Giờ đây, người dân và nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp nhiều khó khăn vì lạm phát tăng cao; nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau trận động đất kinh hoàng vào tháng 2 mà nguyên nhân có phần từ sự phản ứng chậm chạp của chính phủ, AP đưa tin ngày 23/5. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan, người theo chủ nghĩa dân túy, bước vào cuộc bầu cử nước rút hôm 14/5 với tư cách là ứng cử viên được yêu thích nhất, vượt qua nhà lãnh đạo phe đối lập Kemal Kilicdaroglu.
Theo giới quan sát, Tổng thống Erdogan, 69 tuổi, đã nuôi dưỡng lòng trung thành sâu sắc từ những người ủng hộ bảo thủ và tôn giáo bằng cách nâng cao các giá trị Hồi giáo ở một đất nước đã được xác định bởi chủ nghĩa thế tục trong gần một thế kỷ. Ông đã củng cố quyền lực bằng cách triển khai các nguồn lực của chính phủ cho lợi thế chính trị của mình - mạnh tay chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để làm hài lòng cử tri và siết kiểm soát phương tiện truyền thông.
Theo các cuộc phỏng vấn với cử tri và giới phân tích, nhiều cử tri Thổ Nhĩ Kỳ dường như muốn có sự ổn định, chứ không muốn thay đổi nhiều hơn. Bà Gonul Tol, một nhà phân tích tại Viện Trung Đông ở Washington, nói: “Trong thời kỳ khủng hoảng quốc gia như lần này, mọi người thường tập hợp xung quanh nhà lãnh đạo. Các cử tri không có đủ niềm tin vào khả năng chỉnh sửa mọi thứ của phe đối lập”.
Là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan sẽ kéo dài thời gian cầm quyền của mình sang thập kỷ thứ ba - cho đến năm 2028 - nếu ông giành được nhiều phiếu bầu hơn trong cuộc bỏ phiếu vòng hai ngày 28/5 sắp tới. Ông đã nhận được 49,5% số phiếu bầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên - hơn ứng viên Kilicdaroglu bốn điểm phần trăm. Ông Kilicdaroglu là một nhà dân chủ xã hội đã lãnh đạo đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2010. Ông Kilicdaroglu, một nhà kinh tế và cựu nghị sĩ, cam kết hủy bỏ các chính sách kinh tế của Tổng thống Erdogan mà nhiều chuyên gia cho rằng đã gây ra lạm phát. Nhưng chiến dịch của ông Kilicdaroglu đã gặp khó khăn trong việc lôi kéo những người ủng hộ Tổng thống Erdogan. Ngày 22/5, ông Sinan Ogan, ứng viên đứng thứ ba trong cuộc bầu cử vòng một, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ ủng hộ Tổng thống Recep Erdogan và kêu gọi những cử tri đã bỏ phiếu cho chúng tôi trong vòng đầu tiên bỏ phiếu cho ông Erdogan trong vòng hai”.
Nhân tố địa chính trị
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên chủ chốt của NATO vì có vị trí chiến lược ở ngã tư châu Âu và châu Á, đồng thời nước này kiểm soát quân đội lớn thứ hai của liên minh. Dưới sự cầm quyền của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ là một đồng minh NATO không thể thiếu dù đôi khi gây rắc rối. Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ quyết việc Thụy Điển gia nhập NATO và mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, khiến Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi một dự án chế tạo máy bay chiến đấu do Mỹ dẫn dắt.
Các nhà phân tích nhận định, trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Recep Erdogan nhấn mạnh lĩnh vực công nghiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là máy bay không người lái, máy bay, “tàu sân bay không người lái” đầu tiên trên thế giới – và thông điệp này dường như đã gây được tiếng vang với cử tri ngày 14/5.
Tuy nhiên, cùng với Liên Hợp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho một thỏa thuận quan trọng cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen đến các khu vực trên thế giới đang thiếu lương thực trầm trọng. Sau khi nội chiến nổ ra ở Syria năm 2011, ông Erdogan đã lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc bằng cách ủng hộ các chiến binh đối lập đang tìm cách phế truất Tổng thống Bashar Assad. Cuộc giao tranh đã gây ra một làn sóng người tị nạn Syria mà ông Erdogan đã sử dụng làm đòn bẩy chống lại các quốc gia châu Âu, bằng cách đe dọa mở cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khiến các nước láng giềng tràn ngập người di cư. Và Thổ Nhĩ Kỳ hiện kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Syria.
Về mặt đối nội, Tổng thống Erdogan đã nâng cao vị thế của đạo Hồi và có nhiều động thái tiếp tục tập hợp những người ủng hộ bảo thủ của mình. Mối đe dọa lớn nhất mà ông Erdogan phải đối mặt vào lúc này là kinh tế. Theo các nhà kinh tế, phương pháp chính của ông để giải quyết sức mua đang giảm dần của các gia đình là giải phóng chi tiêu của chính phủ, điều này - cùng với việc hạ lãi suất - chỉ làm cho lạm phát trở nên tồi tệ hơn. Ông Erdogan đã tăng lương cho khu vực công, tăng lương hưu và cho phép hàng triệu người nghỉ hưu sớm. Ông cũng đã đưa ra các khoản trợ cấp điện, khí đốt và xóa một số khoản nợ cho các hộ gia đình. Ông cam kết chi tiêu bất cứ điều gì cần thiết để tái thiết những khu vực rộng lớn bị động đất tàn phá.