

Trung sĩ Kue Vue (giữa) cùng cha mẹ. Kue Vue tử vong vì dùng quá liều cocaine pha với fentanyl vào ngày 28/3/2022. Ảnh: Washington Post

Hạ nghị sĩ Seth Moulton đã gọi việc sử dụng ma túy quá liều trong toàn quân đội Mỹ là “một sự thất bại về thể chế và là mối đe dọa đối với nền quốc phòng của chúng ta.”

Việc thiếu dữ liệu rõ ràng càng trở nên phức tạp hơn do sự xuất hiện của fentanyl, chất ma túy tổng hợp gây ra mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng vì khả năng gây chết người và xu hướng pha trộn với các loại thuốc khác hoặc ngụy trang dưới dạng thuốc kê đơn.

Lục quân Mỹ đã mất 127 binh sĩ vì fentanyl từ năm 2015 đến năm 2022, theo hồ sơ mà tờ Washington Post có được thông qua Đạo luật Tự do Thông tin. Con số này nhiều hơn gấp đôi số quân nhân thiệt mạng trong các trận chiến ở Afghanistan trong cùng thời kỳ đó.

Ít nhất 27 binh sĩ đã chết vì fentanyl chỉ trong năm 2021, năm tổn thất nhất của Lục quân Mỹ. Lầu Năm Góc đã báo cáo với các nhà lập pháp trong một bức thư rằng fentanyl đã khiến hơn một nửa trong số 332 quân nhân chết vì ma túy từ năm 2017 đến năm 2021. Hơn 15.000 binh sĩ đã dùng ma túy quá liều nhưng vẫn sống sót trong khoảng thời gian đó.

Làn sóng gia tăng chết chóc của fentanyl

Ngoài thiệt hại sinh mạng cá nhân, các chuyên gia nhấn mạnh rằng nạn lạm dụng ma túy trong quân đội có thể làm suy yếu sự sẵn sàng và gắn kết của đơn vị. Lầu Năm Góc đã thừa nhận việc sử dụng ma túy là một vấn đề đối với quân đội và Lục quân cho biết họ đang tập trung giải quyết vấn đề này.

“Chăm sóc mọi người, bao gồm cả việc ngăn chặn lạm dụng thuốc kê đơn hoặc thuốc bất hợp pháp, là ưu tiên hàng đầu của Lục quân. Một lần dùng ma túy quá liều là quá nhiều", phát ngôn viên Heather Hagan trả lời phỏng vấn của Washington Post.

Ma túy xác sống gây tử vong kỷ lục trong Lục quân Mỹ - Ảnh 3.

Những viên thuốc oxycodone giả có tẩm fentanyl được thu thập trong một cuộc điều tra. Ảnh: AP

Một số gia đình nói rằng, họ tin tưởng người thân của họ không có thói quen sử dụng ma túy trước khi nhập ngũ. Đối với nhiều gia đình, việc lạm dụng ma túy đặc biệt đau đớn vì họ tin tưởng quân đội sẽ nuôi dưỡng con cái họ và mang đến cho chúng một tương lai tươi sáng.

Carole DeNola, người có con trai tên Ari McGuire, chết vì dùng quá liều fentanyl vào năm 2019, đã thúc giục các quan chức quân đội can thiệp sớm hơn khi họ biết về nạn lạm dụng ma túy. Một cuộc điều tra của Lục quân về cái chết của con trai bà cho biết các chỉ huy của cậu ta lẽ ra phải thực hiện "các bước tích cực hơn để tìm cách cai nghiện" cho McGuire.

"Điểm nóng" North Carolina

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng tỷ lệ trên 100.000 thành viên của quân đội chết vì bất kỳ loại ma túy quá liều nào vẫn thấp hơn tỷ lệ quốc gia đối với dân thường. Tuy nhiên, tại một số điểm nóng, như bang North Carolina và tiểu bang Washington, tỷ lệ tử vong do ma túy của quân nhân cao gần bằng với phần còn lại của tiểu bang. Bang Texas, nơi có khoảng 17% quân nhân nhập ngũ Lục quân, có tỷ lệ binh sĩ tử vong cao hơn dân số bang nói chung.

Hiện nay, Fort Liberty, căn cứ của Sư đoàn Dù 82 và Bộ Tư lệnh Hoạt động Đặc biệt của Lục quân, có thành viên sử dụng ma túy quá liều nhiều hơn bất kỳ cơ sở nào khác của Lục quân. Ít nhất 29 binh sĩ được giao nhiệm vụ đã tử vong vì fentanyl từ năm 2015 đến năm 2022, theo dữ liệu mà Washington Post thu được

Ma túy xác sống gây tử vong kỷ lục trong Lục quân Mỹ - Ảnh 4.

Anh lính Ari McGuire (giữa) cùng cha mẹ. Ảnh: W.P

Fentanyl là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người Mỹ từ 18 đến 49 tuổi. Loại thuốc phiện tổng hợp này mạnh gấp 50 lần so với heroin và tính nhỏ gọn của nó khiến việc buôn lậu dễ ​​dàng hơn nhiều.

Bất chấp số lượng người Mỹ tử vong kỷ lục vì fentanyl, các quan chức liên bang đã phản ứng chậm chạp. Cảnh sát chống ma túy Mỹ nói rằng gần như không thể ngăn chặn dòng chảy của fentanyl.

Fentanyl sản xuất nhanh và dễ dàng hơn so với các chất ma túy có nguồn gốc từ thực vật như heroin. Nó có thể được sản xuất trong một phòng thí nghiệm nhỏ với các hóa chất tương đối dễ tiếp cận. Toàn bộ quá trình để ra thành phẩm có thể chỉ mất vài ngày.

Chính quyền Mỹ đã liên tiếp thất bại trong việc triển khai công nghệ để phát hiện các loại thuốc này. Và khi nạn buôn bán fentanyl bùng nổ, hợp tác chống ma túy với Mexico lại trở nên xấu đi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại