Sự ra đi của NSND Lý Huỳnh khiến nhiều người thương tiếc, nhiều nghệ sĩ cũng gửi lời chia buồn với diễn viên Lý Hùng và gia đình.
NSND Lý Huỳnh từng là huyền thoại làng võ Việt Nam.
NSND Lý Huỳnh là người có cống hiến nhiều cho dòng phim võ thuật ở Việt Nam. Ông sinh năm 1942 tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình giỏi võ. Ngoài việc học võ với cha, Lý Huỳnh còn học võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định và quyền Anh với các võ sư Hai Yến, Huỳnh Đạt Dân, Huỳnh Tiền.
Từ năm 1957 đến 1964, Lý Huỳnh thượng đài 6 trận và thắng 3 trận, trong đó có trận đấm ngã đối thủ Lyauté Francoise, võ sĩ da đen vô địch quân đội Pháp và các trận thắng võ sĩ nổi tiếng Anh Thạch, Mạch Trung Phương vô địch 6 tỉnh miền Trung.
Lý Huỳnh (ngoài cùng bên phải) thời trẻ. (Ảnh tư liệu).
Năm 1965, ông bắt đầu mở trường dạy võ và từ đây đã đào tạo nhiều võ sĩ giỏi với tên gọi bắt đầu bằng hai từ "Lý Huỳnh", như: Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến...
Do những đóng góp trong sự nghiệp đào tạo, Lý Huỳnh được tặng bằng danh dự cho thành tích "đào tạo nhiều võ sĩ ưu tú cho làng võ Việt Nam".
Ngoài ra, nhắc đến Lý Huỳnh, công chúng đều nhớ đến giai thoại ông thách đấu huyền thoại võ thuật điện ảnh Lý Tiểu Long, sự kiện này được báo chí Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) đưa tin. Nguồn cơn chuyện thách đấu là vì ông cảm thấy bị xúc phạm.
Lý Tiểu Long.
Năm 1970, một đoàn phim Hong Kong (Trung Quốc) sang Việt Nam để làm phim Long hổ sát đấu. Họ đến các võ đường để casting diễn viên, trong đó có võ đường của Lý Huỳnh. Ông được mời đóng vai sư huynh trong phim sau khi biểu diễn bài Thiếu Lâm tự và đá liên hoàn bát cước.
Một hôm sau khi quay xong cảnh đánh nhau trong nghĩa địa, đạo diễn khen Lý Huỳnh đá hay, đẹp và hỏi ông có dám đánh Lý Tiểu Long không. Chính câu hỏi "có dám không" không này khiến Lý Huỳnh cho là mình bị xúc phạm.
"Tôi bảo, này, tôi thách Lý Tiểu Long. Anh cứ ghi đi, tôi thách Lý Tiểu Long đánh. Tại sao tôi thách? Vì tôi là võ sĩ uýnh đài. Ông Lý Tiểu Long là võ sĩ màn ảnh, ông ấy không uýnh đài", Lý Huỳnh từng kể. Tuy nhiên, Lý Tiểu Long chưa kịp nhận lời thách đấu thì đã qua đời.
Từ năm 1972 đến năm 1989, Lý Huỳnh tham gia đóng phim Việt Nam và trở thành người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh Việt Nam thành công. Lý Huỳnh quan niệm rằng đóng phim võ thuật không có nghĩa là chỉ biểu diễn các màn võ đơn điệu, mà diễn viên còn phải biết đi sâu vào tính cách, tâm lý nhân vật.
Bởi vậy, trước khi diễn ông luôn nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, quan sát những mẫu người thật ở ngoài đời, hoà trộn với bản ngã, tài năng để làm vai diễn trở nên sống động.
Gia đình của NSND Lý Huỳnh.
Trong đời mình, NSND Lý Huỳnh đóng hơn 50 phim. Không chỉ thành công với vai trò diễn viên, ông còn là nhà sản xuất phim nổi tiếng, một trong những người tiên phong làm phim thị trường và là "bá chủ" về dòng phim võ thuật.
Với những cống hiến to lớn cho nền điện ảnh nước nhà, năm 1993 Lý Huỳnh đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và đến năm 2012, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND).
Năm 2015, phim Tây Sơn hào kiệt của ông được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là "Bộ phim được dàn dựng hoành tráng nhất Việt Nam", hãng phim Lý Huỳnh xác lập kỷ lục "Hãng phim tư nhân sản xuất phim nhiều nhất Việt Nam" với 31 bộ phim hợp tác với nước ngoài.
Lễ viếng NSND Lý Huỳnh bắt đầu từ 15h ngày 22/10 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp). 10h ngày 24/10, linh cữu được an táng nghĩa trang Phúc An Viên (quận 9, TP.HCM).