Lương cao như Công Phượng “đi Tây”, vậy tại sao cầu thủ Malaysia vẫn bán độ?

Na Miên |

Trong số các tuyển thủ Việt Nam, chỉ có hai ngôi sao “đi Tây” là Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Công Phượng “địch được” các tuyển thủ của Malaysia về lương tháng…

Cầu thủ Malaysia đáng giá bao nhiêu?

Tất cả 23 cầu thủ Malaysia được HLV Tan Cheng Hoe triệu tập đều thuộc biên chế các đội bóng ở Super Malaysia League (cầu thủ trẻ Dominic Tan thi đấu ở Thái Lan nhưng theo dạng cho mượn từ Johor).

Hiện nay, Thai Premier League là giải VĐQG số 1 Đông Nam Á, nó có sức hút rất lớn về mặt chuyên môn lẫn tài chính đối với các cầu thủ từ Việt Nam, Myanmar và Singapore. Trong số các tuyển thủ của Park Hang-seo, có Đặng Văn Lâm đang thi đấu cho Muangthong United và trước đó là Lương Xuân Trường từng gia nhập Buriram.

Tại sao các tuyển thủ Malaysia lại không hào hứng với giải đấu số 1 khu vực? Đơn giản là tiền.

Hafizan Halim - Giám đốc điều hành một công ty đại diện và môi giới cầu thủ lớn tại Malaysia lý giải với The New Straits Times: "Các tuyển thủ Malaysia nhận được rất nhiều lời đề nghị từ những đội bóng Thái Lan. Nhưng họ từ chối mức lương ở Thái Lan, từ 3.000 đến 5.000 USD mỗi tháng".

Lương cao như Công Phượng “đi Tây”, vậy tại sao cầu thủ Malaysia vẫn bán độ? - Ảnh 1.

Các tuyển thủ Malaysia đều nhận mức lương rất cao ở CLB.

"Mức lương ấy, không hơn, thậm chí còn kém hơn mức các tuyển thủ Malaysia nhận được ở giải quốc nội. Cầu thủ Malaysia không kén chọn, nhưng ra nước ngoài thi đấu mà lương không hơn trong nước thì chẳng ai dại xuất ngoại".

Quả thực, mức lương của học trò Tan Cheng Hoe đang hưởng ở Super Malaysia League là khá cao. Điển hình như tiền đạo Talaha nhận 80.000 MYR mỗi tháng, tương đương 19.000 USD, ngang với lương Công Phượng ở Bỉ, hoặc nói theo cách của bầu Đức trong lễ ký hợp đồng của Phượng với Sint-Truidense là "bằng cầu thủ V.League cày cả năm".

Năm 2018, bảng lương của Kedah FA chẳng hiểu vì lý do gì bị lộ trên mạng xã hội. Theo bảng lương này, người hưởng thấp nhất là tuyển thủ trẻ Akhyar Rashid (1999) với mức 16.869 MYR/tháng, tương đương 4.000 USD. Hiện tại, Rashid đã là người của Johor và theo báo chí Malaysia, tiền đạo mới 20 tuổi này được Johor trả gấp đôi đội bóng cũ.

Nhìn bảng lương của các tuyển thủ Malaysia mới thấy chạnh lòng thay cho các tuyển thủ Việt Nam. Mà nếu lại mượn lời bầu Đức để nói thì "cày cả năm ở V.League".

Lương cao như Công Phượng “đi Tây”, vậy tại sao cầu thủ Malaysia vẫn bán độ? - Ảnh 2.

Nhưng tại sao họ vẫn bán độ?

Nhưng chất lượng giải VĐQG Malaysia lại không tương xứng với những đồng lương mà những ngôi sao như Talaha đang hưởng.

Còn nhớ hồi tháng 4/2015, thời điểm Talaha đã nhận lương gần 20.000 USD/tháng, đội tuyển quốc gia nước này rơi xuống vị trí thứ 164 trên BXH FIFA, còn kém hơn 1 bậc so với Bhutan, đất nước với những cầu thủ có thu nhập chỉ 125 USD/tháng và phải làm thêm đủ nghề để kiếm sống.

Báo chí Malaysia thời đó đặt câu hỏi, tại sao tiền nhiều mà bóng đá tụt hậu, giải VĐQG kém hấp dẫn? Cho đến thời điểm này, giải VĐQG Malaysia vẫn không mấy khởi sắc và có thể nói là dẫn đầu Đông Nam Á về… bán độ với những "Kelong King".

Một câu hỏi đặt ra, tại sao cầu thủ thu nhập cao lại còn bán độ? Thực ra, không phải cầu thủ nào cũng hưởng lương cao như Talaha và không phải đội bóng nào cũng có bảng lương hấp dẫn như cái bảng lương bị rò rỉ của Kedah FA hồi năm ngoái.

Lương cao như Công Phượng “đi Tây”, vậy tại sao cầu thủ Malaysia vẫn bán độ? - Ảnh 3.

Các tuyển thủ Malaysia đều thuộc biên chế những đội bóng có tiềm lực tài chính vững và ổn định. Những đội còn lại, nhất là những đội bóng hạng thấp hơn sống chật vật, nên đã biến Malaysia trở thành nền bóng đá bị xếp hạng (không chính thức) nợ lương số 1 châu Á, với 262 trường hợp kiện do quỵt và nợ lương cầu thủ.

Mà trong bối cảnh khó khăn về tài chính do chậm lương hoặc lương không đủ sống, tiêu cực rất dễ xảy ra, khi mà "Kelong King" - những ông trùm làm độ ở Malaysia thì không bao giờ "chậm lương".

Nói về nguyên nhân nạn cầu thủ bán độ ở Malaysia, ông Datuk Seri Azam Baki - lãnh đạo cấp cao của Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) cho rằng: "Có hai nguyên nhân khiến cầu thủ Malaysia bán độ. Thứ nhất là việc tiêu xài vượt quá kiểm soát của họ. Họ ham chơi mà không quản lý được tài chính của mình".

"Nguyên nhân thứ hai, rất buồn, theo nghiên cứu của chúng tôi, đó là hệ quả của việc chậm lương và lương không đủ sống ở các đội bóng. Tình trạng này khiến các cầu thủ liều lĩnh, bán mình để nhận những đồng tiền bán độ".

Rõ ràng, có sự chênh lệch rất lớn về thu nhập giữa các cầu thủ ở Malaysia. Mà một trong những hệ lụy lớn đã dẫn tới nạn dàn xếp tỷ số rất phổ biến ở quốc gia này. Một nền bóng đá muốn tới World Cup, yếu tố đầu tiên không phải là đào tạo trẻ, mà phải là… sạch ở giải VĐQG.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại