Lý do khiến truyền thông Iran phải lên tiếng về sự thay đổi của Trung Quốc đối với Tehran

Công Thuận |

Iran đã có một số phản ứng với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ra tuyên bố chung với các quốc gia Arab kêu gọi giải quyết vấn đề ba hòn đảo tranh chấp ở eo biển Hormuz, Vịnh Ba Tư.

Lý do khiến truyền thông Iran phải lên tiếng về sự thay đổi của Trung Quốc đối với Tehran - Ảnh 1.

Phó Tổng thống Iran Mohammad Mokhber và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (trái) tại Tehran. Ảnh: IRNA

Iran tiếp tục bày tỏ sự không hài lòng của mình sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ra tuyên bố chung liên quan đến các hòn đảo tranh chấp ở Vịnh Ba Tư.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 13/12 nói với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa, người đang có chuyến thăm tới Tehran rằng quốc gia Hồi giáo này “không hài lòng” về lập trường của Bắc Kinh.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Iran mới đây 10/12 thực hiện động thái hiếm hoi là "triệu" Đại sứ Trung Quốc tại Tehran đề bày tỏ sự không đồng tình về tuyên bố trên. Nhưng không giống như ngôn ngữ mà Tehran sử dụng cho các nước phương Tây, Bộ Ngoại giao Iran đã không sử dụng thuật ngữ "triệu kiến" mà cho biết nhà ngoại giao Trung Quốc đã được "mời", đồng thời hạn chế sử dụng các thuật ngữ như “phản đối” hoặc “lên án”.

Bộ trên cho biết trên trang web của mình rằng đại diện ngoại giao của Trung Quốc “đã có một chuyến thăm” và gặp một quan chức Iran, trong đó “sự không hài lòng mạnh mẽ” của Tehran đã được bày tỏ.

Vấn đề nổi lên khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm đối thủ của Iran là Saudi Arabia vào ngày 9/12. Iran và Saudi Arabia cũng là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng khi cả hai cung cấp lượng dầu thô khổng lồ cho Bắc Kinh.

Trong một tuyên bố, Trung Quốc và GCC đã đề cập đến ba hòn đảo Greater Tunb, Lesser Tunb và Abu Musa, do Iran quản lý từ năm 1971 nhưng Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố chủ quyền.

Tuyên bố nêu rõ: “Các nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực hòa bình, bao gồm sáng kiến ​​và nỗ lực của UAE nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho ba hòn đảo; Greater Tunb, Lesser Tunb và Abu Musa, thông qua các cuộc đàm phán song phương phù hợp với các quy tắc của luật pháp quốc tế".

Trong khi đó, lập trường của Iran là họ sẽ không ủng hộ bất kỳ cuộc đàm phán nào về những hòn đảo này.

Tuyên bố do ông Tập và các nhà lãnh đạo GCC ký cũng đề cập đến việc đảm bảo tính chất hòa bình và dân sự của chương trình hạt nhân Iran, đồng thời kêu gọi Tehran hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa dừng ở đó khi Trung Quốc và các quốc gia GCC kêu gọi đối thoại về “các hoạt động gây bất ổn trong khu vực” của Iran và “sự hỗ trợ cho các nhóm khủng bố, giáo phái và các tổ chức vũ trang bất hợp pháp”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani đã bày tỏ sự "ngạc nhiên" về tuyên bố với những vấn đề liên quan đến Iran. Ngày 11/12, Ủy ban An ninh Quốc gia Iran cho rằng sự can thiệp của Trung Quốc mâu thuẫn với hợp tác quốc tế tốt đẹp.

Trước lập trường của Trung Quốc, nhiều người Iran đã lên mạng xã hội chỉ trích gay gắt chính phủ, đặt câu hỏi rằng chính xác điều gì đã xảy ra mà Trung Quốc đã đồng ý với một tuyên bố như vậy. Truyền thông Iran cũng phản ứng, với tờ Ham-Mihan đã viết một bài báo có tiêu đề: “Sự thay đổi của Trung Quốc đối với Iran”.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao trung Quốc Wang Wenbin cho biết các nước GCC và Iran đều là bạn của Trung Quốc, cả quan hệ Trung Quốc - GCC cũng như quan hệ Trung Quốc - Iran đều không phải là mục tiêu của bất kỳ bên thứ ba nào. Ông Wenbin đã đưa ra nhận xét này tại một cuộc họp báo thường kỳ để đáp lại những bình luận nói rằng Trung Quốc sẽ bỏ qua mối quan hệ với Iran khi Bắc Kinh phát triển quan hệ với các nước GCC.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại