Trước đó, kết quả khảo sát từ tệp khách hàng của 10 công ty bất động sản lớn tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam giai đoạn 2020-2022 do Công ty Việt An Hòa công bố cho thấy, tỷ trọng nhà đầu tư lướt sóng trên thị trường bất động sản phía Nam giảm dần và điều chỉnh về 0%.
Nguyên nhân khiến kiểu đầu tư này tạm dừng do những động thái siết chặt thị trường bất động sản từ cơ quan chức năng, địa phương, đặc biệt là việc nhiều ngân hàng đồng loạt kiểm soát tín dụng rót vào địa ốc, thuế chuyển nhượng bị kiểm soát chặt, đang góp phần làm chùn tay thao túng của giới đầu cơ, giảm thiểu mua đứt bán đoạn.
Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, đây chỉ là nhất thời, khi thời cơ đến thì nhóm này sẽ lại quay trở lại. Đặc biệt, nhóm nhà đầu tư dạng này thường tụ lại rất đông ở thị trường mới khai phá, mới có thông tin quy hoạch, hoặc tại một số khu vực chuẩn bị có dự án lớn đến.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, đầu tư lướt sóng bất động sản lúc nào cũng có, dù ở miền Bắc hay miền Nam, có dịch hay không có dịch, thì vẫn luôn tồn tại.
Theo ông Đính, ở một góc độ nào đó, thị trường bất động sản vẫn rất cần dòng vốn từ các nhà đầu tư lướt sóng, họ mang tính hoạt náo viên kích thích thị trường sơ khởi. Nếu không có dòng vốn này, thị trường sẽ tương đối ảm đạm.
Nhóm nhà đầu tư dạng này thường tụ lại rất đông ở thị trường mới khai phá, mới có thông tin quy hoạch, hoặc tại một số khu vực chuẩn bị có dự án lớn đến.
“Gần đây, quá trình đầu tư vào hạ tầng đang rất phát triển, đó là chưa kể rất nhiều dự án FDI lớn chuẩn bị đổ bộ vào thị trường Việt Nam, nên kiểu gì cũng xuất hiện lướt sóng bất động sản. Do đó, tôi khẳng định không có chuyện hết thời, mà phải ngược lại, thị trường sắp có đợt đầu tư lướt sóng mới”, ông Đính nói.
Tuy nhiên, trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, nhất là thời điểm đầu năm 2021, tình trạng lướt sóng bất động sản ồ ạt đã gây ra một số hệ quả nhất định, ông Đính cho rằng, Chính phủ cần có thêm công cụ để kiểm soát dòng vốn đầu tư lướt sóng.
“Như tôi đã nói, các nhà đầu tư bất động sản giống như ngòi nổ, giúp thị trường sôi động lên. Tuy nhiên, vừa qua, việc đầu tư lướt sóng ồ ạt tại các địa phương quản lý yếu kém, đã khiến giá đất nhiều nơi tăng ảo, phi thực tế. Điều này có thể tạo ra bong bóng bất động sản, về lâu dài rất có hại. Vì vậy, cần có thêm công cụ để kiểm soát”, ông Đính nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Hà Nội cho rằng, kiểu đầu tư lướt sóng sẽ khó triệt tiêu, nhóm nhà đầu tư này chỉ chờ thời quay trở lại.
“Đến nay, thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhóm đầu tư lướt sóng sẽ tạm rút quân chờ thời. Nhưng khi dòng tiền chảy vào bất động sản lại tăng mạnh, hay có thông tin mới về các đại dự án nhóm này sẽ tiếp tục khuấy đảo thị trường.
Tuy nhiên, việc đầu tư bất động sản hay lướt sóng đều không sai, vì chưa có pháp luật nào cấm việc này, chỉ là mục tiêu đầu tư của mỗi người sẽ khác nhau. Tôi cho rằng, muốn triệt tiêu cần có các công cụ pháp luật”, ông Điệp đưa quan điểm.
Hiện tượng “lướt sóng” bất động sản rõ ràng có tác động không nhỏ đến thị trường, trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên những cơn sốt đất cục bộ. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản vẫn rất cần dòng vốn từ các nhà đầu tư "lướt sóng". Họ mang tính hoạt náo viên kích thích thị trường sơ khởi. Nếu không có dòng vốn này, thị trường sẽ tương đối ảm đạm.
Cũng theo giới chuyên gia, việc giá nhà đất liên tục đội lên trong thời gian qua không thể đổ hết tại môi giới hay các nhà đầu tư "lướt sóng", mà do quy luật cung cầu và sự ủng hộ của thị trường, cùng đó là sự kỳ vọng của các nhà đầu tư. Theo đó, khi thị trường có nhu cầu lớn đương nhiên giá bất động sản sẽ tăng mạnh.
Tuy nhiên, việc đầu tư lướt sóng cũng sẽ gây ra nhiều rủi ro như nhiễu loạn thị trường bất động sản, giá tăng cao khiến người có nhu cầu thực khó tiếp cận. Đặc biệt, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của nhà đầu tư khi thị trường đột ngột “gãy sóng”.