Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp người đứng đầu Văn phòng Chính trị của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar ngày 28/7. Ảnh: Tân Hoa xã
Chưa vội mở rộng “Vành đai và Con đường”
Dù chiến thắng của Taliban mang tính quyết định như thế nào thì tình hình hiện nay ở Afghanistan vẫn quá mong manh khiến Bắc Kinh không muốn suy tính bất kỳ điều gì ngoại trừ những cuộc gặp ngoại giao với lực lượng này. Trung Quốc có lẽ sẽ đưa ra những cam kết nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với Taliban, lực lượng đang muốn tìm kiếm thắt chặt các mối quan hệ khu vực quan trọng, nhưng khả năng về bất kỳ dự án hạ tầng nào sẽ thành hiện thực trong ngắn hạn vẫn là điều xa vời.
Afghanistan có nhiều mỏ khoáng sản như đồng, than đá, quặng sát, lithium, uranium cũng như dầu và khí đốt. Mặc dù các công ty Trung Quốc (và nhìn chung là các công ty mỏ) thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn bình thường, nhưng hầu như có rất ít công ty quyết định gia nhập thị trường ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề như Afghanistan.
Bắc Kinh coi Afghanistan là một môi trường có mức độ rủi ro vô cùng cao và mọi mong muốn biến nơi này thành mảnh đất cơ hội đều là những tính toán thứ yếu, Andrew Small, một học giả cấp cao tại Quỹ Marshall Đức, đồng thời là tác giả của cuốn sách "Trục Trung Quốc - Pakistan" cho hay.
Chuyên gia Small đã có nhiều năm theo dõi quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan và Afghanistan. Ông cho rằng Bắc Kinh quan tâm đến sự ổn định khu vực nhiều hơn và nỗ lực đảm bảo rằng những lực lượng khủng bố mới sẽ không tràn sang Tân Cương.
Trung Quốc coi thành công của lực lượng Taliban ở Afghanistan là một mối đe dọa cố hữu, ông Small nhận định và điều đó làm giảm khả năng Trung Quốc muốn đầu tư vào bất kỳ cơ sở hạ tầng nào, điều có thể khiến khu vực biên giới trở nên nguy hiểm hơn.
"Trung Quốc sẽ thận trọng trong việc biến một quốc gia do Taliban lãnh đạo thành bất kỳ vị trí nào trong mạng lưới liên kết khu vực".
Bắc Kinh đã chịu hậu quả bởi những khoản đầu tư thất bại ở Afghanistan, đáng chú ý nhất là dự án khai thác đồng ở Mes Aynak, chỉ cách thủ đô Kabul 40km. Taliban đã đưa ra cam kết cụ thể rằng sẽ không tấn công mỏ quặng này nhưng Trung Quốc đã quyết định không tiếp tục dự án này nữa. Trung Quốc cũng trì hoàn việc thuê 30 năm địa điểm trên của Tập đoàn Metallurgical thuộc sở hữu nhà nước, một thỏa thuận trị giá 2,83 tỷ USD được ký kết vào năm 2007 và từng được cho là thỏa thuận đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Afghanistan. Rõ ràng đó là một thỏa thuận đáng kể trên danh nghĩa nhưng lại không dẫn đến bất kỳ kết quả nào trong thực tế.
Nỗ lực bảo vệ lợi ích
Là một trong 6 quốc gia có biên giới với Afghanistan, Trung Quốc đã dành nhiều năm can dự vào nước này. Hiện nay, Afghanistan ngày càng trở nên bất ổn và không có sự hiện diện của những lực lượng bên ngoài như Mỹ và NATO để đảm bảo an ninh. Đó cũng là lý do cho việc Bắc Kinh sẽ không thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước của nước này tham gia vào thị trường Afghanistan sớm, Raffaello Pantucci, học giả cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho hay.
Taliban rõ ràng sẽ đưa ra các đảm bảo, cam kết sẽ không tiến hành các vụ tàn sát trả thù và cho phép phụ nữ cũng như trẻ em gái tiếp tục đi học, đi làm nhưng ở tại thời điểm này, không ai biết Taliban sẽ lãnh đạo đất nước như thế nào. Việc công nhận Taliban và hợp tác với lực lượng này sẽ có ý nghĩa nhất định với Trung Quốc, chuyên gia Pantucci cho hay.
Sự ổn định của Afghanistan có vai trò then chốt với việc bảo vệ khoảng 60 tỷ USD trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở nước láng giềng Pakistan, quốc gia cung cấp một tuyến đường trên đất liền dẫn ra Ấn Độ Dương. Cân nhắc đến những lo ngại này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của Taliban hồi tháng trước. Ngoại trưởng Trung Quốc đã đề nghị trưởng đoàn đàm phán của Taliban là ông Mullah Abdul Ghani Baradar cắt đứt quan hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan và ngăn cản lực lượng này tiến hành các cuộc tấn công vào những lợi ích của Trung Quốc ở Afghanistan.
Trước những thắng lợi của Taliban trong năm nay, các nhóm khủng bố đã nhắm vào Trung Quốc ở Pakistan. Hồi tháng 4, một vụ nổ bom xe đã xảy ra tại một khách sạn sang trọng ở Quetta đang tiếp đón đại sứ Trung Quốc do lực lượng Taliban ở Pakistan thực hiện, một tổ chức khủng bố với tổ chức lỏng lẻo có liên hệ với al-Qaeda, hoạt động dọc biên giới rộng lớn giữa Afghanistan và Pakistan. Hồi tháng trước, một vụ tấn công khác đã xảy ra ở ở Dasu, gần biên giới giữa Pakistan và Trung Quốc khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 9 công dân Trung Quốc. Bắc Kinh ngay lập tức gây sức ép yêu cầu Islamabad làm rõ kẻ chịu trách nhiệm cho việc này.
Dù vậy, các cuộc tấn công trên đã cho thấy mối quan hệ mong manh giữa 2 quốc gia này. Trung Quốc chưa bao giờ tin tưởng hoàn toàn rằng Pakistan sẽ đối phó thực chất với các nhóm nổi dậy này, chuyên gia Small cho hay. Trong khi đó, Pakistan có mối quan hệ sâu sắc với Taliban và từ lâu đã đóng vai trò trung gian với Bắc Kinh.
Trung Quốc đang nỗ lực để đảm bảo các lợi ích của mình được an toàn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 16/8 đã khẳng định: "Trung Quốc hy vọng Taliban ở Afghanistan có thể đoàn kết với các lực lượng chính trị và tất cả các nhóm thiểu số, cũng như xây dựng một khung chính trị nhằm duy trì các điều kiện quốc gia bao trùm và dựa trên các nền tảng vì sự hòa bình lâu dài".
Về dài hạn, Trung Quốc muốn Tân Cương trở thành một khu vực thịnh vượng và ổn định, song để làm được điều đó, sẽ không thể có sự bất ổn ở Afghanistan. Tuy nhiên, với sự nắm quyền của Taliban, bất ổn có thể ở tất cả mọi nơi./.