Các mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn. Ảnh: Reuters
Hình ảnh các nhân viên cứu hộ trục vớt các mảnh vỡ chiếc máy bay mang số hiệu SJ 182 của Sriwijaya Air gợi lại một loạt vụ tai nạn khác trong thập kỷ qua – điều đã khiến Indonesia trở thành “điểm đen” của các vụ tai nạn máy bay ở châu Á.
50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, tất cả đều là người Indonesia, được cho là đã thiệt mạng trên chiếc Boeing 737-500 khi chiếc máy bay lao xuống biển Java vào lúc 14h40 chiều 9/1 (theo giờ địa phương), chỉ 4 phút sau khi cất cánh từ Jakarta.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ tai nạn. Các phi công của chiếc máy bay, trên hành trình tới thành phố Pontianak ở Tây Kalimantan, được cho là có kinh nghiệm. Sriwijaya Air cũng được đánh giá là hãng hàng không an toàn vì không ghi nhận vụ tai nạn chết người nào kể từ khi thành lập năm 2003.
Hồ sơ an toàn hàng không của Indonesia
Vụ tai nạn máy bay của Sriwijaya Air là mới nhất trong chuỗi vụ tai nạn máy bay chết người ở Indonesia.
Theo Mạng lưới an toàn hàng không (ASN), Indonesia đã ghi nhận 104 vụ tai nạn với tổng số 2.353 người thiệt mạng kể từ năm 1945, cao nhất ở châu Á. Ấn Độ đứng thứ 2 với 95 vụ tai nạn khiến 2.379 người thiệt mạng.
Trên thế giới, Mỹ đứng đầu danh sách với 860 vụ tai nạn khiến 10.953 người thiệt mạng.
Các tai nạn máy bay trước đây ở Indonesia được cho là do các yếu tố như: sai sót về quy định, thiếu sót trong bảo trì và lỗi liên lạc.
Tuy nhiên vẫn còn những yếu tố khác dẫn đến các thảm họa của ngành hàng không. Một trong số đó là do tần suất chuyến bay ở quốc gia vạn đảo với 270 triệu dân này. Theo tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), lưu lượng hành khách hàng không quốc tế tại Indonesia đã tăng gấp ba lần từ năm 2005 đến năm 2017, trong khi năm 2019 Indonesia là thị trường nội địa lớn thứ 15, ghi nhận 91,3 triệu hành khách.
Các yếu tố khác bao gồm địa hình đồi núi, thời tiết xấu, đặc biệt là trong mùa mưa nhiệt đới. Mưa lớn đã khiến chuyến may mang số hiệu SJ 182 phải lùi thời điểm cất cánh 30 phút so với dự kiến ban đầu.
Từ năm 2007-2018, tất cả các hãng hàng không Indonesia đều bị cấm bay tới các nước thuộc Liên minh châu Âu. Mỹ cũng áp lệnh cấm tương tự trong giai đoạn 2007-2016 với lý do không đáp ứng các tiêu chuẩn án toàn và chuyên môn kỹ thuật.
Các vụ tai nạn máy bay chết người nhất của Indonesia
2018: Một chiếc máy bay Beoing 737 MAX của Lion Air rơi xuống biển Java sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta khiến 189 người thiệt mạng.
2015: Một máy bay quân sự Indonesia rơi xuống khu dân cư ở Medan khiến hơn 140 ngưởi thiệt mạng: bao gồm 122 người trên máy bay và ít nhất 20 người trên mặt đất.
2014: Chiếc Airbus A320 của AirAsia trên hành trình từ Surabaya tới Singapore rơi xuống biển Java khiến toàn bộ 162 người trên máy bay thiệt mạng.
2007: Trong ngày đầu năm mới, chiếc Boeing 737-400 của Adam Air rơi xuống vùng biển ngoài khơi đảo Sulawesi sau khi cất cánh từ Surabaya để tới Manado, khiến 102 người thiệt mạng.
2005: Chiếc máy bay của Mandala Airlines trên đường tới Jakarta đã lao vào khu dân cư ở Medan, khiến ít nhất 150 người thiệt mạng, gồm cả hành khách, phi hành đoàn và những người trên mặt đất.
1997: Indonesia chứng kiến vụ tai nạn máy bay tồi tệ nhất khi chiếc Airbus A300 rơi xuống Medan khiến toàn bộ 234 người trên máy bay thiệt mạng. Cũng trong năm này, một máy bay của Silk Air trên đường từ Jakarta tới Singpore đã rơi xuống sông gần thành phố Palembang khiến 104 người thiệt mạng; vụ việc này được cho là do phi công muốn tự sát.
Năm 1991: Một chiếc máy bay của Không quân rơi ngay sau khi cất cánh ở Đông Jakarta, phát nổ và lao vào một tòa nhà, khiến 135 người thiệt mạng và chỉ có 1 người duy nhất sống sót.
Phi công trình độ kém do thiếu giờ bay?
Các cuộc điều tra nói rằng vẫn còn quá sớm để kết luận nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn của Sriwijaya Air. Theo Flightradar24, chiếc máy bay đã mất độ cao khoảng 3.000 mét trong vòng 1 phút.
Việc hạn chế số lượng chuyến bay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến các phi công không đạt đủ số giờ bay.
Tháng 9/2020, cơ quan quản lý an toàn vận tải của Indonesia đã nhấn mạnh trình độ phi công và kinh nghiệm bay là điều đáng lo ngại trong cuộc điều tra vụ việc chiếc Airbus A330 của Lion Air trượt khỏi đường băng sau khi hạ cánh.
“Mặc dù tỷ lệ chuyến bay đã giảm trên khắp châu Á và thế giới trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19, các phi công vẫn phải duy trì các kỹ năng căn bản trong các khóa đào tạo định kỳ bắt buộc. Điều này sẽ đảm bảo họ đủ tiêu chuẩn để bay. Tuy nhiên, các yếu tố như sự tự tin và sự nhanh nhạy trong phản ứng có thể bị giảm nếu phi công bị giảm tần suất bay hoặc có sự ngắt quãng khá lâu giữa các chuyến bay so với lịch trình thông thường”, Dane Williams, Giám đốc Công ty tư vấn An toàn hàng không châu Á có trụ sở tại Hong Kong cho biết.
Trong khi đó, Patrik Frykberg, một nhà điều tra tai nạn máy bay độc lập, cho rằng, cần phải thu thập thông tin liên quan đến hồ sơ của phi hành đoàn, máy bay, hồ sơ bảo dưỡng, hoạt động của máy bay, bất kỳ thông tin thời tiết nào, các dữ liệu hộp đen... mới có thể kết luận về nguyên nhân dẫn tới tai nạn.
“Còn quá sớm để xác định con người có phải là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn này hay không. Hồ sơ đào tạo của phi hành đoàn cần được phân tích kỹ lưỡng,” ông Frykberg nói./.