Đem chuông đi đánh xứ người
Britain's Got Talent là cuộc thi tìm kiếm tài năng lâu đời với lịch sử 12 năm tổ chức. Bắt đầu từ năm 2016, ban tổ chức của cuộc thi đã đưa ra quyết định táo bạo, chấp nhận tất cả các thí sinh trên toàn thế giới dự thi Britain's Got Talent.
Đại diện của Britain's Got Talent tuyên bố: "Britain’s Got Talent mang đến cơ hội cho tất cả mọi người được phô diễn tài năng. Chúng tôi tìm kiếm nhân tài từ mọi ngóc ngách để có được những tài năng xuất sắc nhất".
Và năm nay, những thí sinh đến từ nước ngoài đổ tới Britain's Got Talent nhiều hơn bao giờ hết. Ngoài anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp còn có nhiều phần trình diễn ấn tượng khác của các thí sinh ngoại quốc như màn tung kiếm của thí sinh đến từ Malaysia Andrew Lee và tiết mục ảo thuật của một cặp đôi đến từ Hàn Quốc.
Tuy nhiên chỉ có anh em Cơ Nghiệp là đủ xuất sắc để giành vé đi tiếp vào bán kết và chung kết cuộc thi.
Cặp đôi ảo thuật gia người Hàn Quốc Ellie và Jeki.
Andrew Lee từng vào tới bán kết Asia's Got Talent nhưng chỉ dừng chân ở vòng loại Britain's Got Talent.
Việc mở rộng đối tượng thí sinh tham gia chương trình đã khiến Britain's Got Talent vấp phải sự phản đối của khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng vì ban tổ chức kém tài, chương trình thiếu hụt tiết mục hấp dẫn nên mới buộc phải mở rộng để thu hút thêm thí sinh từ nước khác.
Thế nhưng, các giám khảo của Britain's Got Talent vẫn khẳng định việc chương trình chào đón người chơi ngoại quốc là điều tích cực. Giám khảo Simon Cowell cho rằng các màn diễn trên toàn thế giới cùng đến Anh thi tài là điều "đáng kinh ngạc".
Còn giám khảo David Walliams quả quyết các thí sinh nước ngoài đã "nâng tầm cao mới" cho chương trình:
"Chương trình gần như trở thành Tìm kiếm tài năng thế giới chứ không còn là Tìm kiếm tài năng nước Anh nữa. Điều này khiến cuộc thi trở nên thật đặc biệt. Tôi ghét cái ý nghĩ rằng chúng ta không thể chào đón mọi người từ khắp nơi trên thế giới chỉ vì họ nâng tầm cao mới cho cuộc thi".
"Rất khó khăn khi bạn có 2 thí sinh, một từ Tây Ban Nha và một từ Anh rồi bạn phải bảo người kia rằng anh không thể tham gia. Hoặc là anh là người Anh nhưng sinh ra ở nơi khác hay từ nước khác chuyển tới nên không hợp lệ. Tôi muốn cuộc thi mở rộng tới tất cả mọi người", David nói thêm.
Ban tổ chức và ban giám khảo đã mở rộng vòng tay nên hẳn nhiên các tài năng nước ngoài cũng không ngần ngại cất công từ nơi xa đến tham dự.
Được trình diễn cho các chuyên gia hàng đầu thế giới và hàng nghìn khán giả theo dõi là một cơ hội quý báu với bất cứ ai, và Quốc Cơ- Quốc Nghiệp đã không bỏ qua cơ hội này.
Tìm kiếm tài năng nước Anh vẫn chỉ dành cho người Anh
Quy chế cuộc thi đã mở rộng nhưng người Anh vốn nổi tiếng bảo thủ, dường như đây cũng chính là lý dó mà họ vẫn không chịu mở lòng với các tài năng nước ngoài.
Sau vòng loại Britain's Got Talent năm nay, nhiều tờ báo Anh đưa tin khán giả truyền hình lên tiếng phản đối chương trình năm nay vì có quá nhiều thì sinh ngoại quốc.
Một khán giả chia sẻ trên Twitter: "Tôi không hiểu vì sao không phải công dân Anh mà họ được biểu diễn tại Britain's Got Talent. Tôi vừa xem màn biểu diễn của hai ảo thuật gia Hàn Quốc khá hay nhưng họ không phải người Anh. Vậy là nước Anh chẳng có tài năng còn Hàn Quốc thì có?".
Nhiều bình luận khác cũng phản đối gay gắt các tiết mục ngoại quốc trong chương trình:"Vì sao tên là Tìm kiếm tài năng nước Anh mà phân nửa số thí sinh lại không đến từ Anh?"; "Tôi không hiểu vì sao thí sinh nước khác được tham dự Britain's Got Talent. Họ giỏi đấy nhưng nếu họ thắng thì chẳng còn là thi tài năng nước Anh nữa".
Dù ban tổ chức đã cố giải thích rằng các tài năng Anh xuất sắc như Susan Boyle hay Paul Potts đã truyền cảm hứng khắp toàn cầu nên nhiều nghệ sĩ quốc tế muốn đến Anh thi tài nhưng dường như khán giả vẫn không thể chấp nhận.
Hàng loạt bình luận chỉ trích chương trinh Britain's Got Talent năm nay.
Trước quan điểm bảo thủ như vậy của người Anh thì việc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp lọt được vào chung kết đã là một điều kỳ diệu.
Rõ ràng, hai nghệ sĩ Việt Nam phải hết sức đặc biệt và tài năng thì mới thuyết phục được ban giám khảo và khán giả Anh để được đứng trên sân khấu chung kết Britain's Got Talent.
Các giám khảo cuộc thi thán phục Quốc Cơ- Quốc Nghiệp.
Cơ Nghiệp đã không ngừng cố gắng, liên tục thử thách bản thân với những tiết mục có độ khó và phức tạp ngày càng cao. Quốc Cơ - Quốc Nghiệp thậm chí còn bịt mắt chồng người và nhảy qua bục cao.
Nhưng xét cho cùng, cơ may được bước lên ngôi vị cao nhất của cuộc thi quá ít ỏi đối với hai nghệ sĩ Việt, bởi trong suốt 11 năm qua chưa từng có một người ngoại quốc nào chiến thắng cuộc thi này.
Một khán giả Anh đã bày tỏ trên facebook rằng: "Tiết mục của anh em Giang rất tuyệt vời nhưng đây là cuộc thi tìm kiếm tài năng nước Anh nên tôi mong một người Anh sẽ thắng".
Quả đúng như vậy, khi tới vòng chung kết thì ý kiến chuyên môn của ban giám khảo không còn giá trị, toàn bộ quyết định nằm trong lá phiếu bình chọn của khán giả.
Do đó, việc tiết mục có xuất sắc hay không không quan trọng, quan trọng là tiết mục đó được người xem yêu thích.
Với tiêu chí này thì anh chàng diễn hài câm Lost Voice Guy chiến thắng là điều hiển nhiên. Không phải vì Lee Ridley tài năng hay giỏi giang hơn Cơ Nghiệp, mà đơn giản là vì câu chuyện nghị lực của anh dễ gây xúc động hơn, hơn nữa Lee Ridley là người Anh.
Chiến thắng của Lee Ridley, một người Anh trên đất Anh là điều đương nhiên.
Thất bại của Quốc Cơ và Quốc Nghiệp chẳng có gì đáng tiếc, nó là điều mà nhiều người đã dự đoán được trước.
Nhưng kể cả khi đã biết trước được rằng hai nghệ sĩ Việt Nam khó có thể giành chiến thắng thì đông đảo khán giả, người hâm mộ Việt vẫn thức đêm để theo dõi phần thi của họ vào lúc 3 giờ sáng.
Vì trong lòng khán giả Việt, thắng thua không phải chuyện quan trọng, bởi Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã vượt qua hàng trăm thí sinh từ khắp thế giới để trở thành 1 trong 10 đội xuất sắc nhất biểu diễn trực tiếp trước sự thán phục của hàng nghìn người Anh, và được báo chí Anh hết lời ca tụng.
Tài năng của họ đã làm rạng danh hai tiếng Việt Nam!