Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bật đèn xanh cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng một số vũ khí do Washington viện trợ để giúp Kiev chống lại các cuộc tấn công của Nga vào khu vực Kharkov.
Bình luận về sự thay đổi này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 31/5 cho hay, Ukraine đã đưa ra đề nghị suốt nhiều tuần và Mỹ cũng đã có sự điều chỉnh.
“Chúng tôi đã điều chỉnh, đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống và vũ khí mà nước này cần”, ông Blinken nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công tầm xa và việc sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ, vẫn bị hạn chế. Đối với một số người, điều này hoàn toàn hợp lý, nhưng một số người cho rằng nó đang cản trở Ukraine.
Ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng hạt nhân
Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, lập luận rằng động thái này cho thấy “nỗi sợ hãi quá mức” ở Washington rằng Nga, bằng cách nào đó, sẽ leo thang xung đột.
“Ưu tiên hàng đầu là kiềm chế leo thang”, ông Hodges nói với Newsweek, đồng thời bày tỏ ủng hộ việc cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quan trọng của Nga bằng tên lửa ATACMS.
Tuần trước, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, đã viết một bức thư ngỏ chỉ trích quyết định của chính quyền Tổng thống Biden. Bức thư có đoạn viết: “Để giành chiến thắng trong cuộc chiến tự vệ trước Nga, Ukraine phải được phép sử dụng các vũ khí do Mỹ cung cấp để chống lại bất kỳ mục tiêu quân sự chính đáng nào ở Nga chứ không chỉ dọc biên giới gần Kharkov”.
Nhà Trắng hiện chưa bình luận về các thông tin trên.
Ông Daniel Rice, cựu cố vấn quân đội Ukraine và hiện là hiệu trưởng một trường đại học ở Kiev, lập luận rằng việc từ chối cho phép Ukraine phóng tên lửa ATACMS vào lãnh thổ Nga là nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hạt nhân có thể xảy ra.
Ukraine không có vũ khí hạt nhân. Nhưng với việc vũ khí đạn đạo do Mỹ sản xuất nhắm vào đất Nga, “bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”, ông Rice nói.
Theo ông Rice, việc nã tên lửa Mỹ vào Nga không thể để bị hiểu thành một cuộc tấn công hạt nhân, đặc biệt khi Ukraine đang nhắm mục tiêu vào các radar của Moscow được thiết kế để phát hiện các cuộc tấn công hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Matthew Savill, Giám đốc phụ trách lĩnh vực khoa học quân sự tại Viện RUSI có trụ sở tại London (Anh), cho biết mặc dù ATACMS là tên lửa đạn đạo chiến thuật nhưng chúng nhỏ hơn rất nhiều so với tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân và Nga cũng biết rõ Ukraine không sử dụng vũ khí hạt nhân.
ATACMS là một công cụ hiệu quả
Không rõ liệu khả năng tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga có được đưa ra thảo luận trong những tuần tới hay không, trong khi Ukraine đang chuẩn bị cho một làn sóng tấn công tiềm tàng khác của Nga ở phía Bắc, cũng như các cuộc đụng độ gay gắt ở phía Đông.
Theo ông Savill, Ukraine hiện có thể sử dụng tên lửa tầm ngắn của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) bắn vào vào lãnh thổ Nga, tấn công một số căn cứ hỗ trợ của Moscow khi lực lượng Nga chuẩn bị tấn công vào phía Đông Bắc Ukraine.
Tuy nhiên, việc sử dụng tên lửa ATACMS có thể mở rộng phạm vi tấn công tới các căn cứ không quân dành cho máy bay ném bom chiến đấu và máy bay trực thăng nằm ngoài tầm bắn của HIMARS, chẳng hạn như ở Voronezh của Nga.
Ukraine đã nhận được một vài lô ATACMS kể từ mùa thu năm 2023, giúp quân đội nước này có hỏa lực để tấn công các tài sản có giá trị cao của Nga ở xa chiến tuyến (nhưng vẫn chưa vươn đến lãnh thổ Nga). Ukraine lần đầu sử dụng ATACMS biến thể đạn chùm vào tháng 10/2023. Biến thể tầm bắn 300km được chuyển cho Kiev hồi tháng 4 năm nay.
ATACMS ngay lập tức chứng tỏ là một công cụ hiệu quả. Các nguồn tin của Ukraine và Nga, cũng như các nhà phân tích nguồn mở, đều cho rằng một loạt các cuộc tấn công của Ukraine gây thiệt hại cho các cơ sở của Moscow ở các khu vực mà Nga đang kiểm soát cũng như bán đảo Crimea là nhờ ATACMS.
Ông Hodges cho biết, các khả năng tầm xa, cho dù đó là ATACMS, tên lửa Storm Shadow/SCALP do Anh/Pháp cung cấp hay Taurus của Đức – dù Berlin chưa đồng ý cung cấp cho Kiev - sẽ giúp Ukraine tấn công các cơ sở hậu cần, sở chỉ huy, kho vũ khí chủ chốt của Nga. Theo ông, một vũ khí nhất định có thể không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi nhưng nó sẽ giúp ích rất nhiều cho Kiev.
Quan điểm đang dần thay đổi
Tấn công vào lãnh thổ Nga từ lâu đã là một chủ đề nhạy cảm với Mỹ và các nước phương Tây nhằm tránh leo thang xung đột. Kiev thường không chính thức thừa nhận tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bên trong lãnh thổ Nga, chẳng hạn như vào các căn cứ không quân quan trọng được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine.
Tuy nhiên, quan điểm đang dần thay đổi. Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 1/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với The Guardian rằng, việc Kiev sở hữu vũ khí phương Tây nhưng lại phải chứng kiến lực lượng Nga tấn công mình là điều hoàn toàn phi logic.
Tuần trước, một số quốc gia hàng đầu của NATO, bao gồm Pháp và Đức, đã phát tín hiệu về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà họ cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 28/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, hai nước đã nhất trí quan điểm rằng Ukraine có thể được phép tập kích các mục tiêu quân sự nhất định bên trong lãnh thổ Nga, nơi Moscow dùng để phóng tên lửa vào Ukraine.
“Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nên cho phép họ (Ukraine) vô hiệu hóa các địa điểm quân sự nơi tên lửa được bắn đi, các địa điểm quân sự mà Ukraine bị tấn công. Nhưng chúng ta không nên cho phép họ tấn công các mục tiêu khác ở Nga và các địa điểm dân sự hoặc quân sự khác ở Nga”, Tổng thống Macron nhấn mạnh.
Nga phản đối tuyên bố của các thành viên NATO, trong đó Tổng thống Vladimir Putin nói rằng “sự leo thang có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”.
Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev, cũng nhấn mạnh: “Nga coi tất cả vũ khí tầm xa mà Ukraine sử dụng đều đã được quân nhân các nước NATO trực tiếp kiểm soát. Đây không phải là hỗ trợ quân sự, đây là tham gia vào một cuộc chiến chống lại chúng tôi”.
Ông cũng cảnh báo Nga sẽ phá hủy bất kỳ vũ khí phương Tây nào được sử dụng để tấn công nước này “cả ở Ukraine và lãnh thổ của các quốc gia khác”.