Lý do khiến lĩnh vực năng lượng hạt nhân châu Âu khó thoát “gọng kìm” của Nga

Hoàng Phạm |

Châu Âu có thể dễ dàng tìm các nguồn năng lượng mới để thay thế dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, nhưng việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào Rosatom -  công ty năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước Nga, khó hơn nhiều.

Châu Âu đã hành động nhanh chóng để từ bỏ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Dù vậy, phá vỡ sự phụ thuộc lâu dài vào ngành công nghiệp hạt nhân quy mô lớn của Nga phức tạp hơn rất nhiều.

Nga – thông qua tập đoàn năng lượng hạt nhân khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Rosatom, vẫn thống trị chuỗi cung ứng hạt nhân toàn cầu.

Lý do khiến lĩnh vực năng lượng hạt nhân châu Âu khó thoát “gọng kìm” của Nga - Ảnh 1.

Khu vực dự kiến triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân do Rosatom xây dựng ở Pyhajoki, Phần Lan, đầu năm 2022. Ảnh: EPA

Châu Âu có rất ít lựa chọn khác

Năm 2021, Rosatom là nhà cung cấp urani lớn thứ ba của châu Âu, chiếm 20%. Do có rất ít lựa chọn thay thế có sẵn, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Rosatom không nhận được sự ủng hộ ở châu Âu, bất chấp lời kêu gọi của chính phủ Ukraine.

Đối với những nước có lò phản ứng do Nga sản xuất, sự phụ thuộc khá sâu sắc. Tại 5 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), tất cả 18 lò phản ứng đều do Nga xây dựng. Ngoài ra, 2 dự án nữa dự kiến sớm bắt đầu hoạt động ở Slovakia và 2 dự án đang được xây dựng ở Hungary. Điều này cho thấy mối quan hệ đối tác với Rosatom sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2/2022, một số nước châu Âu đã bắt đầu “rời xa” lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga.

Công ty năng lượng của Séc, CEZ, đã ký hợp đồng với Công ty Điện lực Westinghouse có trụ sở ở Pennsylvania và công ty Framatome của Pháp để cung cấp các tổ hợp nhiên liệu cho nhà máy của họ ở Temelin.

Phần Lan đã hủy bỏ dự án xây dựng một lò phản ứng hạt nhân với Rosatom và thuê Westinghouse thiết kế, cấp phép và cung cấp một loại nhiên liệu mới cho nhà máy của nước này ở Loviisa sau khi các hợp đồng hiện tại hết hạn.

Ông Simon-Erik Ollus, Phó Chủ tịch điều hành của Fortum - một công ty năng lượng Phần Lan, cho biết: “Mục đích là để đa dạng hóa chuỗi cung ứng”.

Bulgaria đã ký một thỏa thuận mới kéo dài 10 năm với Westinghouse để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hiện có của nước này. Tuần trước, phía Bulgaria đã xúc tiến kế hoạch cho công ty Mỹ xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới.

Ba Lan cũng sắp xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với ba lò phản ứng của Westinghouse.

Slovakia, thậm chí cả Hungary - đồng minh thân cận nhất của Nga trong EU, cũng đã liên hệ với các nhà cung cấp nhiên liệu thay thế.

Ông Tarik Choho, người đứng đầu bộ phận nhiên liệu hạt nhân tại Westinghouse, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có sự chuyển biến lớn. Ngay cả Hungary cũng muốn đa dạng hóa”. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy châu Âu tìm kiếm các nhà cung cấp mới.

Ông William Freebairn, quản lý cấp cao về năng lượng hạt nhân tại S&P Commodity Insights, cho biết việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cách đây hơn 1 năm đã đánh dấu “sự thay đổi lớn” trên nhiều phương diện.

“Trong vòng vài ngày sau khi xuộc xung đột bùng phát, gần như mọi quốc gia vận hành lò phản ứng của Nga đều bắt đầu tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế”, ông Freebairn nói.

Tại Ukraine, những nỗ lực nghiêm túc nhằm loại bỏ sự thống trị của Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân đã bắt đầu vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Ukraine, nơi có 15 lò phản ứng từ thời Liên Xô cung cấp một nửa lượng điện của đất nước, đã ký một thỏa thuận với Westinghouse để mở rộng hợp đồng nhiên liệu.

Dù vậy, việc “quay lưng” với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga trên quy mô toàn cầu sẽ là một việc làm khó khăn: Chuỗi cung ứng hạt nhân cực kỳ phức tạp. Thiết lập một chuỗi cung ứng mới sẽ rất tốn kém và mất nhiều năm.

Theo Hiệp hội Năng lượng Quốc tế, phải mất khoảng 5 năm kể từ khi bắt đầu quá trình thiết kế đến khi chuyển giao tổ hợp nhiên liệu đầu tiên.

Trong khi đó, Rosatom đã chứng tỏ thành công với tư cách vừa là một doanh nghiệp kinh doanh vừa là phương tiện gây ảnh hưởng của Nga. Phần lớn uy thế của Rosatom là do công ty này được các chuyên gia gọi là “cửa hàng hạt nhân một cửa” có thể cung cấp trọn gói cho các quốc gia từ vật liệu, đào tạo, hỗ trợ, bảo trì, xử lý chất thải hạt nhân, ngừng hoạt động và có lẽ quan trọng nhất, cấp vốn theo các điều kiện thuận lợi.

Với tuổi thọ từ 20-40 năm, các thỏa thuận xây dựng lò phản ứng hạt nhân đòi hỏi buộc phải có sự ràng buộc lâu dài giữa 2 bên.

“Gọng kìm” của Nga

“Gọng kìm” chặt nhất của Nga là trên thị trường nhiên liệu hạt nhân. Moscow kiểm soát 38% quá trình chuyển đổi urani của thế giới và 46% khả năng làm giàu urani - những bước thiết yếu trong việc sản xuất nhiên liệu có thể sử dụng được.

“Điều đó tương đương với tất cả OPEC cộng lại về thị phần và quyền lực”, ông Paul Dabbar thuộc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia cho biết, đề cập đến sự thống trị về dầu mỏ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ.

Lý do khiến lĩnh vực năng lượng hạt nhân châu Âu khó thoát “gọng kìm” của Nga - Ảnh 2.

Một nhà máy điện hạt nhân ở Wattenbacherau, Đức. Ảnh: NY Times

Cũng như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, chi phí cung cấp nhiên liệu hạt nhân đã tăng lên trong năm qua, giúp Nga thu về hơn 1 tỷ USD cho ngân khố, theo một báo cáo từ Viện dịch vụ hoàng gia (RUSI) có trụ sở tại London.

Theo Hiệp hội Năng lượng Quốc tế, ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của Mỹ nhận tới 20% lượng urani được làm giàu từ Nga, mức tối đa được cho phép theo một hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân gần đây. Pháp nhập khẩu 15%. Framatome, thuộc sở hữu của nhà điều hành năng lượng hạt nhân do nhà nước hậu thuẫn Électricité de France (EDF), đã ký thỏa thuận hợp tác với Rosatom vào tháng 12/2021, hai tháng trước khi xung đột Nga Ukraine bùng phát. Thỏa thuận này vẫn còn hiệu lực.

Ngay cả với thỏa thuận nhiên liệu mới ở châu Âu với các nguồn không phải của Nga, việc giao hàng sẽ không thể bắt đầu trong ít nhất 1 năm, một số trường hợp phải mất tới vài năm.

Khoảng 1/4 nguồn cung cấp điện của Liên minh châu Âu đến từ năng lượng hạt nhân. Trong bối cảnh nguy cơ về thảm họa khí hậu đã thúc đẩy nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới, vai trò của năng lượng hạt nhân trong rổ nhiên liệu tương lai dự kiến sẽ tăng lên.

Ở đỉnh điểm của cuộc tranh luận ở Đức năm ngoái về việc có nên tiếp tục duy trì hoạt động của hai nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này hay không. Sự phụ thuộc của cả 2 nhà máy vào urani do Nga làm giàu để có các thanh nhiên liệu đã trở thành một trong những lập luận chống lại việc kéo dài tuổi thọ của chúng. Hai lò phản ứng cuối cùng sẽ ngừng hoạt động vào tháng 4 tới.

Khi Hội đồng Bộ trưởng Ba Lan phê duyệt thỏa thuận vào tháng 11/2022 để Westinghouse xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này, họ đã viện dẫn “sự cần thiết phải độc lập vĩnh viễn khỏi các nguồn cung cấp năng lượng và vận chuyển năng lượng từ Nga”.

Ông Choho, người đứng đầu bộ phận nhiên liệu hạt nhân tại Westinghouse, tự tin về khả năng cạnh tranh của công ty với Rosatom ở châu Âu. Ông ước tính, cuối cùng Westinghouse có thể sẽ chiếm được 50-75% thị trường hạt nhân. Westinghouse cũng đã ký một thỏa thuận với công ty năng lượng Enusa của Tây Ban Nha để hợp tác chế tạo nhiên liệu cho các lò phản ứng do Nga sản xuất.

Tuy nhiên, bên ngoài Liên minh Châu Âu và Mỹ, cơ chế mua sắm và cung cấp tài chính một cửa của Rosatom vẫn rất hấp dẫn. Các lò phản ứng do Nga xây dựng có thể được tìm thấy ở Trung Quốc, Ấn Độ và Iran cũng như Armenia và Belarus. Theo Hiệp hội Năng lượng Quốc tế, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu được xây dựng và Rosatom đã có một biên bản ghi nhớ với 13 quốc gia.

Một báo cáo mới trên tạp chí Nature Energy đã kết luận, trong khi xung đột Nga-Ukraine “sẽ làm suy yếu vị thế của Rosatom ở châu Âu và làm tổn hại danh tiếng của họ với tư cách là nhà cung cấp đáng tin cậy”, vị thế toàn cầu của Rosatom “vẫn rất mạnh mẽ”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại