Vào thời điểm này, BTC giải VĐQG Malaysia (M-League) cũng như rất nhiều giải đấu khác trong khu vực Đông Nam Á đều đang rất đau đầu để sắp xếp lại thời gian tổ chức khi đại dịch COVID-19 qua đi. Tất cả đều chưa thể khẳng định bất cứ điều gì khi dịch bệnh vẫn có những diễn biến hết sức khó lường.
Giải VĐQG Malaysia đang tính đến phương án tổ chức theo "lịch châu Âu" (Ảnh: Bernama).
Giải VĐQG Thái Lan (Thai League) là giải đấu đầu tiên tuyên bố thay đổi thể thức chuyển sang đá theo "lịch châu Âu" với việc mùa giải khởi tranh vào mùa Thu và kết thúc vào mùa Hè năm sau. Điều này giúp các CLB Thái Lan có thêm thời gian để chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho ngày trở lại của giải đấu. Mô hình này của Thái Lan đã nhận được những phản hồi trái chiều từ các nước trong khu vực nhưng phía BTC M-League cũng đang cân nhắc đến phương án tổ chức giải tương tự như Thái Lan.
Tuy nhiên, việc tổ chức các giải VĐQG theo lịch châu Âu sẽ gây xáo trộn đến nhiều hoạt động bóng đá khác trong khu vực, đặc biệt là AFF Cup 2020. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng Thái Lan cũng như Malaysia đã xem nhẹ AFF Cup?
Có bắt buộc phải tổ chức giải VĐQG theo "lịch châu Âu"?
Câu trả lời là không bởi vào lúc này AFC cũng như FIFA chưa đưa ra bất cứ hướng dẫn cụ thể nào cho ngày trở lại của các giải đấu VĐQG sau khi dịch COVID-19 kết thúc. Các giải đấu sẽ có quãng thời gian trở lại phù hợp với tình hình dịch bệnh của mỗi nước. Sở dĩ Thái Lan hay phần nào đó là Malaysia chon "lịch châu Âu" là do họ muốn chắc chắn các CLB sẽ có thêm thời gian để củng cố lại tất cả mọi điều kiện trước khi giải đấu được trở lại.
Bên cạnh đó, việc tổ chức theo "lịch châu Âu" cũng giúp các giải VĐQG ở Thái Lan hay Malaysia có thêm cơ hội để hoàn tất mùa giải một cách bình thường theo đúng thể thức đá vòng tròn hai lượt mà không cần có những thay đổi quá lớn, gây thêm những ảnh hưởng lớn đến cấu trúc giải đấu vốn đã bị tàn phá nặng nề bởi dịch bệnh.
Thái Lan và Malaysia "xem nhẹ" AFF Cup?
Có thể khẳng định, dù là giải đấu không thuộc hệ thống chính thức của FIFA nhưng AFF Cup là giải đấu có truyền thống và có sức hút lớn trong khu vực. tính cạnh tranh và sự ganh đua của giải đấu này là điều không ai ở Đông Nam Á có thể bàn cãi.
Ở một khu vực mà bóng đá như một thứ "tôn giáo" hàng đầu với hơn 600 triệu "tín đồ" cùng sự đa dạng văn hóa, AFF Cup giống như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Dù các đội tuyển bóng đá trong khu vực có đạt đến thành tích gì ở cấp châu lục thì AFF Cup vẫn giống như một nơi để các nền bóng đá khẳng định tham vọng cùng sự phát triển.
Chính vì thế, nếu chỉ nhìn vào việc Thái Lan và Malaysia thay đổi thể thức giải VĐQG mà cho rằng họ xem nhẹ AFF Cup là quá phiến diện. Có thể họ sẽ không dự giải với đội hình mạnh nhất nhưng khát khao vô địch cùng quyết tâm thể hiện hình ảnh trên sân của họ là không thay đổi.
Nếu cả Đông Nam Á thay đổi, AFF Cup có bị dời lịch?
Việc AFF Cup dời lịch cũng chưa phải là không có tiền lệ. Năm 2006, khi giải đấu lần đầu tiên không tiếp tục gắn bó với nhà tài trợ Tiger, AFF đã quyết định dời lịch thi đấu từ cuối năm 2006 sang đầu năm 2007 do trùng thời gian tổ chức với ASIAD 2006 và cũng là để có thêm thời gian tìm nhà tài trợ mới cho giải.
Do đó, nếu tất cả (hoặc phần đông) các giải VĐQG trong khu vực Đông Nam Á cùng chuyển thời gian tổ chức sau dịch COVID-19 sang "lịch châu Âu" và có những động thái yêu cầu AFF Cup xem xét khả năng dời giải đấu sang một thời điểm khác trong năm 2021 cũng hoàn toàn là phương án có thể xảy ra. Khi đó, AFF Cup hoàn toàn có thể được tổ chức vào tháng 1/2021, trùng với thời điểm "nghỉ Đông" của các giải VĐQG trước khi trở lại guồng quay bình thường từ những giải đấu sau đó.
Rõ ràng, lịch trình thi đấu của bóng đá Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng quá nhiều bởi COVID-19 và điều đó khiến các nhà quản lý kho có thể tính xa được ở thời điểm này. Vì vậy, thay vì khẳng định đội bóng nào đó trong khu vực "xem nhẹ" AFF Cup hay không, các bên liên quan cần có những cuộc thảo luận chi tiết để từng bước tháo gỡ những khó khăn trước khi đi đến thống nhất để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các giải đấu.