Nhiều người không hiểu tại sao một đứa trẻ sống trong một gia đình hạnh phúc, được bố mẹ yêu thương lại trở thành một "con quái vật" của đảng Quốc xã. Câu trả lời có thể được tìm thấy trong một bộ phim mới về Heydrich.
TUỔI THƠ YÊN ẤM
Ít tòa nhà nào ở Prague ấn tượng hơn Cung điện Wallenstein. Được xây dựng trong thế kỷ 17, đó là một dinh thự lộng lẫy kiểu Baroque. Giờ là trụ sở Thượng viện Séc, tòa nhà luôn gắn liền với quyền lực. Điều đó được thể hiện trong một tối thứ ba, ngày 26/5/1942.
Các thành viên đảng Quốc xã có mặt tại sảnh chính tòa nhà để lắng nghe bộ tứ tấu đàn dây biểu diễn một loạt tác phẩm của nhà soạn nhạc người Đức mới qua đời cách đó bốn năm. Tên ông là Bruno Heydrich.
Reinhard Heydrich.
Các tác phẩm được biểu diễn thuộc một vở opera tên là Amen được ông Bruno viết năm 1895. Lấy bối cảnh là một khu rừng ở miền trung nước Đức, nhân vật chính của tác phẩm là Reinhard, một nhân vật anh hùng đấu tranh với một thủ lĩnh nông dân độc ác.
Vở opera đã rất thành công. Khi đứa con đầu lòng chào đời tháng 3/1904, ông Bruno và vợ đã quyết định đặt tên cho con trai theo tên người anh hùng Reinhard trong vở opera đó. 38 năm sau, con trai của họ trở thành ông chủ của Cung điện Wallenstein.
Reinhard Heydrich đang ở giai đoạn sung sức và đỉnh cao sự nghiệp. Là một tướng trong lực lượng cận vệ SS của Đức quốc xã, là chỉ huy văn phòng chính của cơ quan an ninh Đức quốc xã - văn phòng giám sát mật vụ và hầu hết các lực lượng an ninh của Quốc xã.
Từ tháng 9/1941, hắn là quyền tổng trưởng bảo chính Bohemia và Moravia.
Khi Heydrich và vợ Lina bước vào sảnh chính, các công chức Quốc xã và cộng sự Séc kính chào cặp đôi. Từng cm trên người Heydrich toát ra vẻ một lãnh đạo chuyên chế. Bộ đồng phục cận vệ lấp lánh huy chương và huân chương các loại.
Sau buổi hòa nhạc, Heydrich khiến nhiều người ngạc nhiên khi thiết đãi một bữa tiệc tại khách sạn Avalon vì hắn vốn không mấy niềm nở, thường lạnh lùng.
Sau đó, hai vợ chồng Heydrich được đưa về căn nhà xa hoa ở thôn quê cách Prague hơn 15 km. Tại thời điểm đó, Heydrich đang ở đỉnh cao quyền lực.
Heydrich và vợ tham gia buổi hòa nhạc tại Wallenstein.
Tuy nhiên, chỉ 10 tiếng sau, Heydrich phải nằm trong bệnh viện, vật lộn với thần chết sau khi ô tô của hắn bị một thành viên phong trào kháng chiến Séc ném một quả lựu đạn. Một tuần sau, hắn qua đời. Vụ ám sát Heydrich là một thời điểm quan trọng của Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Sự kiện đã khiến Đức quốc xã mất đi một trong những “ngôi sao hiệu quả nhất và đen tối nhất”, khiến chế độ này không chỉ thực hiện một loạt hành động trả đũa kinh hoàng khiến 1.700 người chết mà còn tăng cường đưa hàng chục nghìn người Do Thái vào các trại tử thần.
Bộ phim về vụ ám sát Heydrich mang tên Anthropoid – mật danh của chiến dịch lên kế hoạch vụ ám sát. Dù vụ ám sát đã được thảo luận nhiều nhưng dưới góc độ tính cách của Heydrich thì ít được đề cập tới.
Câu hỏi nhiều người thường thắc mắc là tại sao một đứa con của một gia đình hạnh phúc, tinh tế lại trở thành kẻ hủy diệt hàng triệu người. Để nắm được gốc rễ của “con quái vật” trong người Heydrich, ta phải bắt đầu từ tuổi thơ của hắn.
Nhà soạn nhạc Bruno Heydrich.
Sinh ra ở thành phố Hallé, cách Berlin 160 km về phía tây nam, Heydrich là một cậu bé gầy gò, ốm yếu. Dù vậy, cậu ta quyết tâm không để sức khỏe cản trở mình chơi những môn thể thao yêu thích như đấu kiếm, bóng đá, đi thuyền.
Sự tự tin đó xuất phát từ việc cậu ta được nuôi dưỡng trong môi trường cực kỳ an toàn, yên ấm. Nhạc viện của bố Heydrich thành công rực rỡ. Gia đình ông sống theo phong cách sang trọng trong một ngôi nhà nhiều đồ đạc đẹp đẽ.
Bản thân mẹ của Heydrich là bà Elisabeth cũng là người giàu có. Dù bà thuê gia sư để giúp nuôi dạy Heydrich và các con khác, nhưng bà không phải là một bà mẹ xa cách, kiêu kỳ.
Heydrich thời nhỏ học hành giỏi giang, đặc biệt là khoa học. Tham vọng hồi bé của cậu ta là làm nhà hóa học. Ngoài việc yêu thể thao, Heydrich cũng thích các tiểu thuyết điệp viên và thám tử - sở thích hữu ích để thành lập cơ quan tình báo sau này.
Là con trai một nhà soạn nhạc, từ bé Heydrich đã được dạy nhạc. Khi lên sáu, cậu ta có thể đọc nhạc và chơi violin cũng như piano.
Khi đó, không thấy điều gì bất thường về cậu bé Heydrich, không có dấu hiệu nào cho thấy cậu ta là một “quái vật” hay điên rồ. Heydrich hồi bé sáng láng, có tài và có văn hóa, dù tham vọng nhưng không quá đà.
Chiến tranh Thế giới thứ nhất cũng chỉ tác động tới Heydrich như bạn bè cùng trang lứa. Giống như nhiều người trẻ yêu nước ở Đức và Anh, Heydrich háo hức tham gia chiến tranh nhưng còn quá nhỏ. Dù vậy, Heydrich đã chứng kiến cảnh bạo lực ở quê nhà.
Từ năm 1919 đến 1920, như nhiều thành phố Đức khác, Halle là điểm nóng bạo lực chính trị giữa lực lượng Freikorp và Cộng sản. Heydrich không quan tâm tới Cộng sản và gia nhập lực lượng bảo vệ của một đơn vị Freikorp.
Dù vậy, tác giả cuốn tiểu sử về Heydrich nói rằng không có bằng chứng cho thấy hắn từng về phe với Freikorp. Ngoài ra, Heydrich không có động cơ chính trị. Dù sau này Heydrich tuyên bố là thành viên một tổ chức cánh hữu ủng hộ đảng Quốc xã nhưng không có bằng chứng.
Tuy nhiên, chút dính dáng tới Freikorp đã dạy Heydrich rằng bạo lực là một phần dường như hợp pháp của quá trình chính trị. Cơ duyên của Heydrich với chủ nghĩa quân phiệt bắt đầu khi hắn gia nhập hải quân năm 1922. Tại đây, sự tàn bạo và tham vọng bắt đầu xuất hiện.