Lạm phát được chia làm 3 loại: Lạm phát vừa phải được đặc trưng bằng giá cả tăng chậm và có thể dự đoán được; lạm phát phi mã khi tỉ lệ tăng giá từ 10 đến 100%, và siêu lạm phát với tỉ lệ tăng giá khoảng trên 1.000%.
Đồng tiền gần như mất giá hoàn toàn như siêu lạm phát từng xảy ra ở Đức năm 1923 với tỷ lệ 10.000.000.000% và ở Bolivia năm 1985 với 50.000%. Venezuela rơi vào nhóm thứ 3.
Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và từng tự hào là một trong những nước giàu nhất Mỹ Latinh. Tỉ lệ đói nghèo đã giảm hơn một nửa dưới thời cựu Tổng thống Hugo Chavez, đất nước dành nhiều đầu tư công cho y tế và giáo dục.
Tuy nhiên, chi tiêu vẫn được tiếp tục ngay cả khi nguồn thu từ dầu mỏ bắt đầu cạn kiệt. Chính phủ Caracas bắt đầu in tiền để trang trải cho thâm hụt ngân sách lớn chưa từng thấy. Đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ bị cắt giảm, dẫn đến sản lượng giảm. Thêm vào đó là các biện pháp trừng phạt của Mỹ với nước này.
Kết quả là nền kinh tế Venezuela bị thu hẹp tới 1/3 trong vòng 5 năm đến năm 2017, tồi tệ hơn cả Hy Lạp. Venezuela trở thành nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất thế giới.
Những biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng được Tổng thống Nicolas Maduro công bố hôm 17.8 và có hiệu lực vào ngày 20.8.
Các nỗ lực cải cách kinh tế bao gồm tăng lương tối thiểu lên 60 lần, giảm giá trị đồng tiền xuống 95%, xóa 5 số 0 trên đồng nội tệ bolivar, phát hành tờ tiền mới có tên Bolivar Soberano.
Mặc dù những nỗ lực nói trên của chính quyền Tổng thống Maduro nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng siêu lạm phát, nhưng chúng có khả năng làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp và dẫn đến làn sóng di cư ồ ạt vốn đã tràn ngập các nước Nam Mỹ.
Lịch sử cho thấy những nỗ lực giải quyết thành công siêu lạm phát gồm 4 yếu tố, trong khi ông Maduro chỉ có 1, hoặc cùng lắm là 1 rưỡi.
Trước tiên, điều quan trọng là phải có biện pháp giải quyết đồng tiền được xem là không còn giá trị. Ông Maduro xóa 5 số 0 trên đồng nội tệ bolivar, do đó việc này không cần nữa.
Thứ hai, đồng tiền mới phải đáng tin cậy với công chúng. Điều này có thể thực hiện bằng một số cách, như ấn định giá trị theo đồng đôla hoặc đảm bảo hỗ trợ tài chính từ IMF.
Cả hai cách này ông Maduro chưa làm được, bởi ông đã công bố một đồng tiền điện tử mới chưa lưu hành và nó sẽ tăng hoặc giảm theo giá dầu thế giới. Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự ổn định của đồng bolivar mới là vấn đề được đặt nhiều câu hỏi.
Thứ ba, điều quan trọng là cải cách tiền tệ phải đi đôi với một chiến lược kinh tế nhằm thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Thông báo của ông Maduro về tăng lương tối thiểu 60 lần có thể phản tác dụng vì sẽ dẫn đến lạm phát và phá sản các doanh nghiệp.
Cuối cùng, lạm phát sẽ tốt lên nếu triển vọng thế giới sáng sủa hơn, như trường hợp của Đức sau cuộc khủng hoảng 1923. Tuy nhiên, ông Maduro sẽ chẳng trông đợi được gì từ Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi Nhà Trắng cho rằng nhiều khả năng chính quyền Caracas sẽ bị thay thế nếu cuộc khủng hoảng hiện tại trầm trọng hơn.