Ung thư – cái tên mà vừa nghe đến cũng đủ khiến nhiều người trong chúng ta thấy khiếp sợ. Đây được xem là một trong các căn bệnh thậm chí còn đáng sợ hơn cả HIV/AIDS, khi có tỉ lệ người mắc cao và hầu như không chừa một ai.
Lấy thí dụ tại Anh, một đất nước có nền y tế phát triển cao, nhưng theo khảo sát có tới 54% nam giới và 48% nữ giới nước này sẽ bị ung thư tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống.
Ung thư, căn bệnh quái ác chẳng chừa một ai
Đặc biệt, dù là một căn bệnh không lây, nhưng số người mắc ung thư đang tăng dần theo thời gian, với riêng tại Anh tốc độ tăng đã là 3% mỗi năm. Vậy nguyên nhân do đâu mà con người mắc ung thư?
Ung thư là bệnh hiển nhiên ở loài người
Câu trả lời có lẽ khá phũ phàng! Chúng ta luôn tự hào là một giống loài tiến hóa cao, nhưng chính sự tiến hóa cao, hay cụ thể hơn là độ lớn và phức tạp của cơ thể con người đã dẫn đến ung thư.
Từ lúc chỉ là một tế bào phôi duy nhất cho đến tuổi trưởng thành, các tế bào trong cơ thể chúng ta trải qua rất nhiều lần phân chia, và mỗi tế bào đều được giới hạn tốc độ cùng số lần phân chia nhất định.
Tuy nhiên, cơ thể người là tập hợp của lượng tế bào cực lớn, ước tính tới vài ngàn tỉ nên không thể tránh khỏi một số tế bào bị đột biến gene khiến chúng có khả năng phân chia vô hạn với tốc độ nhanh hơn hẳn bình thường. Ta gọi tế bào đột biến như vậy là tế bào ung thư.
Ung thư là tế bào cơ thể bị đột biến
Mặc dù trong cơ thể cũng có hệ thống sinh học giúp nhận diện và phá hủy tế bào ung thư trước khi chúng kịp sinh sôi, nhưng hiệu quả không đạt 100%. Số lượng tế bào ung thư thoát được hệ thống "kiểm duyệt", dù rất nhỏ, cũng sẽ phân chia thành hàng ngàn, hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ tế bào, tạo thành các khối u.
Tùy vào vụ trí khối u phát triển mà gây nên nhiều tác hại khác nhau như: cạnh tranh nguồn dinh dưỡng với tế bào khỏe mạnh, gây tê liệt cơ quan, chèn ép cơ quan xung quanh, thiếu máu, rối loạn sự cân bằng ion, vv…
Mặt cắt của một lá gan bị ung thư, các đốm trắng chính là khối u do ung thư tạo ra
Ung thư đáng sợ, vì nó còn biết tiến hóa để kháng lại thuốc
Khả năng tăng sinh mạnh mẽ của tế bào ung thư gây có thể gây khó khăn trong quá trình chữa trị, vì người bệnh chỉ hoàn toàn khỏi khi tất cả tế bào trong khối u bị tiêu diệt. Nếu còn một hoặc hai tế bào ung thư sống sót thì cũng đủ để phát triển thành khối u mới.
Tiêu diệt đến từng tế bào, nghe qua đã là việc không hề dễ dàng. Nhưng khó khăn còn tăng gấp bội nếu bạn biết rằng hiện tại không có phương pháp nào đảm bảo tiêu diệt được hết tế bào ung thư.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất, nhưng chỉ với bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm, và chỉ có tác dụng với khối u có thể nhìn thấy được. Đồng thời, khi tế bào ung thư đã di căn đến nhiều bộ phận cơ thể qua đường máu hay bạch huyết thì phẫu thuật coi như vô dụng.
Dùng hóa trị, xạ trị, hay các phương pháp khác tác động ở mức phân tử cũng rất khó giết chết hết mầm mống ung thư.
Dù dùng hoá trị, xạ trị, chúng ta cũng chỉ kéo dài được sự sống của bệnh nhân
Hãy tưởng tượng ung thư phát triển như một cây có nhiều nhánh, mỗi lần phân chia các tế bào ung thư lại có thêm chút ít khác biệt.
Điều này có liên quan đến sự tiến hóa, khi một tế bào ung thư phân chia ra làm hai, tiềm ẩn khả năng xảy ra đột biến khiến chúng khác nhau đôi chút. Cứ thế, khi số lượng tế bào tăng dần lên tạo thành khối u, thì trong hàng triệu hay hàng tỉ tế bào gần như không có tế bào nào là hoàn toàn giống nhau.
Cách hành xử của từng tế bào ung thư với tác nhân điều trị vì thế mà cũng có sự khác biệt. Có thể đa số tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt bởi thuốc, nhưng vẫn có nguy cơ một vài tế bào còn sống sót, rồi đột biến và kháng thuốc.
Ung thư có thể đột biến tiếp để kháng thuốc
Bệnh nhân lúc này buộc phải sử dụng phương pháp mới, và quá trình thích nghi của tế bào ung thư cứ thế tiếp tục.
Chính con người ngày nay cũng góp phần khiến tỉ lệ ung thư tăng cao
Một trong các nguyên nhân được nói đến nhiều nhất là ngày nay chúng ta tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại hơn, gây nguy cơ đột biến gene ở tế bào lớn hơn.
Và loại chất độc gây ra nhiều cái chết vì ung thư nhất nhưng lại sẵn có quanh ta chính là khói thuốc lá, vốn có khả năng gây ung thư ở một loạt cơ quan như miệng, phổi, thanh quản, bàng quan, thận, gan, dạ dày, buồng trứng,… tóm lại là gần như tất cả cơ quan mà bạn có thể biết.
Thuốc là chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư
Thuốc lá là nguyên nhân gây chết người nhiều nhất mà có thể ngăn chặn được. Vì vậy, một thế giới không thuốc lá thì sẽ có rất nhiều người không phải chết bởi ung thư hay các căn bệnh khác liên quan đến khói thuốc.
Tuy vậy, các nhà khoa học cũng đưa ra giả thuyết rằng chúng ta bị ung thư có thể là do con người ngày nay đã sống quá... thọ.
Theo đó, tế bào con người không tiến hóa để có thể giữ ADN bền vững đủ lâu so với tuổi thọ của chúng ta ngày nay. Thời gian sống càng kéo dài thì xác xuất xảy ra đột biến càng cao.
Tuổi thọ tỉ lệ thuận với nguy cơ mắc ung thư
Thậm chí còn có dự đoán rằng, nếu tất cả mọi người muốn sống đến hơn 70 tuổi thì phải chấp nhận sớm hay muộn cũng sẽ bị một loại ung thư nào đó.
Dù vậy hãy khoan bi quan…
Tuy con người không thể giảm tuổi thọ để tránh ung thư và bất kì ai cũng không dám chắc mình sẽ không mắc phải. Nhưng chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách chọn lối sống lành mạnh chăm vận động, không hút thuốc, tránh thực phẩm bẩn.
Hiểu được sự tiến hóa của ung thư, các nhà khoa học cũng đang phát triển các liệu pháp mới như tấn công đa mục tiêu để hạn chế ưu thế đột biến của tế bào ung thư.
Có thể không cách thức nào hoàn hảo tuyệt đối, tuy nhiên chúng ta được quyền hi vọng rằng bệnh nhân ung thư sẽ có khả năng sống cao hơn, và nhân loại có thể chung sống hòa bình với căn bệnh này.
Nguồn: BBC Earth