Phần Lan được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 5 liên tiếp, theo một báo cáo hàng năm, các quốc gia Bắc Âu khác cũng tiếp tục xếp hạng cao.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới lần thứ 10 của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, được công bố hồi tháng 3 năm nay, cho thấy rằng "điểm số" của Phần Lan "dẫn trước đáng kể" so với các quốc gia khác trong top 10.
Đan Mạch vẫn ở vị trí thứ hai, tiếp theo là Iceland, trong khi Thụy Điển và Na Uy lần lượt giữ vị trí thứ bảy và thứ tám trong danh sách.
Người Phần Lan vẫn luôn chấp nhận những miêu tả về bản thân như là "người u sầu" và "dè dặt" - một dân tộc làm chủ được sự "giãn cách xã hội" từ rất lâu ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Một câu nói phổ biến của người dân địa phương là "Hạnh phúc sẽ luôn kết thúc bằng nước mắt."
Nhưng trong 5 năm liên tiếp, Phần Lan được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Báo cáo thậm chí từng khiến một số người Phần Lan đặt câu hỏi: "Thật không?"
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới sử dụng dữ liệu từ các cuộc phỏng vấn hơn 350.000 người ở hơn 90 quốc gia, do công ty thăm dò Gallup thực hiện. Bảng xếp hạng không dựa trên các yếu tố như thu nhập hay tuổi thọ, mà dựa trên cách mọi người đánh giá mức độ hạnh phúc của chính họ trên thang điểm 10.
Shun Wang, giáo sư Trường Quản lý và Chính sách Công KDI ở Hàn Quốc và là một trong những tác giả của báo cáo cho biết: "Chúng tôi tin rằng những đánh giá chủ quan hoặc tự nhận thức này là một cách đáng tin cậy hơn để cho biết cuộc sống của chính người dân đang tốt đẹp ra sao."
Các câu hỏi bao gồm:
"Bạn có cười hoặc cười nhiều vào ngày hôm qua?"
"Bạn đã học hoặc làm điều gì đó thú vị ngày hôm qua?"
"Bạn có được đối xử tôn trọng cả ngày hôm qua không?"
…
Các câu hỏi khác liên quan đến sự tin tưởng. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người nghĩ rằng cảnh sát hoặc người lạ "rất có khả năng" sẽ trả lại chiếc ví bị mất của họ sẽ chấm điểm cuộc sống cao hơn nhiều so với những người nghĩ ngược lại.
Các tác giả đã đưa ra 6 phân loại để giải thích sự khác biệt về hạnh phúc giữa các quốc gia: tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về mức độ tham nhũng. Tiến sĩ Wang cho biết một số kết quả đáng ngạc nhiên: Các khu vực Đông Âu xếp hạng tương đối thấp trong danh sách, mặc dù có mức thu nhập tương đối tốt; trong khi ở Nam Mỹ, điều ngược lại là: Mức độ hạnh phúc có xu hướng cao dù mức thu nhập tương đối thấp.
Ở Phần Lan, một xã hội tương đối bình đẳng, mọi người có xu hướng không tập trung vào việc "theo kịp nhà người ta".
Antti Kauppinen, giáo sư triết học tại Đại học Helsinki, cho biết: "Mọi người thường không quá bị ám ảnh với cái gọi là so sánh xã hội. Điều này bắt nguồn từ giáo dục, mọi người đều được tiếp cận với nền giáo dục tốt. Sự cách biệt về thu nhập và giàu có là tương đối nhỏ."
Một người đàn ông ở vùng ngoại ô Helsinki, thủ đô của Phần Lan, Janne Berliini, 49 tuổi, nói rằng anh cảm thấy đủ hạnh phúc vì "Tôi có việc làm".
Người dân Phần Lan cũng có xu hướng có những kỳ vọng khá thực tế cho cuộc sống của họ. Sari Poyhonen, giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học Jyvaskyla, cho biết. Và khi đạt được một điều gì đó trong cuộc sống vượt quá mong đợi, mọi người sẽ tỏ ra khiêm tốn thay vì khoe khoang. Người Phần Lan rất giỏi trong việc giữ bí mật về hạnh phúc của mình.
Tất nhiên, mọi thứ ở Phần Lan không hoàn hảo. Giống như các khu vực khác của lục địa, chủ nghĩa dân tộc cực hữu đang gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp là 8,1%, cao hơn tỷ lệ thất nghiệp trung bình 7,5% ở Liên minh châu Âu.
Nhưng có rất nhiều điều về Phần Lan, thực sự tuyệt vời. Hệ thống trường công lập của đất nước, một hệ thống giáo dục hiếm khi cho trẻ em làm bài kiểm tra, là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới. Cao đẳng, đại học là miễn phí. Có một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân tốt và dịch vụ chăm sóc trẻ em có giá cả phải chăng. Phần Lan là một trong những quốc gia châu Âu ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch, tất cả là bởi người dân có sự tin tưởng cao vào chính phủ và ít phản đối việc tuân theo các hạn chế, theo các chuyên gia.
Heikki Aittokoski, phóng viên các vấn đề quốc tế của Helsingin Sanomat, tờ nhật báo lớn nhất của Phần Lan, nói rằng, sau khi đi đến các nước bao gồm Anh, Bhutan, Costa Rica, Botswana, Đan Mạch và Hoa Kỳ để nghiên cứu về hạnh phúc cho một cuốn sách, điều khiến anh ấn tượng là những khía cạnh bình thường của cuộc sống Phần Lan, những điều anh coi là hiển nhiên, thực ra lại chỉ xảy ra ở nước mình chứ không có ở quốc gia khác. Chẳng hạn, ở Phần Lan, mọi người tin tưởng lẫn nhau. Vào mỗi buổi sáng ở Helsinki, người ta thấy những đứa trẻ khoảng 7 tuổi tự mình đeo ba lô đến trường, và cảm thấy hoàn toàn yên tâm.
"Đó là một hình ảnh thu nhỏ miêu tả hạnh phúc ở Phần Lan", Aittokoski nói.
Nguồn: Theo CNBC, NYtimes