Thị trưởng Washington D.C, Muriel Bowser, tham gia chuyến xe bus vận động cho tiểu bang thứ 51, trên đại lộ Pennsylvania Avenue vào tháng 9/2019. Ảnh: AP
Thủ đô của nước Mỹ là nơi sinh sống của hơn 700.000 dân, lớn hơn dân số của bang Wyoming hay Vermont. Nơi này đóng thuế liên bang/dân số nhiều hơn bất cứ tiểu bang nào. Nhưng Washington, D.C. vẫn không phải là một tiểu bang, đồng nghĩa họ không có phiếu đại diện ở Quốc hội.
Ngày 22/4 (theo giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm đưa thủ đô Washington trở thành tiểu bang thứ 51.
Năm ngoái, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát cũng đã thông qua dự luật tương tự, nhưng bị Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát bác bỏ. Tuy nhiên lần này, nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm đưa D.C trở thành tiểu bang thứ 51 đang đứng trước cơ hội tốt nhất, khi đảng Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội.
Dưới đây là những lý giải của tờ Washington Post quanh tranh cãi Washington D.C có nên được trao quy chế tiểu bang hay không.
Tại sao D.C không là một tiểu bang?
Hiến pháp Mỹ quy định rằng nơi đặt chính phủ quốc gia chỉ là một “quận” (tức là một đơn vị hành chính có diện tích không vượt quá 10 dặm vuông), để qua đó Quốc hội sẽ “thực hiện pháp luật một cách độc lập trong bất cứ trường hợp nào”. Theo Tổng thống thứ tư của Mỹ, James Madison, quan điểm "thủ đô chỉ là một đặc khu" là nhằm ngăn chặn việc bất cứ tiểu bang nào nắm giữ quá nhiều quyền lực với tư cách là “thủ đô” của chính phủ liên bang.
Thủ đô nước Mỹ đã được chuyển từ thành phố Philadelphia đến nơi sau này được gọi là Washington City vào năm 1800. Ngày nay, thành phố lớn thứ 20 ở Mỹ được gọi là Washington, D.C (District of Columbia).
Có gì khác khi sống ở D.C?
Nhờ một đạo luật được Quốc hội thông qua vào năm 1937, cư dân D.C được bầu chính quyền địa phương bao gồm thị trưởng, hội đồng thành phố, nhưng những đạo luật mà họ thông qua phải chịu sự xem xét của Quốc hội và có thể bị đảo ngược. Quốc hội Mỹ cũng có quyền ngăn cản D.C sử dụng ngân quỹ để điều tiết hoạt động sản xuất, phân phối cần sa, vốn đã được chính quyền nơi đây hợp pháp hóa.
Người dân giơ cao biểu ngữ "Quy chế tiểu bang cho người dân D.C" trước Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Getty Images
Tu chính án thứ 23, được phê chuẩn năm 1961, cũng trao cho Washington tiếng nói đầu tiên trong các cuộc bầu cử tổng thống, mặc dù bị khống chế số lượng, bất kể dân số nơi này tăng lên đến mức nào.
Theo đó, D.C không thể có nhiều đại cử tri hơn bang ít dân nhất (hiện là 3 phiếu). Quận này cũng có một đại diện tại Hạ viện – hiện nay là bà Eleanor Holmes Norton (83 tuổi) của đảng Dân chủ - người có quyền giới thiệu các dự luật, bỏ phiếu ở các ủy ban và phát biểu tại quốc hội nhưng không được phép bỏ phiếu lần cuối cùng thông qua luật. Ngoài ra, D.C không có đại diện ở Thượng viện.
Ai muốn biến D.C thành một tiểu bang?
Bà Eleanor Norton, với tư cách là tiếng nói đại diện duy nhất của D.C ở Đồi Capitol, đã đệ trình dự luật đưa Washington D.C thành tiểu bang suốt từ năm 1992. Dự luật mới nhất, có tên gọi HR 51, đã được thông qua tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và được sự ủng hộ của Tổng thống Biden cũng như các nhóm vận động gồm Liên minh Tự do Dân sự Mỹ và Hiệp hội quốc gia Vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP).
Những người ủng hộ quyền tiểu bang lưu ý rằng, Mỹ là nền dân chủ duy nhất bác bỏ quyền bỏ phiếu tại cơ quan lập pháp đối với cư dân của thủ đô. Vụ bạo loạn ngày 6/1 nhằm vào Điện Capitol càng tạo thêm động lực cho lập luận này, khi các lãnh đạo cấp quận không có thẩm quyền huy động Vệ binh Quốc gia, như các thống đốc bang.
Nếu được chấp thuận, tiểu bang mới sẽ được gọi là gì?
Nếu dự luật HR 51 được phê chuẩn, tiểu bang thứ 51 sẽ không thể được gọi là Washington, vì đó đã là tên của một tiểu bang ở phía tây bắc Mỹ - nơi khai sinh ra Starbucks và đặt trụ sở của Microsoft.
Dự luật do nghị sĩ Norton đưa ra đề xuất tên gọi mới là “State of Washington, Douglass Commonwealth” – kết hợp tên vị Tổng thống Mỹ đầu tiên và nhà hoạt động chống chế độ nô lệ Frederick Douglass.
Theo dự luật HR 51, khu vực chừng 2 dặm vuông, tọa lạc Điện Capitol, Nhà Trắng, Tòa án Tối cao, vẫn là thủ đô của Mỹ.
Điều gì khác sẽ thay đổi nếu D.C thành tiểu bang?
Tiểu bang mới sẽ được bầu hai thượng nghị sĩ, qua đó tăng số lượng thành viên Thượng viện Mỹ lên 102 người, và thêm một hạ nghị sĩ, tăng thành viên Hạ viện lên 436.
Khu vực rộng chừng 2 dặm vuông quanh Nhà Trắng, Điện Capitol, Tòa án Tối cao và các tòa nhà chính phủ liên bang gần National Mall ở trung tâm thành phố sẽ vẫn là một khu vực liên bang được gọi là Thủ đô.
Dự luật của nghị sĩ Norton không nhắc gì đến việc chỉnh sửa quốc kỳ Mỹ, nhưng từ năm 2019 các quan chức D.C đã giới thiệu một thiết kế cờ mới với 51 ngôi sao.
Ai phản đối “tiểu bang D.C” và lý do?
Các nghị sĩ Cộng hòa đã đưa ra một loạt ý kiến phản đối. Một lý do chính là không giống như các lãnh thổ liên bang đã trở thành tiểu bang thông qua đạo luật của Quốc hội, việc thay đổi quy chế của Washington D.C sẽ đòi hỏi một sửa đổi Hiến pháp.
Nghị sĩ Cộng hòa của bang Georgia Jody Hice cho rằng D.C sẽ là tiểu bang duy nhất không có sân bay, bãi rác.
Nghị sĩ Tom Cotton, bang Arkansas, cho rằng bang Wyoming, với dân số ít hơn D.C nhưng xứng đáng quy chế tiểu bang hơn vì đó là "một bang toàn diện, thuộc tầng lớp lao động”.
Tuy nhiên nỗi sợ hãi lớn nhất của phe Cộng hòa có thể là vấn đề chính trị, bởi một quy chế tiểu bang dành cho D.C sẽ đồng nghĩa tăng số lượng thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội. Tổng thống Biden đã giành tới 92% số phiếu tại D.C trong cuộc bầu cử 2020. Trên 76% cử tri D.C đã đăng ký là đảng viên Dân chủ, tính đến tháng 3/2021, so với không đầy 6% đăng ký thuộc đảng Cộng hòa.