Lý Hiển Long: Trung Quốc sẽ chẳng vui vẻ gì nếu hiệp định TPP "chết yểu"

Ngọc Việt |

The Straits Times trích đăng ý kiến của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về tác hại của việc TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi Tổng thống Barack Obama rời nhiệm sở.

Người đứng đầu chính phủ Singapore cho rằng, đó là một bước lùi rất lớn với uy tín của nước Mỹ trong vị thế cường quốc lớn nhất thế giới hiện nay. Không những vậy, việc Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chết yểu cũng khiến cho Trung Quốc – đối thủ của Mỹ - chẳng vui vẻ gì.

Theo ông Lý, TPP không đơn thuần là một hiệp định thương mại, mà còn là công cụ hiệu chỉnh chiến lược của Mỹ với cả đồng minh lẫn đối thủ trên thế giới. Vậy thì tại sao Bắc Kinh lại không vui khi TPP chết yểu, trong khi đó là thất bại của Washington ?

Trung Quốc gặt hái được rất nhiều lợi ích nếu TPP vận hành

Thứ nhất, dù bị "ra rìa" nhưng Trung Quốc lại là "sân sau chiến lược" không thể thiếu của TPP. Bởi lẽ, tổng giá trị giao dịch thương mại của 12 nước thành viên TPP chiếm tới 40% tổng giá trị thương mại toàn cầu, song giao dịch nội bộ giữa các thành viên TPP không lớn như vậy.

Với hơn 800 triệu dân, giao dịch thương mại giữa các thành viên TPP chủ yếu bao gồm hai nghiệp vụ kinh tế là mua và bán, cũng chủ yếu giữa hai thành phần người mua và người bán. Mà để gia tăng hoạt động mại thì phải có thành phấn thứ ba là người tiêu dùng.

Thị trường hơn 1,3 tỷ dân của Trung Quốc chính là "người tiêu dùng" tiềm năng của TPP. Thực ra, trong 12 thành viên TPP có tới 8 thành viên thuộc nhóm các quốc gia có hoạt động thương mại phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc, trong đó có cả Mỹ, Nhật, Singapore.

Với vai trò là bệ đỡ cho TPP vận hành, Trung Quốc sẽ khai thác được rất nhiều lợi ích khi trao đổi giữa các thành viên TPP gia tăng. Không những vậy, tham gia vào TPP phải có tiền và hàng hoá thì mới có lợi, trong khi đó nhiều thành viên TPP thiếu cả hai yếu tố đó.

Vì vậy, Bắc Kinh được cho là đã chuẩn bị cả tiền và hàng cung cấp cho nhiều thành viên TPP. Điều đó cho thấy giá trị Trung Quốc sẽ hiện diện trong các dòng lưu thông hàng hoá, tiền Trung Quốc sẽ có mặt trong các dòng lưu thông tiền tệ giữa thành viên TPP khi hiệp định này vận hành.

Như vậy, ở mức độ nào đó Bắc Kinh cũng chờ đợi Quốc hội Mỹ thông qua TPP không kém gì chính quyền Obama và các thành viên khác trong TPP.

Thứ hai, Trung Quốc đang là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ với hàng ngàn tỷ USD, đặc biệt là việc Bắc Kinh nắm giữ một lượng rất lớn trái phiếu chính phủ Mỹ. Lợi ích của Trung Quốc từ khoản cho vay này sẽ rất lớn nếu kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng cao.

Không những vậy, hiện nay có hàng trăm đơn vị kinh tế "mình ong xác ve" – "mình" Trung Quốc, "xác" Mỹ - hình thành sau các thương vụ mua bán và sáp nhập, sẵn sàng khai thác lợi ích mà kinh tế Mỹ có được từ các hiệp định thương mại tự do để chuyển về Trung Quốc.

Nghĩa là cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, cả tài chính công lẫn tài chính doanh nghiệp của Mỹ, đều có sự xâm nhập của những "virus" đến từ kinh tế Trung Quốc. Nếu TPP vận hành, những thực thể "mình ong xác ve" sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Trung Quốc đang bị giảm đà tăng trưởng.

Lý Hiển Long: Trung Quốc sẽ chẳng vui vẻ gì nếu hiệp định TPP chết yểu - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: International Business Times)

Thế giới lưỡng cực mới Mỹ - Trung khác hoàn toàn Mỹ - Liên Xô

Sau Thế chiến II, thế giới lưỡng cực Xô – Mỹ đã hình thành và tạo ra cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ. Đặc điểm của trật tự thế giới này là từ đối đầu quân sự dẫn đến đoạn giao về kinh tế. 

Từ đó hình thành và tồn tại hai hình thái kinh tế đối lập là kinh tế kế hoạch tập trung và kinh tế thị trường. Sự đối đầu về quân sự, sự khác biệt về kinh tế đã tạo nên ranh giới không thể xoá nhoà, không có điểm dung hoà giữa giữa hai chiến tuyến.

Tuy nhiên, thế giới lưỡng cực mới đang dần thành hình giữa Mỹ và Trung Quốc không hoàn toàn tạo ra ranh giới và sự đối lập cực đoan như vậy. Hai nước đều tìm cách khai thác lợi ích của đối phương, thậm chí dung hòa, chia sẻ với đối thủ trong những tình huống đặc biệt.

Vì vậy, cạnh tranh trong ngoại giao nước lớn hiện nay là rất khắc nghiệt với những nước nhỏ vì không hoàn toàn được "bảo kê" bởi các ông lớn, dù có là đồng minh hay đối tác chiến lược. 

Do đó, dù đứng ngoài TPP nhưng Trung Quốc vẫn có thể cùng Washington xây dựng cơ chế riêng để khai thác lợi ích từ TPP.

Nếu TPP không thể được Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời Obama thì Washington giảm uy tín và gặp khó khăn trong việc hiệu chỉnh chính sách với Nhật Bản và Australia, do cả hai đồng minh này rất trông chờ khai thác lợi ích từ TPP. 

TPP còn được xem là "lối thoát" của chương trình kinh tế Abenomics của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Tuy nhiên, khi TPP không vận hành thì những lợi ích kỳ vọng của Bắc Kinh từ hiệp định thương mại thế kỷ này trở thành ảo vọng, qua đó việc Bắc Kinh cùng với Washington tạo thế bập bênh để hiệu chỉnh đồng minh – đối tác theo ý của họ là không thể thực hiện được.

Nói tóm lại, khi TPP chỉ nằm trên bàn giấy thì để chiến thắng đối phương, phân hoá đối thủ, từ đó xây dựng những quan hệ đồng minh mới, Bắc Kinh phải đánh đổi lợi ích nhiều hơn so với khi TPP vận hành. 

Nói cách khác, Trung Quốc có thể dùng chính lợi ích khai thác được từ TPP để điều chỉnh cục diện theo ý mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại