Lý do Ukraine từ bỏ chiến thuật chiến đấu phương Tây, tránh lao vào các bãi mìn

Thu Hằng |

Những tuần đầu tiên của cuộc phản công của Kiev đã không thuận lợi với quân đội Ukraine, những người được Mỹ và các đồng minh huấn luyện, trang bị vũ khí.

Lý do Ukraine từ bỏ chiến thuật chiến đấu phương Tây, tránh lao vào các bãi mìn - Ảnh 1.

Các thành viên một đội súng cối thuộc Lữ đoàn cơ giới số 24 khai hỏa vào một vị trí của Nga ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, vào ngày 23/7/2023. Ảnh: New York Times

Theo tờ New York Times, trang bị vũ khí tiên tiến của Mỹ và được giới thiệu là lực lượng tiên phong của một cuộc tấn công lớn, nhưng các binh sĩ Ukraine đã mắc kẹt trong các bãi mìn dày đặc của Nga, dưới hỏa lực liên tục từ pháo binh và trực thăng. Các đơn vị bị mất phương hướng. Một đơn vị đã phải trì hoãn cuộc tấn công vào ban đêm, làm mất đi lợi thế. Một đơn vị khác gặp trở ngại đến mức các chỉ huy phải rút họ ra khỏi chiến trường hoàn toàn.

Đổi chiến thuật hòng xoay chuyển tình thế

Các quan chức Mỹ và các nhà phân tích độc lập cho biết, giờ đây, các lữ đoàn Ukraine do phương Tây đào tạo đang cố gắng xoay chuyển tình thế. Theo đó, các chỉ huy quân đội Ukraine đã thay đổi chiến thuật, tập trung vào việc hạ gục lực lượng Nga bằng pháo binh và tên lửa tầm xa thay vì lao vào các bãi mìn dưới làn đạn. Một đợt tăng điều động quân đang diễn ra ở miền nam đất nước, với làn sóng thứ hai của các lực lượng do phương Tây huấn luyện đang phát động các cuộc tấn công chủ yếu ở quy mô nhỏ để chọc thủng phòng tuyến của Nga.

Nhưng các kết quả ban đầu còn chưa ổn định. Mặc dù đã chiếm lại một vài ngôi làng, quân đội Ukraine vẫn chưa đạt được những thành tựu to lớn như những thành công trước đây tại các thành phố chiến lược Kherson và Kharkiv vào mùa thu năm ngoái. Quá trình huấn luyện phức tạp trong các cuộc diễn tập của phương Tây đã mang lại cho người Ukraine rất ít sự an tâm khi đối mặt với hàng loạt đợt pháo kích của Nga.

Quyết định thay đổi chiến thuật của Ukraine là một tín hiệu rõ ràng cho thấy hy vọng của NATO về những bước tiến lớn do các đội quân Ukraine được trang bị vũ khí mới, huấn luyện mới đã không thành hiện thực, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Nó có thể cũng đặt ra câu hỏi về chất lượng đào tạo mà người Ukraine nhận được từ phương Tây và về việc liệu lượng vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD, bao gồm gần 44 tỷ USD từ chính quyền Tổng thống Biden, có thành công trong việc biến quân đội Ukraine một lực lượng chiến đấu tiêu chuẩn NATO.

“Cuộc phản công không thất bại; nó sẽ kéo dài trong vài tháng cho đến mùa thu", Michael Kofman, một thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, người gần đây đã đến thăm tiền tuyến nhận xét. “Có thể cho rằng, vấn đề nằm ở việc với một vài tháng huấn luyện, các đơn vị Ukraine có thể đã chuyển nhiều hơn sang chiến đấu theo cách mà các lực lượng Mỹ có thể chiến đấu - dẫn đầu cuộc tấn công chống lại tuyến phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng của Nga, thay vì giúp người Ukraine chiến đấu theo cách tốt nhất mà họ biết.”

Lý do Ukraine từ bỏ chiến thuật chiến đấu phương Tây, tránh lao vào các bãi mìn - Ảnh 2.

Binh sĩ Lữ đoàn số 4 vận hành xe tăng trong cuộc huấn luyện ở phía nam Donetsk vào tháng 7/2023. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Chiến thuật mà phương Tây huấn luyện là gì?

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng tỏ dấu hiệu rằng chiến lược của ông là làm cho Ukraine và các đồng minh của họ kiệt sức. Và các quan chức Mỹ cũng lo ngại rằng việc Ukraine quay trở lại chiến thuật cũ có nguy cơ sẽ dẫn đến chạy đua với nguồn cung cấp đạn dược quý giá, khiến Ukraine gặp bất lợi trong một cuộc chiến tranh tiêu hao.

Các quan chức chính quyền Mỹ đã hy vọng 9 lữ đoàn do phương Tây đào tạo, khoảng 36.000 quân, sẽ cho thấy rằng chiến thuật chiến tranh của Mỹ vượt trội hơn so với cách tiếp cận của Nga. Trong khi người Nga có cơ cấu chỉ huy tập trung cứng nhắc, thì người Mỹ đã dạy người Ukraine trao quyền cho các sĩ quan đưa ra quyết định nhanh chóng trên chiến trường và triển khai các chiến thuật vũ trang phối hợp - các cuộc tấn công đồng bộ của lực lượng bộ binh, thiết giáp và pháo binh.

Các quan chức phương Tây ủng hộ cách tiếp cận đó hiệu quả hơn so với chiến lược tốn kém là tiêu hao lực lượng Nga, vốn có nguy cơ làm cạn kiệt kho vũ khí của Ukraine.

Phần lớn quá trình huấn luyện liên quan đến việc hướng dẫn quân đội Ukraine cách tấn công thay vì phòng thủ. Trong nhiều năm, quân đội Ukraine đã thực hiện các chiến thuật phòng thủ khi lực lượng đòi độc lập tiến hành các cuộc tấn công ở miền đông Ukraine. Khi Moskva bắt đầu đưa quân vào Ukraine hồi năm ngoái, quân đội của Kiev cũng triển khai các hoạt động phòng thủ, khiến Nga không thể giành được chiến thắng nhanh chóng mà họ đã dự đoán.

Colin H. Kahl, người gần đây đã từ chức quan chức chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc, cho biết nỗ lực giành lại lãnh thổ của Ukraine “đòi hỏi họ phải chiến đấu theo những cách khác nhau”.

Khó khăn trên thực địa

Tuy nhiên, các lữ đoàn do phương Tây đào tạo chỉ được huấn luyện vũ khí phối hợp từ 4 đến 6 tuần và các đơn vị đã mắc một số sai lầm khi bắt đầu cuộc phản công vào đầu tháng 6 khiến họ phải lùi bước - theo các quan chức và nhà phân tích Mỹ gần đây đến thăm tiền tuyến, trò chuyện với binh sĩ và chỉ huy Ukraine.

Một số đơn vị đã không thể dọn sạch đường tiến quân và đụng phải mìn. Khi một đơn vị trì hoãn cuộc tấn công vào ban đêm, một trận pháo kích kèm theo để hỗ trợ cho cuộc tiến công của họ lại vẫn diễn ra như dự kiến, chẳng khác nào báo trước cho người Nga.

Lý do Ukraine từ bỏ chiến thuật chiến đấu phương Tây, tránh lao vào các bãi mìn - Ảnh 3.

Một đơn vị của Ukraine dò mìn.

Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, trong hai tuần đầu tiên của cuộc phản công, có tới 20% vũ khí Ukraine gửi đến chiến trường đã bị hư hại hoặc phá hủy. Con số thiệt hại bao gồm một số cỗ máy chiến đấu ghê gớm của phương Tây - xe tăng và xe bọc thép chở quân - mà người Ukraine đã đặt nhiều trông đợi.

Các chuyên gia quân sự cho rằng việc sử dụng các chiến thuật mới học được lần đầu luôn rất khó khăn, đặc biệt là khi phản ứng của Nga là tư thế phòng thủ kiên cố và pháo binh mạnh.

Rob Lee, một chuyên gia quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia và là một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ, người cũng đã từng ra tiền tuyến Ukraine, cho biết: “Họ đã được giao một yêu cầu cao. Họ có một khoảng thời gian ngắn để huấn luyện về thiết bị mới và phát triển sự gắn kết của đơn vị, sau đó họ bị ném vào một trong những tình huống chiến đấu khó khăn nhất. Họ đã bị đặt vào một tình thế vô cùng khó khăn".

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thừa nhận vào cuối tháng 7 rằng cuộc phản công của đất nước ông chống lại quân đội Nga đang tiến triển chậm hơn dự kiến.

"Chúng tôi đã có kế hoạch bắt đầu nó vào mùa xuân, nhưng thành thật mà nói, chúng tôi đã không thực hiện vì chúng tôi không có đủ đạn dược và vũ khí cũng như không đủ các lữ đoàn được huấn luyện bài bản – ý tôi là, được huấn luyện bài bản về những loại vũ khí này”, ông Zelensky nói qua liên kết video tại Diễn đàn An ninh Aspen, một hội nghị an ninh quốc gia hàng năm.

Ông nói thêm rằng “vì chúng tôi bắt đầu hơi muộn nên Nga đã có thời gian để gài mìn tất cả các vùng đất của chúng tôi và xây dựng một số tuyến phòng thủ”.

Thời điểm quay trở lại chiến thuật phương Tây

Một số chuyên gia quân sự cho rằng, Ukraine có thể quay trở lại cách thức chiến tranh của Mỹ nếu nước này chọc thủng được hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Nhưng tấn công khó hơn phòng thủ.

“Tôi không nghĩ họ đang từ bỏ chiến thuật vũ trang phối hợp” - Philip M. Breedlove, tướng Không quân bốn sao của Mỹ đã nghỉ hưu, đồng thời là chỉ huy tối cao của đồng minh NATO ở châu Âu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Nếu họ vượt qua được tuyến phòng thủ thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba, tôi nghĩ bạn sẽ thấy định nghĩa về vũ khí phối hợp.”

Phát biểu tại diễn đàn Aspen, Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, cho biết: “Ukraine có một lượng đáng kể sức mạnh chiến đấu mà họ chưa cam kết tham gia cuộc chiến và họ đang cố gắng chọn thời điểm để đưa sức mạnh chiến đấu đó vào cuộc chiến khi nó sẽ có tác động tối đa trên chiến trường.”

Lý do Ukraine từ bỏ chiến thuật chiến đấu phương Tây, tránh lao vào các bãi mìn - Ảnh 4.

Binh sĩ Ukraine kiểm tra mìn chống tăng ở thị trấn Izium vào tháng 9/2022. Ảnh: Getty Images

Thời điểm đó dường như đã đến vào tuần trước khi Ukraine tăng cường đáng kể cuộc phản công với hai mũi tấn công về phía nam dường như nhằm vào các thành phố ở vùng Zaporizhzhia: Melitopol, gần biển Azov và Berdiansk, ở phía đông trên bờ biển Azov. Nhưng trong cả hai trường hợp, người Ukraine chỉ tiến được vài km và còn hàng chục km nữa phải tiến.

Nhưng các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu làn sóng thứ hai này, dựa vào các cuộc tấn công của các đơn vị nhỏ hơn, liệu có tạo ra đủ sức mạnh chiến đấu và động lực để cho phép quân đội Ukraine vượt qua hàng phòng thủ của Nga hay không.

Gian Luca Capovin và Alexander Stronell, các nhà phân tích của công ty tình báo an ninh Janes (Anh), nói rằng chiến lược tấn công đơn vị nhỏ “rất có khả năng dẫn đến thương vong hàng loạt, tổn thất thiết bị và lợi ích lãnh thổ tối thiểu” cho Ukraine.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết, sự gia tăng lực lượng Ukraine trong tuần qua diễn ra vào thời điểm người Ukraine đang dọn đường qua một số tuyến phòng thủ của Nga và bắt đầu tiêu diệt quân đội và pháo binh đối phương.

Một quan chức phương Tây, yêu cầu giấu tên khi thảo luận về chi tiết hoạt động và đánh giá tình báo, cho biết người Nga đã bị kéo căng và vẫn gặp vấn đề với hậu cần, cung ứng, nhân sự và vũ khí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại