Nhân dịp đầu năm mới Qúy Mão 2023, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh và ghi nhận những chia sẻ về "chìa khoá" dẫn đến thành công của địa phương này.
Đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI
- Nhiều người cho rằng, Bình Dương đang là một trong những “ngôi sao” sáng nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Bình Dương đứng thứ thứ 2 trên bảng xếp hạng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ sau TPHCM; trong năm 2022, vốn đầu tư trong nước cao hơn cả vốn FDI. Xin ông thông tin thêm về những kết quả kinh tế Bình Dương đạt được năm 2022?
Ông Võ Văn Minh: Trong năm 2022, vốn đầu tư trong nước của địa phương đạt gần 97.000 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với năm 2021, trong đó có hơn 6.200 doanh nghiệp (DN) đăng ký mới và hơn 1.500 đơn vị bổ sung tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Thu hút vốn FDI đạt 3,078 tỷ USD. Tính đến nay, Bình Dương có 4.082 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 39,7 tỷ USD. Bình Dương tiếp tục giữ vị trí thứ 2 sau TPHCM về thu hút vốn FDI. Đây là năm đầu tiên Bình Dương thu hút đầu tư trong nước cao hơn vốn FDI.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh.
Để giảm phụ thuộc, tránh đứt gãy sản xuất trong thời gian qua, địa phương đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Với phương châm trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, Bình Dương không chỉ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mà DN trong nước cũng đến đăng ký để đầu tư các dự án quy mô lớn.
Để tiếp tục thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, Bình Dương ưu tiên dành quỹ đất phát triển khu công nghiệp, đầu tư hạ tầng giao thông. Giữa năm 2022, Bình Dương đã ký kết bản ghi nhớ về việc xây Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ với mức đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để hạn chế số lượng DN rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì cần đẩy mạnh các chương trình, chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn.
- Giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Bình Dương là "điểm nóng" của cả nước và khu vực phía Nam. Tình hình nặng nề hơn khi khu vực công nghiệp Đông Nam Bộ bị đứt gãy chuỗi sản xuất nghiêm trọng. Thời điểm đó, kinh tế của Bình Dương bị ảnh hưởng ra sao, thưa ông?
Ngay cả khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Bình Dương. Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, Bình Dương vẫn duy trì 18.000 DN hoạt động liên tục, trong đó gần 4.000 DN vốn FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 36,5 tỷ USD. Năm 2021, Bình Dương vẫn đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư FDI, sau TPHCM và Hà Nội.
Bình Dương hiện có 4.082 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 39,7 tỷ USD.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng địa phương đã gặt hái được kết quả đáng tự hào trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp. Ngay cả trong thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất, địa phương vẫn duy trì sản xuất an toàn theo mô hình “3 tại chỗ”, nhờ đó kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng.
Tiếp đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, bước qua năm 2022, trong điều kiện bình thường mới sau dịch COVID-19, Bình Dương tập trung nguồn nhân lực vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an sinh xã hội với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trên cơ sở kết quả đạt được và những nỗ lực sản xuất, kinh doanh để bù đắp thiếu hụt do dịch bệnh, trong những tháng đầu năm 2022, kinh tế Bình Dương tăng tốc hồi phục và phát triển nhằm bảo đảm hoàn thành những chỉ tiêu đã đề ra. Bằng chứng là trong 5 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của Bình Dương tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó thu hút đầu tư FDI lũy kế 5 tháng đầu năm đạt được gần 2,5 tỷ USD, vươn lên đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI .
- Một cánh én không thể làm nên mùa xuân, khi Bình Dương đóng vai trò là thủ phủ công nghiệp lớn nhất Đông Nam Bộ và "mắt xích" quan trọng của kinh tế cả nước, địa phương đã làm gì để vượt qua thời kỳ trước khó khăn chồng chất khó khăn, thưa ông?
Từ đầu tháng 7/2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, lây lan nhanh, Bình Dương phải thực hiện giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến các mặt đời sống xã hội. Trong đó, có nhiều DN phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp.
Mặc dù gặp chịu tác động lớn do dịch bệnh, nhưng với truyền thống đoàn kết, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, sự chung sức ủng hộ của cộng đồng DN và nhân dân, cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh được khôi phục theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Với tinh thần phấn đấu đạt được kết quả cao nhất, Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất, trong năm 2022 cả hệ thống chính trị phải tập trung thực hiện thắng lợi các giải pháp phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Bình Dương tập trung phòng, chống dịch bệnh, theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Đặc biệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội.
Địa phương đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Bình Dương đã thành lập các tổ đặc biệt theo dõi, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến các nước để kêu gọi đầu tư, nhờ đó dòng vốn FDI chảy mạnh vào Bình Dương.
Xu hướng đi trước đón đầu
- Làn sóng chuyển dịch đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều địa phương "trải thảm đỏ" để đón nhà đầu tư, xây dựng những cơ chế tốt nhất để đồng hành cùng DN và tạo động lực tăng trưởng. Bình Dương sẽ làm gì và định hướng phát triển như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Bình Dương phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5 - 8,7%/năm. Chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Địa phương xác định 34 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 với 11 giải pháp trọng tâm.
Bình Dương phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5 - 8,7%/năm.
Trước hết, Bình Dương tập trung nguồn lực đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đồng thời, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế; phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 tăng 8,9% so với cùng kỳ. Tỉnh ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số; nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo thị trường và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu Ấn Độ, Nam Mỹ...
Dự báo năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những khó khăn thách thức, các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu tiếp tục được Bình Dương ưu tiên thực hiện. Đặc biệt, tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa; DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ khuyến khích các DN đổi mới công nghệ; tổ chức đối thoại, gặp gỡ DN, các hiệp hội ngành hàng để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Bình Dương sẽ chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực như giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 157.482 tỷ đồng, bằng 31% GRDP của tỉnh năm 2023.
- Đang là "ngôi sao" tăng trưởng kinh tế, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức với Bình Dương. Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển trong thời gian tới, tỉnh có cần trợ lực gì không, thưa ông?
Hiện Bình Dương đã trở thành một địa phương có nền kinh tế mạnh, đặc biệt là công nghiệp, thương mại - dịch vụ (ảnh: Phạm Nguyễn).
Hơn 25 năm trước, Bình Dương đột phá bằng việc xây dựng các khu công nghiệp, “trải thảm đỏ” mời gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển. Bước đột phá lần thứ nhất sau chặng đường vừa qua thực sự mang lại thành công cho tỉnh nhà. Kinh tế Bình Dương thoát ra khỏi nền nông nghiệp lạc hậu, trở thành một địa phương có nền kinh tế mạnh, đặc biệt là công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Bước vào giai đoạn mới sau chặng đường xây dựng, phát triển hơn 1/4 thế kỷ qua, đồng thời cụ thể hóa mục tiêu đặt ra, Bình Dương triển khai xây dựng Vùng Đổi mới sáng tạo, xây dựng Khu công nghiệp khoa học Công nghệ , thu hút những dự án đầu tư xanh, mạnh vốn liếng, giàu trình độ kỹ thuật, chất xám… Có thể coi đây là bước đột phá lần thứ hai để nâng tầm phát triển, bắt nhịp cùng xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra như vũ bão trên toàn cầu.
Tỉnh kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam bộ trong điều tiết ngân sách, cũng như quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các tỉnh trong vùng nói chung và Bình Dương nói riêng, đặc biệt là về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực...
- Xin cảm ơn ông!