Lý do Hà Nội hạn chế công chức dùng tiếng địa phương

Hương Quỳnh |

Theo đại diện Sở VH&TT Hà Nội, quy định cán bộ hạn chế sử dụng ngôn ngữ địa phương là để có trách nhiệm hơn với người nghe. Một số ý kiến lo ngại, quy định khó khả thi.

Sở VH&TT Hà Nội vừa trình UBND TP dự thảo quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.

Trong đó, có quy định cán bộ, công chức khi phát ngôn phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương.

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá Việt Nam cho hay, quy định này nên khuyến khích nhưng phải thực hiện dần dần chứ không thể làm ngay được.

Theo ông, ngôn ngữ địa phương là một bản sắc và các cán bộ vẫn quen nói như vậy, nếu giờ không được nói mà theo ngôn ngữ phổ thông sẽ có khó khăn, làm hạn chế tư duy phát ngôn của họ.

Ông cũng bày tỏ lo ngại quy định sẽ khó khả thi vì những cán bộ, công chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan của TP Hà Nội là từ nhiều địa phương tới.

“Quy định này chắc chắn phải lấy ý kiến cán bộ, công chức trước”, GS Thịnh nói.

Nhà nghiên cứu văn hoá, GS Trần Lâm Biền thì cho rằng, văn hoá là bộ mặt của đất nước, cán bộ phải nói chính xác, không được nói ngọng, nói tục.

Lý do Hà Nội hạn chế công chức dùng tiếng địa phương - Ảnh 1.

GS Trần Lâm Biền

“Người ta đặt ra tiếng phổ thông và sự ứng xử ngôn từ là theo tiếng phổ thông, đã đi làm ở cơ quan Hà Nội thì điều đó bắt buộc phải theo chứ không thể Hà Nội bị biến thành địa phương được.

Nói ngôn từ địa phương không phải ai cũng hiểu”, ông Biền nêu ý kiến.

Lấy ví dụ câu nói “Mời các cô vào dự họp” thì tiếng phổ thông dùng từ “cô” chứ không phải là “o”.

GS Biền cho rằng: "Chúng ta chấp nhận ngôn ngữ đa dạng vì Hà Nội là của cả nước nhưng không thể dùng những ngôn từ địa phương này có, nhưng nơi khác không có vì nhiều người không hiểu được".

Công chức không thể nói vô trách nhiệm

Trước những băn khoăn về quy định, ông Ngô Văn Nam, Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa gia đình (Sở VH&TT Hà Nội) cho biết, năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức của TP rất tốt nhưng còn bộc lộ bất cập trong kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin, từ đó dẫn đến những vụ việc không đáng có xảy ra thời gian vừa qua.

"Có những người chuyên môn rất tốt, nhưng kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin còn chưa hoàn thiện. Điều đó dẫn đến những bất cập khi xử lý các tình huống người dân bức xúc.

Đã là công chức, thì không thể văng tục, nói một cách vô trách nhiệm trước công chúng được", ông Ngô Văn Nam chia sẻ.

Ông cho hay, quy định chỉ để khuyến cáo cán bộ, công chức hạn chế nói ngọng, nói lắp và sử dụng ngôn ngữ địa phương giúp người khác không hiểu lầm hoặc khó hiểu khi trao đổi công việc.

“Đây chỉ là khuyến cáo để cán bộ, công chức cố gắng phấn đấu. Nó là ngôn ngữ trong hoạt động công vụ chứ không phải cấm ngôn ngữ địa phương.

Trong tuyển dụng không bao giờ yêu cầu ngôn ngữ mà chỉ là chuẩn mực chung để hướng tới người dân nghe được”, ông Nam giải thích.

Theo ông, đã là cán bộ, công chức khi nói phải có trách nhiệm hơn với người nghe.

Ông Nam cho rằng, trong xử lý tình huống, cán bộ công chức phải hết sức kiềm chế, phát ngôn phải điềm đạm, kể cả khi người dân đến cơ quan bức xúc với mình trong trao đổi công việc.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại