Trao đổi với PV Tiền Phong sau khi đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục mưa lũ, sạt lở đất đá ở Lai Châu, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần có một chương trình toàn diện về phòng chống thiên tai ở miền núi phía Bắc, nhất là vấn đề lũ quét, sạt lở đất.
Theo ông Hoài, đợt mưa từ 23-26/6 vừa rồi ở các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục lập những kỷ lục ở khu vực này. Đây là đợt mưa trái mùa, gây ra lũ ống, lũ quét trên diện rộng, sạt lở ở nhiều tỉnh, đặc biệt ở Lai Châu, Hà Giang…
Mưa lũ đã làm 23 người chết, 10 người mất tích, trong đó Lai Châu là địa phương thiệt hại nặng nề với 16 người chết, 9 người vẫn chưa tìm thấy.
Nhiều tuyến đường bị chia cắt, có nơi sạt lở cả mảng rừng, thiệt hại về tài sản tính tới thời điểm này gần 490 tỷ đồng.
“Mùa này, thường mưa lớn ở vùng Đông Bắc, nhưng đợt mưa này ở phía Tây Bắc, thượng nguồn sông Đà, thậm chí bên Trung Quốc cũng có mưa lớn diện rộng.
Đặc biệt, ở khu vực Lai Châu có địa hình dốc, chủ yếu là núi đất, dễ bị sạt trượt. Những khu vực bám theo tuyến đường sạt lở nghiêm trọng”- ông Hoài nói.
Ông Hoài cho biết, đợt mưa lớn diện rộng vừa qua, không chỉ diễn ra ở khu vực rừng trồng, mà ngay cả rừng nguyên sinh cũng sạt. Vấn đề là mưa kéo dài, hạt đất bở rời, địa hình dốc, cùng đó lũ từ các con suối tuồn ra rất lớn.
Chưa kể, ngoài việc Trung Quốc xả lũ, ngay cả lượng mưa rất lớn trong vùng cũng khiến mực nước các hồ thủy điện dâng 4-6 mét trong vòng vài tiếng.
“Cùng với vấn đề thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan, do quá trình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng hạ tầng, nên hệ thống sông suối ngày càng bị thu hẹp, thậm chí nước dâng cả mặt cầu, lột cả tấm bê tông áp phan.
Người dân với tập quán sống ven sông, suối, nên khi có lũ về rất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản”- ông Hoài nói.
Lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng cho rằng, hiện hệ thống dự báo, cảnh báo mưa lũ chưa đáp ứng được so với yêu cầu.
Trong khi, nhận thức của người dân trước sự biến đổi ngày càng nguy hiểm của thiên tai còn hạn chế. Nhiều nơi, người dân còn chủ quan, vẫn dựa theo kinh nghiệm trước đây, trong khi thiên tai đã biến đổi rất nhanh.
Theo ông Hoài, tới đây, ở các địa phương phải khẩn trương xây dựng lực lượng xung kích, trong đó có lãnh đạo thôn bản, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, phụ nữ…vừa truyền thông, vừa trực tiếp hỗ trợ người dân ứng phó khi có thiên tai.
Cùng đó, sẽ đầu tư ứng dụng thêm công nghệ vào dự báo, cảnh báo lũ, nhất những thiết bị tự động.
“Lũ quét ầm ầm và khoảng 2 tiếng sẽ đến khu dân cư, khó ai có thể thông báo đến tận từng hộ gia đình được nên phải có thiết bị tự động để cảnh báo”- ông Hoài chia sẻ.
Để hạn chế những thiệt hại do thiên tai, cần có một chương trình toàn diện về phòng chống thiên tai ở miền núi phía Bắc, nhất là vấn đề lũ quét, sạt lở đất.
Trong đó, cần sắp xếp lại khu dân cư, gắn với phát triển kinh tế của người dân thì mới bền vững được.
BIDV hỗ trợ gia đình có nạn nhân thiệt mạng 300 triệu đồng
Để chia sẻ một phần những thiệt hại của đồng bào Tây Bắc trong trận mưa lũ lịch sử ngày 24-25/6/2018, công đoàn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã vận động cán bộ công nhân viên trong hệ thống quyên góp và hỗ trợ khẩn cấp hơn 300 triệu đồng cho đồng bào hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang.
Trước mắt, BIDV hỗ trợ các gia đình có người thân bị thiệt mạng, mất tích bởi mưa lũ mức: 10 triệu đồng/nạn nhân.
BIDV đã giao các chi nhánh của BIDV trên địa bàn hai tỉnh trên cùng với sở lao động thương binh xã hội trực tiếp chuyển số tiền hỗ trợ tới gia đình các nạn nhân.
Q. Thành