Gần đây, nhiều xe taxi chạy trên các đường phố Hà Nội và có gắn theo dòng chữ "50.000 xe thí điểm theo QĐ24 của Bộ GTVT thu 18.000 tỷ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?", những dòng chữ này khiến nhiều người tỏ ra ngạc nhiên.
Để tìm hiểu rõ hơn sự việc này, PV VTC News đã liên hệ với hãng taxi Thành Lợi - một trong những hãng xe taxi có dán dòng chữ trên.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Tuấn Anh – Giám đốc hãng taxi Thành Lợi cho biết đây là dòng chữ do Hiệp hội taxi Hà Nội dán và đề nghị PV liên lạc với hiệp hội này để xác minh thông tin.
Tuy nhiên, khi PV liên hệ với ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, ông này lại khẳng định hiệp hội không tổ chức gắn những dòng chữ này vào các xe taxi mà do chủ các hãng xe bức xúc nên tự làm.
Ông Bình phân tích: "Hiệp hội không đi tổ chức, vấn đề doanh nghiệp họ có quyền bày tỏ. Còn về phía hiệp hội thì phải làm việc bằng văn bản chứ không thể thế này, thế kia".
Ông Bình cũng cho biết thêm, liên quan đến bức xúc của các doanh nghiệp taxi đối với QĐ 24 của Bộ GTVT, hiệp hội cũng đã có văn bản gửi đến các cơ quan quản lý.
Ông Bình nhấn mạnh, những bức xúc này không phải xuất phát từ việc cạnh tranh, từ những bất đồng giữa taxi truyền thống với Uber, Grab mà chủ yếu là do chính sách quản lý.
"Thứ nhất là công bằng, thứ 2 là quản lý chặt chẽ để tiền không bị thất thoát, tiền không chảy ra nước ngoài", ông Bình nói.
Mới đây, TP.HCM đã truy thu của Uber 66,8 tỷ đồng, nhưng ông Bình khẳng định số tiền cần truy thu phải lớn hơn nhiều so với con số trên.
Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, xuất phát từ việc không có các dữ liệu chính xác về số lượng xe, số cuốc, số doanh thu thật của Grab, Uber; số doanh thu của chủ xe có phương tiện hoạt động, nên không thể biết được Grab, Uber đã chuyển bao nhiêu tiền ra khỏi Việt Nam và thất thu ngân sách là bao nhiêu.
Căn cứ theo các số liệu mà hiệp hội này tổ chức thu thập, được biết tại một hợp tác xã có 2.288 đầu xe. Sáu tháng đầu năm 2017, hợp tác xã này nộp ngân sách là 92.766.000 đồng.
Trong khi đó, hai doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Mai Linh miền Bắc và Công ty Cổ phần Mai Linh Đông Đô có tổng số lượng xe là 2.103 đầu xe đã nộp ngân sách năm 2016 là trên 60 tỷ đồng.
Chỉ qua một vài ví dụ so sánh như vậy, có thể thấy rằng số tiền thất thu của ngân sách là rất lớn và các cơ quan quản lý đã không "kiểm soát chặt chẽ".
Cũng theo ước tính được ghi trong văn bản kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội, thì tổng số xe tham gia thí điểm theo QĐ 24 hiện nay là 50.000 xe.
Doanh thu bình quân 30 triệu đồng/xe/ tháng (theo các công bố của Uber, Grab Việt Nam).
Tổng doanh thu một tháng là 1.500 tỷ đồng. Tỷ lệ thuế phải nộp là 4,5% (gồm: 3% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân). Tổng số thuế phải nộp là 67,5 tỷ đồng/ tháng (810 tỷ đồng/ năm).
Ngoài ra, với 20% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 3.600 tỷ đồng, có nghĩa là mỗi ngày, Uber, Grab đã chuyển ra nước ngoài khoảng 10 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của PV, dòng chữ lạ: "50.000 xe thí điểm theo QĐ24 của Bộ GTVT thu 18.000 tỷ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ.
Vậy ngân sách thất thu ở đâu?" không chỉ xuất hiện sau đuôi xe taxi hãng Thành Lợi mà còn xuất hiện ở xe của hãng taxi Mai Linh.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin.
Quyết định số 24/QĐ-BGTVT tháng 1/2016 của Bộ GTVT cho phép Công ty TNHH GrabTaxi, Công ty TNHH Uber Việt Nam được phép ứng dụng công nghệ trong quản lý và kết nối vận tải với ô tô dưới 9 chỗ để chở khách tại 5 đô thị lớn gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.
Việc triển khai thí điểm này giúp các đối tác thuận tiện hơn (không cần gặp nhau để ký hợp đồng), giảm chi phí cho xã hội, nâng cao năng suất lao động.