Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngừng cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào lực lượng Hezbollah tại Li-băng, chỉ vài ngày sau cuộc tấn công hôm 7/10 của Hamas và cảnh báo rằng một cuộc tấn công như vậy có thể châm ngòi cho chiến tranh lan rộng.
Lúc đó, Israel có tin tình báo - mà phía Mỹ cho là không đáng tin cậy - rằng Hezbollah chuẩn bị băng qua biên giới - một phần trong kế hoạch tấn công đa điểm của nhóm này.
6 tiếng điện đàm, họp bàn ngăn Israel
Mỹ đã nhận được tín hiệu đầu tiên về kế hoạch tấn công phủ đầu của Israel vào khoảng 6h30 sáng 11/10. Lúc ấy, các quan chức Israel cấp báo cho Nhà Trắng rằng họ tin là Hezbollah đang trù định một cuộc tấn công. Theo quan chức Mỹ, Israel biết mình không thể đơn độc thực hiện kế hoạch và họ đề nghị Mỹ hỗ trợ.
Các cố vấn an ninh quốc gia, quân sự và tình báo hàng đầu của ông Biden - bao gồm Giám đốc CIA William Burns và Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ CQ Brown - đã tiến hành họp vào sáng hôm đó dưới sự chủ trì của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, để bàn thảo về kế hoạch mà Israel đề xuất và xác định được rằng tình báo Mỹ không đồng tình với Israel.
Sau khi được thông tin, ông Biden đã lập tức điện đàm với ông Netanyahu cùng nội các chiến tranh của Israel và hối thúc Israel "dừng tay". Các thành viên trong nội các chiến tranh Israel, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, giải thích rằng một cuộc chiến lớn hơn là tất yếu và họ muốn đi trước một bước.
Phía Mỹ phản đối, kiên quyết khẳng định có thể đảo ngược nguy cơ lan rộng chiến tranh.
Sau 45 phút bàn luận, ông Netanyahu kết thúc cuộc điện đàm, nói rằng ông sẽ bàn bạc lại với nội các của mình.
Cùng lúc đó, phía Bắc Israel tiếp tục duy trì trạng thái báo động. Binh lính Israel ở biên giới phía Bắc nhận được lệnh khẩn từ chỉ huy rằng họ phải sẵn sàng giao tranh với các chiến binh Hezbollah sẽ nhảy dù và tiến vào đất nước từ phía Nam Li-băng. Israel cũng gửi báo động tới mọi người dân ở miền Bắc đất nước, đề nghị họ ngay lập tức vào hầm trú ẩn.
Phải mất tới 6 tiếng đồng hồ điện đàm qua lại và họp bàn thì quan chức Israel mới đồng ý từ bỏ cuộc tấn công phủ đầu.
Dấu hiệu tiến triển
Thư ký báo chí Nhà Trắng Patrick Ryder cho biết, Lầu Năm Góc vẫn còn lo ngại về tình trạng căng thẳng dọc biên giới Israel - Li-băng nhưng từ chối bình luận về bất kỳ cuộc trao đổi cụ thể nào, cũng như các vấn đề liên quan tới tình báo.
Nguy cơ tính toán sai lầm ở cả hai phía vẫn còn đó.
Phiến quân ở Li-băng đã tấn công Israel hơn 200 lần, khiến 10 người thiệt mạng, trong đó có 7 binh lính Israel. Israel thì đáp trả với gần 1.000 cuộc tấn công vào miền Nam Li-băng, làm hơn 120 chiến binh Hezbolla và 10 dân thường Li-băng thiệt mạng.
"Như mọi người đều biết, tình hình bây giờ rất căng thẳng", Thiếu tướng Aroldo Lazaro Saenz, quan chức Tây Ban Nha hiện đang dẫn đầu sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Li-băng chia sẻ với báo giới.
Các lãnh đạo Israel đã nhiều lần tuyên bố sẽ thực hiện các cuộc tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Li-băng nếu Hezbollah không chấp nhận lùi xa khỏi biên giới.
Tuy nhiên, WSJ cho rằng hiện tại, có những dấu hiệu cho thấy tiến triển trong nỗ lực ngoại giao. Ngoại trưởng Li-băng Abdallah Bou Habib đã nói với phía Pháp rằng Li-băng sẵn sàng thương thảo thỏa thuận.
Nỗ lực của Mỹ: Tránh lún vào giao tranh
Cuộc trao đổi giữa Biden cùng các quan chức Mỹ với ông Netanyahu và nội các chiến tranh Israel cho thấy những nỗ lực của nước Mỹ nhằm ngăn cản nguy cơ lan rộng của cuộc xung đột có khả năng kéo Mỹ lún vào.
Kể từ ngày 7/10, tâm điểm của chính quyền Biden là cố gắng ngăn ngừa tình trạng leo thang dọc biên giới phía Bắc của Israel với Li-băng, nơi lực lượng Israel phải giao tranh hỏa lực với các chiến binh Hezbollah và Palestine gần như mỗi ngày.
Sau vụ tấn công của Hamas, Mỹ đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới phía Đông Địa Trung Hải, sau đó là một tàu ngầm hạt nhân để tăng cường khả năng răn đe. Mới đây, Mỹ còn thành lập một lực lượng đặc nhiệm hải quân ở Biển Đỏ để đối phó với các cuộc tấn công từ Houthi.
Tuy nhiên, ngoại giao vẫn là trọng tâm trong nỗ lực của Washington.
Amos Hochstein, quan chức Nhà Trắng dẫn đầu nỗ lực giảm thiểu căng thẳng tại khu vực biên giới Israel - Li-băng, đã phải thực hiện các chuyến đi con thoi giữa Washington, Beirut và Jerusalem để tìm cách đạt được một thỏa thuận ngoại giao nhằm chấm dứt giao tranh.
Pháp cũng can dự khá sâu, thúc đẩy Li-băng tuân thủ nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó kêu gọi lực lượng Hezbollah rút khỏi miền Nam Li-băng và cách xa biên giới Israel ít nhất 18 dặm.
Vai trò của Mỹ trong việc ngăn cản Israel thực thi một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Hezbollah hồi tháng 10 cho thấy ngoại giao đã đóng vai trò quan trọng tới mức nào để khiến cuộc xung đột không bùng phát thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn trong khu vực.
Dùng chiến thuật lâu đời đấu vũ khí tiên tiến: Hé lộ bẫy có tiếng khóc chết người của Hamas