Trong bối cảnh Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh đã kết thúc, Triều Tiên được cho sắp nối lại hoạt động phô trương sức mạnh trong tương lai gần giữa lúc thiếu vắng các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.
Trong tháng Một, Bình Nhưỡng đã tiến hành 7 vụ phóng tên lửa bao gồm thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung. Đây là tần suất nhiều chưa từng có trong chương trình thử nghiệm tên lửa của chính phủ Triều Tiên. Nhưng sau đó, Triều Tiên đã cho dừng phóng thử tên lửa trong giai đoạn Trung Quốc tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh từ ngày 4 – 20/2.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA)
“Tôi cho rằng Triều Tiên kiềm chế phóng thử tên lửa và các hoạt động khác để tránh xuất hiện tin tức trong thời gian truyền thông đưa tin về Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh. Giờ đây, khi Olympic đã kết thúc, dường như Triều Tiên sẽ cho nối lại các vụ thử nghiệm mà khả năng là phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)”, Korea Times dẫn lời ông Joseph DeTrani, cựu đặc phái viên Mỹ tham gia quá trình đàm phán với Triều Tiên.
Ông Ramon Pacheco Pardo, Giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế tại Đại học King's College London, đồng quan điểm với ông DeTrani. Bởi theo ông Pardo, sự thiếu vắng các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên với Mỹ - Hàn sẽ khiến Bình Nhưỡng quay trở lại thử nghiệm hàng loạt tên lửa mới phát triển.
“Khi chương trình thử nghiệm được nối lại, Triều Tiên có thể phóng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa đạn đạo tầm trung và các công nghệ sử dụng trên ICBM”, ông Pacheco Pardo nói thêm.
Vào ngày 21/2, trước mối lo Triều Tiên sớm có thêm những hành động đe dọa, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã lên tiếng hối thúc Triều Tiên trở lại đối thoại.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại bất đồng ý kiến về khoảng thời gian Triều Tiên tái thực hiện các vụ thử nghiệm tên lửa. Nguyên nhân là sắp tới Trung Quốc sẽ tổ chức 3 sự kiện quan trọng cùng lúc. Đầu tiên là Thế vận hội mùa Đông cho Người khuyết tật từ ngày 4 – 13/3, cùng Kỳ họp thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội) khóa XIII khai mạc vào ngày 5/3 và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc vào ngày 4/3.
“Triều Tiên không cần sự chấp thuận của Trung Quốc để tiến hành các vụ thử nghiệm, nhưng Bình Nhưỡng hiểu rõ về mức độ nhạy cảm về tác động của các vụ thử nghiệm tới mối quan hệ với Bắc Kinh”, Giáo sư Terence Roehrig tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định.
Còn theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), vào ngày 22/2, Chủ tịch Kim Jong-un đã gửi tin nhắn thoại tới Chủ tịch Tập Cận Bình để chúc mừng Trung Quốc bế mạc “thành công” Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, động thái của Triều Tiên là nhằm tăng cường các mối quan hệ với đồng minh truyền thống Trung Quốc.
“Tôi nghĩ khả năng Triều Tiên sẽ dừng tiến hành thử nghiệm cho tới khi Trung Quốc kết thúc các cuộc họp trong tháng Ba, và sau đó mọi thứ dễ dàng hơn để nối lại chương trình thử nghiệm”, ông Roehrig nói.
Ông Pacheco Pardo cũng cho rằng, “Thời gian tổ chức Thế vận hội mùa Đông cho Người khuyết tật trùng với hai hội nghị quan trọng, do đó Triều Tiên sẽ không cho phóng thử nghiệm trong khoảng thời gian này”.
Song ông DeTrani lại nhận định Trung Quốc không quan tâm tới các vụ thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên, trừ khi Bình Nhưỡng cho nổ bom hạt nhân.
“Tôi cho rằng cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc trong tháng Ba sẽ không ảnh hưởng tới quyết định của Triều Tiên cho phóng thêm một hoặc nhiều tên lửa. Nhưng có thể chính quyền Bắc Kinh sẽ tác động để Triều Tiên không thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 7 trong thời gian Quốc hội Trung Quốc họp”, ông DeTrani cho hay.
Ngoài ra, ông Roehrig và Pacheco Pardo còn cho rằng khả năng ông Kim sẽ chờ sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 9/3 kết thúc để xem chính quyền mới Seoul thi hành chính sách ngoại giao gì với Bình Nhưỡng.
Gần đây, Triều Tiên đe dọa sẽ cho xóa bỏ các giới hạn tự áp đặt liên quan tới thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân, đồng thời xem đây là đòn đáp trả trước những động thái bị cáo buộc là “thù địch” từ phía Mỹ.
Trước đó, vào tháng 4/2018, ông Kim tuyên bố cho dừng các vụ thử nghiệm hạt nhân và ICBM trong giai đoạn tiến hành đối thoại với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump.
Theo ông Roehrig, Triều Tiên có thể liên lạc với phía Mỹ để tiến tới một thỏa thuận tạm ngừng thử nghiệm vũ khí chính thức và đổi lại Washington xóa bỏ các lệnh trừng phạt. Nhưng ông Roehrig nói thêm hiện tại Bình Nhưỡng không tỏ ra quan tâm tới chuyện đàm phán với Washington.
“Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẵn sàng đưa ra một số sự nhượng bộ để đổi lấy Triều Tiên tạm dừng thử nghiệm vũ khí, nhưng vấn đề này hiện chưa rõ ràng”, ông Roehrig nhấn mạnh.
Ông Pacheco Pardo cho biết Triều Tiên sẽ muốn đối thoại với cả Mỹ và Hàn Quốc, nếu Bình Nhưỡng nhận thấy cơ hội rộng mở dưới thời chính quyền Seoul mới.
“Chính quyền của Tổng thống Biden có thể sẽ đồng thuận, bởi họ vẫn kêu gọi đối thoại. Ngoài ra, ông Biden còn muốn tân Tổng thống Hàn Quốc sát cánh ủng hộ chính sách quan hệ với Trung Quốc. Hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Triều sẽ hỗ trợ vấn đề này”, ông Pacheco Pardo kết luận.