Lý giải những chiếc lỗ bí ẩn xuất hiện trên bề mặt băng ở Bắc Băng Dương

An Dương |

Các nhà nghiên cứu của NASA đang vô cùng bối rối trước sự xuất hiện của những chiếc lỗ bí ẩn trên bề mặt băng tại Bắc Băng Dương.

Được biết hình ảnh những chiếc lỗ này đã được nhà khoa học John Sonntag làm việc cho Chiến dịch Operation IceBridge của NASA, chụp vào giữa tháng 4 tại khu vực biển Beaufordm (một biển ven lục địa của Bắc Băng Dương, gần bờ biển Canada). Khi chụp được bức hình này ông hết sức ngạc nhiên và mang nó về cho các đồng nghiệp và không ai giải thích được hình ảnh đó.

Các nhà khoa học nhận định, những lỗ bí ẩn như có ai đó dí một vật nhọn, nóng lên khối nước đá tạo ra lỗ thủng và khoảng băng tan chảy nhẹ xung quanh. Đó rõ ràng không phải do con người tạo nên bởi đây là khu vực không người và các lỗ xuất hiện trên lớp băng mỏng giữa biển - nơi không đủ chắc chắn để các phương tiện có thể di chuyển bên trên.

Nó cũng nằm cách bờ biển – vùng đồng bằng sông Mackenzie của Canada hơn 80 km. Và nếu nói đó là một hiện tượng tự nhiên thì không nhà khoa học nào từng nhìn thấy nó trước đây, kể cả trong thực tế lẫn trong các tài liệu.

Lý giải những chiếc lỗ bí ẩn xuất hiện trên bề mặt băng ở Bắc Băng Dương - Ảnh 1.

Hình ảnh những chiếc lỗ bí ẩn xuất hiện trên Bắc Băng Dương. Ảnh: Người lao động

Nhà khoa học Walt Meier đến từ Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ, cho biết ông nghĩ rằng các lỗ hổng và vòng tròn xung quanh chúng là kết quả của một lượng nước ấm xuất hiện trên băng, sau đó thoát xuống bên dưới. Nước ấy từ đâu thì ông không thể lý giải.

Còn nhà khoa học Chris Shuman (Đại học Maryland ở quận Baltimore, Mỹ) thì tin rằng các lỗ hổng có liên quan đến những dòng hải lưu ấm chảy qua Bắc Băng Dương hoặc một luồng nước ấm chảy từ suối, nước ngầm nội địa và làm cách nào đó đi đến bề mặt đại dương băng giá.

Hiện tại các nhà khoa học của NASA đang gấp rút tìm hiểu và kiểm chứng các giả thuyết. Bởi lẽ nếu đó là một hiện tượng tự nhiên kỳ lạ, nó rất có thể phản ánh một điều gì đó ảnh hưởng đến đời sống, khí hậu trên Trái đất.

Bắc Băng Dương là đại dương nhỏ nhất trong năm đại dương của Trái Đất, bao quanh cực Bắc. Nơi đây băng tuyết bao phủ hoàn toàn vào mùa đông và một phần quanh năm. Bắc Băng Dương có diện tích 14.090.000 km² và có độ sâu trung bình 1.038 mét.

Bao quanh Bắc Băng Dương là các vùng đất của Liên bang Nga, Hoa Kỳ (vùng Alaska), Canada, Na Uy, Đan Mạch (vùng Greenland).

Nhiệt độ và độ mặn của nó thay đổi theo mùa vào thời gian đóng băng và tan băng độ mặn của nó có giá trị thấp nhất so với giá trị độ mặn trung bình của 5 đại dương lớn, do tốc độ bốc hơi thấp, lượng nước ngọt đổ vào từ các sông và suối lớn và có ít liên hệ với các đại dương và vực nước xung quanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại