Ly kỳ vụ bắt giữ ông trùm Hội Tam Hoàng khét tiếng vừa bị Mỹ trừng phạt

Vương Nam |

Với thế lực ở Ma Cao vào những năm 1990, Wan Kuok-koi Doãn Quốc Câu ông trùm Hội Tam Hoàng vừa bị Mỹ trừng phạt tưởng rằng mình là bất khả xâm phạm cho đến khi gặp phải đối thủ.

Ly kỳ vụ bắt giữ ông trùm Hội Tam Hoàng khét tiếng vừa bị Mỹ trừng phạt - Ảnh 1.

Wan Kuok-koi (Doãn Quốc Câu) – ông trùm Hội Tam Hoàng – lớn lên trong cảnh nghèo khó (ảnh: Asia Times)

Sinh năm 1955 và lớn lên ở khu ổ chuột Ma Cao, Doãn có tuổi thơ nghèo khó và phải bươn chải kiếm sống trên các con phố từ khi còn rất nhỏ. Ma Cao khi đó vẫn là thuộc địa của Bồ Đào Nha, chưa được trao trả cho Trung Quốc.

Doãn gia nhập một số băng nhóm thanh niên đường phố và mang trên mình những vết sẹo trong những cuộc chiến giành giật địa bàn. Ông trùm Hội Tam Hoàng từng bị trúng đạn 2 lần và bị thương rất nặng do bị đối phương chém bằng dao chặt xương.

Trong một vụ ẩu đả lớn, Doãn mất 9 chiếc răng và có biệt hiệt “Răng sứt”. Sống sót qua những trận ác chiến, thứ bậc giang hồ của Doãn dần cao lên và cuối cùng trở thành một trong những ông trùm của Hội Tam Hoàng, kiểm soát phần lớn các sòng bạc ở Ma Cao.

Tiền của của Doãn chủ yếu đến từ những sòng bạc hạng VIP của Ma Cao. Dưới tay là vài trăm “đệ tử”, Doãn không ngừng mở rộng địa bàn hoạt động.

Doãn còn tự cao đến mức tự đầu tư tiền để làm phim về cuộc đời mình. Việc ông trùm xã hội đen cho đàn em chặn xe 2 đầu cầu Taipa để quay phim khiến dư luận Ma Cao “dậy sóng” một thời.

Tuy nhiên, đây cũng là hành động đáng chú ý cuối cùng của Doãn trước khi bị bắt vào năm 1999. Việc ông trùm họ Doãn ngày càng khoa trương thế lực ở Ma Cao khiến chính quyền thuộc địa Bồ Đào Nha hành động.

Antonio Marques Baptista – công tố viên từ Lisbon (thủ đô Bồ Đào Nha) – được điều tới Ma Cao để trấn áp các băng đảng tội phạm có tổ chức, mục tiêu chính là Doãn Quốc Câu.

Ông Baptista có biệt danh là “Mr. Rambo” vì vóc dáng lực lưỡng và bộ râu rậm trông khá dữ tợn. Vừa đặt chân đến Ma Cao, Baptista đã không ngừng truy quét các tổ chức tội phạm, thậm chí còn trực tiếp bắt giữ tội phạm trên đường phố.

Tuy nhiên, khi điều tra ông trùm Doãn, Baptista đã vấp phải không ít trở ngại, chủ yếu đến từ việc nhiều thông tin điều tra bị bán ra ngoài. Cảnh sát địa phương tỏ ra ngần ngại, không dám động tới thế lực tội phạm lớn nhất Ma Cao. Nhiều sĩ quan cảnh sát lo sợ việc bị Doãn trả thù.

Doãn rõ ràng cũng biết mình đang bị công tố viên Baptista nhắm tới. Ngày 1.5.1998, khi Baptista đang chạy bộ cùng con chó của mình, chiếc xe ô tô của ông nổ tung. Cảnh sát cho rằng vụ đánh bom có liên quan đến ông trùm “Răng sứt”.

Ngay tối hôm đó, cảnh sát đột kích vào khách sạn nơi Doãn cùng đàn em đang dùng bữa tối.

Ly kỳ vụ bắt giữ ông trùm Hội Tam Hoàng khét tiếng vừa bị Mỹ trừng phạt - Ảnh 2.

Ra tù, Doãn Quốc Câu vẫn là ông trùm quyền lực của Hội Tam Hoàng (ảnh: Asia Times)

Không tìm ra bằng chứng cho thấy Doãn đứng sau vụ đánh bom, cảnh sát cáo buộc ông trùm xã hội đen có hành vi cho vay nặng lãi, gây thương tích.

Phiên tòa xét xử Doãn kéo dài và rất phức tạp. Nhiều nhân chứng ban đầu đứng ra cáo buộc tội trạng của Doãn nhưng đến phiên tòa thì lại “đột ngột mất trí nhớ”. Tuy nhiên, Doãn là người mà cảnh sát “không thể thả ra ngoài”.

Tháng 11.1999, Doãn bị tòa án kết án 15 năm tù về tội tổ chức đánh bạc bất hợp pháp, cho vay nặng lãi và cố ý gây thương tích. Đến năm 2012, Doãn được trả tự do, tiếp tục làm ông trùm của Hội Tam Hoàng.

Hôm 9.12, Bộ Tài chính Mỹ ra lệnh trừng phạt, cáo buộc Doãn – biệt hiệu “Răng sứt” – cùng băng 14K lợi dụng tổ chức Hiệp hội Văn hóa và Lịch sử Hồng Môn Thế giới như một công cụ để “tẩy trắng” bản thân.

Tập đoàn Dongmei tại Hong Kong do Doãn làm chủ cũng bị Mỹ trừng phạt. Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, bất kỳ tài sản nào ở Mỹ do Doãn làm chủ đều sẽ bị phong tỏa. Công dân Mỹ bị cấm làm ăn với ông trùm khét tiếng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại